Tiếp nối chương trình “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” đã thí điểm thành công tại 30 trường mầm non và tiểu học vào tháng 8.2018, Tetra Pak tiếp tục nhân rộng quy mô dự án thu gom và tái chế rác này trong thời gian tới.
Cụ thể, giáo viên và nhân viên các trường sẽ tham gia tập huấn và cùng học sinh phân loại vỏ hộp sữa sau khi dùng nhằm đảm bảo chất lượng vỏ hộp thu về đạt chuẩn tái chế. Các vỏ hộp sau đó được các thành viên của dự án Giải cứu rác chết (NHC) thu gom hai tuần một lần và chuyển về nhà máy giấy Đồng Tiến Bình Dương và “hồi sinh” thành những sản phẩm mới như giấy công nghiệp, tấm lợp, tấm phẳng sinh thái.
“Vỏ hộp giấy tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng chất thải rắn tại Việt Nam nhưng Tetra Pak sẽ tích cực phối hợp triển khai thu gom và tái chế chúng nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon,” ông Jeffrey Fielkow, tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam phát biểu.
Bà Nguyễn Thị Anh Hồng, hiệu trưởng trường mầm non Sơn Ca 7 – một trong những đơn vị đầu tiên tham gia dự án tái chế vỏ hộp giấy của Tetra Pak, cho biết chương trình không chỉ nhận được sự ủng hộ của nhà trường mà các phụ huynh cũng nhiệt tình gửi vỏ hộp từ nhà để tham gia tái chế.
“Trường có quy mô khoảng 500 học sinh, từ khi triển khai vào tháng 8.2018 đến nay, chúng tôi đã đem lại vòng đời mới cho hơn 1 triệu vỏ hộp sữa giấy,” bà Hồng chia sẻ.
Giải thích lý do chọn trường học làm xuất phát điểm cho chương trình tái chế rác thải, ông Huỳnh Hữu Hải Bình – tổng giám đốc công ty Revival Waste, đơn vị đứng đầu dự án NHC, cho biết mục tiêu của dự án không chỉ giảm thiểu lượng rác mà còn là giáo dục thế hệ trẻ hình thành lối suy nghĩ “phân loại rác là điều đương nhiên”.
Bên cạnh dự án “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” tại TP.HCM, Tetra Pak cũng triển khai chương trình tương tự tại 800 trường học tại Hà Nội. Công ty cũng bắt tay với LOTTE Việt Nam và NHC đặt 4 ngôi nhà vỏ hộp giấy tại siêu thị LOTTE Mart ở TP.HCM để người tiêu dùng thu gom các vỏ hộp giấy đưa tới để tái chế.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị Việt Nam hiện đang ở mức 37.000 tấn/ngày, trong khi đó tại các hộ gia đình nông thôn con số này là 24.000 tấn. Tuy vậy việc thu gom và tái chế hiện nay vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Forbes Vietnam