Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: Tự tin trước cơ hội “ngàn năm có một”

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội “ngàn năm có một”, đó là khẳng định của ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI với phóng viên.

Nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, ông Phạm Tấn Công cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội “ngàn năm có một”.

Ông từng nói, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang đứng trước một cơ hội chưa từng có, “ngàn năm có một”. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhận định này?

Thời điểm này đúng là cơ hội lịch sử, thời điểm “ngàn năm có một” để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vươn ra toàn cầu. Chưa bao giờ đất nước ta có cơ hội “sánh vai” với các nước trên thế giới đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thời điểm này.

Cơ hội này đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhận định, “đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Như vậy, về nội lực, chúng ta đã sẵn sàng. Bên cạnh đó, bối cảnh khách quan lịch sử hậu Covid-19, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị, tác động đến sản xuất toàn cầu, từ đó xuất hiện nhu cầu sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Trong quá trình sắp xếp lại chuỗi cung ứng, Việt Nam nổi lên là tâm điểm sự chú ý của thế giới. Nhiều tập đoàn trên thế giới muốn tìm một địa chỉ cung ứng để đảm bảo cho chuỗi sản xuất an toàn của họ và Việt Nam chính là sự lựa chọn tin cậy.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Cơ hội mở ra, cộng với nội lực trong nước đã sẵn sàng, đó là cơ hội “ngàn năm có một”, “cơ hội lịch sử”, bởi khi cơ hội mở ra mà chúng ta chưa có nội lực, chưa thể thực hiện được, đó chưa phải là cơ hội, nhưng ở thời điểm này, mọi thứ đã khác. Trên một nửa số điện thoại di động của Tập đoàn Samsung sản xuất tại Việt Nam , phần mềm chạy máy bay Boeing cũng làm tại Việt Nam. Những mặt hàng hàng thông thường cũng vậy, mới đây, tôi có dịp sang Hoa Kỳ, vào cửa hàng của họ thấy là toàn hàng Made in Việt Nam, từ quần áo, giày dép… Như vậy, không ai còn hoài nghi về năng lực của sản xuất của Việt Nam nữa.

Đặc biệt, hiện, Việt Nam đã mở ra “cuộc chơi” lớn với nhiều đối tác lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, những đối tác này đều cam kết đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất tiên tiến nhất của họ trên thế giới. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm quan trọng, cơ hội vàng để cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam vươn tầm thế giới.

Để tận dụng được “cơ hội lịch sử”, vươn ra toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì, thưa ông?

Cơ hội rất lớn, nhưng theo tôi, muốn tận dụng được cơ hội vươn ra toàn cầu, đồng nghĩa với “chơi” được với thế giới, đầu tiên phải hiểu thế giới. Muốn hiểu được, bản thân doanh nhân phải khai mở kiến thức, tri thức, quan hệ, không thể thu mình trong một thế giới hội nhập. Nói cách khác, từng doanh nhân phải có tư duy hội nhập quốc tế, tư duy của “cuộc chơi” toàn cầu và hiểu được văn hóa kinh doanh quốc tế, từ đó mới lãnh đạo, hoàn thiện, điều chỉnh văn hóa kinh doanh , nhận thức đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp mình sao cho hòa đồng với văn hóa kinh doanh quốc tế, mà trước tiên là văn hóa kinh doanh của quốc gia đối tác của doanh nghiệp mình. Nếu không trau dồi, không chịu khó khai mở tri thức, không hiểu văn hóa kinh doanh của đối tác và thế giới, khó tận dụng được cơ hội. Cụ thể hơn, khi làm việc với đối tác Nhật Bản, doanh nghiệp không được đến trễ, hay nói mà không làm. Còn làm việc với đối tác Hoa Kỳ, phải chỉ ra những lợi ích thiết thực của việc hợp tác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải có năng lực về quản trị kinh doanh, công nghệ, quan trọng phải chuẩn bị đội ngũ nhân lực thật tốt, vì đối tác có quản trị, vốn và cần con người để chuyển hóa vào chu trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm và lợi nhuận.

Gạo Việt được bán tại siêu thị EU (Ảnh TTXVN)

Với vai trò “bệ đỡ” cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tới đây, VCCI sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân Việt vươn tầm quốc tế, thưa ông?

VCCI từ trước đến nay truyền thống và thế mạnh nhất vẫn là góp sức để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, đây là vấn đề sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tôi vẫn hay ví von, nếu môi trường kinh doanh như nước, doanh nghiệp là cá; nước có tốt, cá mới sống khỏe và lớn được. Ngược lại, nước không tốt, thậm chí ô nhiễm, cá sẽ bơi đi hay ở lại cũng chết hoặc còi cọc, không lớn được. Nên nhiệm vụ số 1 được VCCI xác định vẫn là tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng tinh thần, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới là “thuận lợi, an toàn, bình đẳng”.

Nhiệm vụ thứ hai, VCCI sẽ thực hiện để hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp tạo mở thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thông qua xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác với những thị trường tiềm năng, thị trường ngách, định vị đối tác lớn như Hàn Quốc , Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Nhiệm vụ thứ ba, xác định mức độ nhận diện và uy tín của doanh nhân Việt Nam thông qua xây dựng văn hóa kinh doanh. Cùng với đó, tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Việt Nam; kết nối doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, từ đó nâng tầm năng lực, trình độ của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy họ đóng góp vào phát triển kinh tế quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Công Thương