Vấn đề địa chính trị, các điểm sáng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cùng những dịch chuyển trong công nghệ sẽ là các điểm đáng lưu ý trong năm 2023, theo đại diện HSBC.
Đại dịch Covid-19 còn chưa dứt, những cú sốc về địa chính trị và lạm phát kéo dài được dự báo tiếp tục là những rủi ro chính trong năm 2023, theo ông David Liao, đồng Tổng giám đốc điều hành của HSBC châu Á – Thái Bình Dương, trong nhận định mới nhất.
Ông đánh giá châu Á nhiều khả năng sẽ là điểm sáng giữa bối cảnh khó khăn ngày càng gia tăng, khi khu vực này tiếp tục phát huy sự vững vàng.
Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới và phục hồi tiêu dùng ở đại lục được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế, trong khi Ấn Độ và ASEAN cùng nâng cao tiềm năng tăng trưởng.
Theo ông, có sáu xu hướng chính nên lưu tâm trong năm 2023.
Thứ nhất là các vấn đề về địa chính trị đang định hình lại chuỗi công nghiệp toàn cầu.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn có thể châm ngòi cho những cuộc khủng hoảng năng lượng và thực phẩm mới, đẩy lạm phát lên cao, siết chặt thêm các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng và gia tăng các rủi ro địa chính trị.
Trong khi đó, công nghệ trở thành tâm điểm của sự chú ý trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc nổ ra từ năm 2018. Những hạn chế đối với thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia được dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì và lan rộng sang sản xuất công nghệ.
Thứ hai là cơ hội để tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng.
“Đây là lúc để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là sản xuất năng lượng bền vững, các giải pháp lưu trữ tiên tiến và tăng cường tiêu dùng năng lượng bền vững”, ông David Liao nhận định.
Cuộc chuyển hóa này sẽ đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ và các thị trường vốn, cũng như các nhà đầu tư tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho nguồn vốn của chính phủ.
Về lâu về dài, chuỗi cung ứng xanh mới – dựa trên năng lượng mới và công nghệ mới – được kỳ vọng sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tạo thêm cơ hội việc làm.
Xu hướng thứ ba đáng lưu ý là công nghệ tài chính sẽ thúc đẩy tăng trưởng tương lai.
Sự vững vàng của các doanh nghiệp nhờ số hóa đã được kiểm chứng đầy đủ trong đại dịch Covid-19, và sẽ tiếp tục là trọng tâm của chiến lược kinh doanh. Công nghệ tài chính toàn cầu sẽ mở ra những thay đổi mới, ví dụ như tiền số ngân hàng trung ương (central bank digital currencies – CBDC) và tài sản ảo.
Những thay đổi này không chỉ nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng mà còn mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Vấn đề thứ tư cần quan tâm là Ấn Độ và các nền kinh tế ASEAN sẽ là những điểm sáng trong tăng trưởng toàn cầu.
Được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch sản xuất, số hóa, chuyển hóa năng lượng và nâng cấp ngành dịch vụ, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.
Tại ASEAN, ngành sản xuất ô tô, điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử và công nghệ tài chính sẽ là những lĩnh vực tăng trưởng chính yếu của khu vực. Chỉ mới đây thôi, Việt Nam trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trong năm 2022.
Thứ năm, kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ dần dần phục hồi.
Mặc dù vẫn còn xuất hiện biến thể mới trong các đợt lây nhiễm Covid-19, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và các chính sách toàn diện hơn nhằm hỗ trợ ngành bất động sản sẽ là động lực thúc đẩy hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Tháng 12 năm ngoái, Hội nghị Công tác kinh tế trung ương đã đặt “mở rộng nhu cầu trong nước” là ưu tiên hàng đầu, bao gồm nâng cao thu nhập của người dân ở thành thị và nông thôn, cải thiện nhà ở và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, và sản xuất thêm phương tiện chạy điện.
Điều này sẽ giúp phục hồi niềm tin của người tiêu dùng, xoa dịu những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy hoạt động kinh tế, ông David Liao nhận định.
Nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc phục hồi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nước xuất khẩu lớn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, còn kinh tế số sẽ trở thành “xương sống” cho thương mại.
Xu hướng cuối cùng là cuộc chiến giành nhân tài sẽ căng thẳng hơn.
Làn sóng nghỉ việc hàng loạt (great resignation), xuất hiện từ đợt đại dịch Covid-19, không chỉ tập trung trong ngành tài chính, mà còn là thách thức chung cho nhiều ngành, nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong năm 2023, nhiều công ty đa quốc gia sẽ hướng tới mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, và các nền kinh tế sẽ có những chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút những công ty này cũng như nhân tài của họ.
Theo The Leader