Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

“Trải thảm đỏ” mời đầu tư, Thái Lan giảm thuế “khủng” cho doanh nghiệp nước ngoài

Thái Lan đặt mục tiêu thu hút hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị lên tới 24 tỷ USD trong năm 2019, và chú trọng các doanh nghiệp muốn chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia này.
Theo gói chính sách ưu đãi mới, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Thái Lan sẽ được giảm 50% thuế nhu nhập doanh nghiệp trong 5 năm, tăng gấp đôi chiết khấu đối với chi phí dành cho đào tạo và miễn thuế doanh nghiệp trong 5 năm khi thành lập các cơ sở phát triển kỹ năng

Cụ thể, Ủy ban Đầu tư nước này (BoI) hôm thứ sáu tuần trước đã công bố 4 dự án đầu tư được phê duyệt với giá trị lên tới 927 triệu USD. Các dự án này đến từ Nhật Bản, Đài Loan và Singapore; trong đó, dự án lớn nhất là một liên doanh trị giá 606 triệu USD giữa Thái Lan, Nhật Bản và Đài Loan để sản xuất nhựa nhiệt dẻo dùng cho ô tô và đồ điện tử.

Quyết định phê duyệt đầu tư của Chính phủ Thái Lan được thực hiện trong bối cảnh cuộc chạy đua thu hút nhà đầu tư nước ngoài giữa các thành viên ASEAN nóng lên, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nền kinh tế Đông Nam Á do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Năm ngoái, Thái Lan đã phê duyệt 23 tỷ USD đầu tư nước ngoài.

Đầu tháng 9/2019 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này cũng đã công bố một gói chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, và đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài di chuyển sang Thái Lan. 

Được thông qua tại cuộc họp ngày 20/9/2019 của BoI dưới sự chủ trì của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, gói chính sách ưu đãi mới có tên gọi Thailand Plus này sẽ góp phần thúc đẩy các dự án quy mô lớn trong khoảng 10 ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm hàng không, dịch vụ y tế và robot…

Theo gói chính sách này, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Thái Lan sẽ được giảm 50% thuế nhu nhập doanh nghiệp trong 5 năm, tăng gấp đôi chiết khấu đối với chi phí dành cho đào tạo và miễn thuế doanh nghiệp trong 5 năm khi thành lập các cơ sở phát triển kỹ năng.

Đồng thời, với doanh nghiệp đặt cơ sở bên ngoài Bangkok, ngoài được miễn thuế từ 5-8 năm, còn được giảm thêm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm. Điều kiện để hưởng những ưu đãi này là các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ trước cuối năm 2020, với khoản đầu tư thực tế ít nhất 32 triệu USD và triển khai trong năm 2021.

Bên cạnh đề nghị giảm thuế, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ thiết lập một cổng thông tin điện tử để tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài làm thế nào nộp đơn đăng ký đầu tư.

“Nhiều doanh nghiệp chịu tác động từ thương chiến đang tìm kiếm các địa điểm mới”, bà Duangjai Asawachintachit – Tổng thư ký của BoI – cho biết. Thái Lan đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Đây là một cơ hội cho Thái Lan, bà Duangjai nói thêm.

Cũng theo bà Duangjai, BoI hiện có một danh sách hơn 100 công ty tại Trung Quốc và những nước khác muốn chuyển đến Thái Lan. Còn theo Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan, hiện có 48 doanh nghiệp đa quốc gia, trong đó bao gồm cả nhà sản xuất chip từ Mỹ là Western Digital, đang cân nhắc đưa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Trong đó, 10/48 công ty là những ứng viên tiềm năng đầu tư vào Thái Lan.

Tại cuộc họp ngày 20/9/2019, BoI cũng đã thông qua đề xuất đưa huyện Chana, tỉnh Songkhla, trở thành đô thị kiểu mẫu thứ tư của Thái Lan, nhằm tạo ra các liên hệ kinh tế xuyên biên giới với Malaysia và Singapore, cũng như hỗ trợ phát triển công nghiệp ở miền Nam Thái Lan.

Theo đó, nhà đầu tư ở Chana sẽ được hưởng những ưu đãi tương tự tại ba thành phố kiểu mẫu khác của Thái Lan là Nong Chik, Betong và Su-ngai Kolok, bao gồm: miễn thuế doanh nghiệp trong 8 năm với dự án mới và 5 năm với dự án đang thực hiện, giảm 90% thuế nhập khẩu thông thường trong 10 năm với nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu cần thiết cho sản phẩm dành cho thị trường nội địa.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn