Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Vietjet muốn mở sàn thương mại điện tử

Ngoài bán vé máy bay, Vietjet muốn bán mọi thứ để gia tăng lợi nhuận khi áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng tăng.

Vietjet Air đang có kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử, cung cấp mọi thứ từ các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng. Theo Nikkei, Vietjet sẽ bắt tay cùng các ngân hàng, khách sạn và các doanh nghiệp để ra mắt dịch vụ trong 2 năm tới.

“Đi theo mô hình hãng hàng không tiêu dùng, chúng tôi sẽ có một nền tảng thương mại điện tử để cung cấp mọi thứ khách hàng cần, ngoài vé máy bay. Tất cả nhà cung cấp và đối tác sẽ gia nhập nền tảng này để bán sản phẩm không chỉ cho 30 triệu hành khách Vietjet, mà còn cho cả hàng trăm triệu người tiêu dùng ở Việt Nam và thế giới”, bà Nguyễn Thị Thúy Bình – Phó tổng giám đốc Vietjet nói với Nikkei.

Bà Bình cho biết, nền tảng thương mại điện tử của Vietjet gồm các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, khách sạn, hàng tiêu dùng… Vietjet muốn nhiều doanh nghiệp tham gia vào nền tảng này và sử dụng công nghệ khối chuỗi để chia sẻ các giao dịch. Hãng cũng đang đàm phán với một số công ty.

Tiếp viên Vietjet Air bán hàng trên một chuyến bay. Ảnh: VJ

Trước mắt, Vietjet sẽ tập trung bán hàng cho các hành khách của hãng. Tuy nhiên, bà Bình tin rằng, sau hai năm, khách hàng Vietjet không phải đối tượng duy nhất sử dụng nền tảng này. “Chúng tôi đang từng bước kết hợp cùng các công ty để hệ thống phong phú hơn”, Phó giám đốc Vietjet chia sẻ.

Theo bà Bình, các hãng hàng hàng không giá rẻ cũng đang có xu hướng tìm cách tận dụng dữ liệu khách hàng lớn để mở rộng kinh doanh tiếp cận nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

Như vậy, chiến lược phát triển thương mại điện tử của Vietjet cũng khá tương đồng với các hãng bay giá rẻ trong khu vực như Air Asia, Nok Air…  Ngoài bán vé máy bay, website của Air Asia còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như đặt phòng khách sạn, tour du lịch trọn gói, bán sản phẩm từ nước hoa, rượu đến thời trang… Hãng bay giá rẻ này cho biết, đang đầu tư 20 triệu USD một năm cho nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ ngoài vận tải. Trong khi đó, Vietjet chưa tiết lộ số tiền dự chi cho kế hoạch này.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu và áp lực cạnh tranh trong ngành hàng không tăng cao, việc đa dạng hóa dịch vụ của Vietjet cũng là một bước đi hợp lí để gia tăng lợi nhuận. Năm ngoái, doanh thu thu từ các hoạt động phụ trợ của hãng như bán thêm suất ăn, đồ lưu niệm… đạt hơn 8.400 tỷ đồng, tăng khoảng 10 lần so với năm 2014. Mảng này chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng doanh thu Vietjet năm 2018. Quý đầu tiên năm nay, tổng doanh thu Vietjet tăng 28%, trong đó doanh thu của hoạt động phụ trợ tăng 45%.

Tháng trước, Vietjet cũng hợp tác với HD Saison Finance – liên doanh giữa HDBank và Credit Saigon của Nhật Bản để cho khách hàng vay mua vé từ 2 đến 15 triệu đồng mà không cần trả trước hay chứng minh thu nhập.

Anh Tú

Theo VNE