Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Nhiều doanh nhân nữ tích cực tham gia thúc đẩy bảo vệ môi trường

Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các chương trình phát triển cộng đồng và thực hành các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thương Linh được đưa ra tại cuộc họp tham vấn về lồng ghép giới trong chuyển đổi nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và quản lý tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa diễn ra tại Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ. Ảnh: Hòa Hội

Bà Nguyễn Thị Thương Linh cho rằng, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có tác động tích cực hơn đến cộng đồng so với doanh nghiệp do nam làm chủ. Doanh nhân nữ có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các chương trình phát triển cộng đồng và thực hành các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.

Theo bà Thương Linh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, phụ nữ được xếp vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt tại những khu vực nhạy cảm với thiên tai, thời tiết bất thường, vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sản xuất cũng như mức sống còn nhiều khó khăn. Dù dễ bị tổn thương, nhưng phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, còn là một trong những lực lượng tiên phong trong giảm thiểu khí nhà kính khi áp dụng các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai, thảm họa môi trường.

Hiện, toàn vùng ĐBSCL, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ chỉ hơn 8.700 đơn vị (chiếm hơn 8% tổng số doanh nghiệp toàn vùng), cao nhất tại Long An, Kiên Giang và Cần Thơ. Tỷ lệ này thấp hơn các khu vực khác rất nhiều.

Do đó, theo bà Thương Linh, vấn đề nâng cao vai trò của phụ nữ hay doanh nghiệp do nữ làm chủ trong chuyển dịch xanh và thích ứng biến đổi khí hậu vô cùng cần thiết. Doanh nhân nữ có xu hướng áp dụng các thực tiễn kinh doanh bền vững hơn so với doanh nghiệp do nam làm chủ. Họ có nhiều khả năng đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường và thực hành quản lý môi trường tốt hơn.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế xanh có thể tăng GDP toàn cầu thêm 12.000 tỷ USD vào năm 2030.

Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 70% phụ nữ ở các nước đang phát triển làm việc trong lĩnh vực phi chính thức, thường dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Còn theo UN Women, biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên.\

Bà Ngô Thị Tuyết Em – Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hòa Hội

Bà Ngô Thị Tuyết Em – Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cho biết thêm, phụ nữ đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế hộ gia đình, lực lượng tiên phong, tham gia tích cực trong thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như các chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, hiện cũng có nhiều mô hình dạy nghề – việc làm, chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương, với thành phần tham gia chính là phụ nữ.

Bà Tuyết Em khuyến nghị, dựa trên đặc điểm và vai trò giới, việc tạo điều kiện để phụ nữ, đặc biệt doanh nhân nữ phát huy yếu tố nội lực, chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu rất quan trọng. Ngoài ra, cần xem xét lồng ghép vai trò giới của phụ nữ trong việc đưa ra các chính sách liên quan về thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất xanh, thân thiện môi trường…

Theo Báo Tiền Phong