Startup e-Timber hướng tới trở thành nhà sản xuất, cung cấp giải pháp vật liệu tự nhiên ứng dụng ngoài trời, trên cơ sở công nghệ xử lý vật liệu theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảo quản gỗ Hoa Kỳ (AWPA) và TPAA của Úc.
Startup e-Timber đến Shark Tank Việt Nam gọi đầu tư 2 triệu USD cho 10% cổ phần với hai đại diện là Trương Trọng Hỷ – đồng sáng lập kiêm CEO và Trần Huy Cường – đồng sáng lập kiêm Cố vấn kỹ thuật.
e-Timber hiện đang tập trung phát triển, trở thành nhà sản xuất, cung cấp giải pháp vật liệu tự nhiên ứng dụng ngoài trời, trên cơ sở công nghệ xử lý vật liệu theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảo quản gỗ Hoa Kỳ (AWPA) và TPAA của Úc.
Các vật liệu tự nhiên như: tre, nứa, lá và các loại gỗ rừng trồng khi ứng dụng vào các công trình ngoài trời rất dễ bị xuống cấp do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và côn trùng. Công nghệ của e-Timber sẽ giúp cho những vật liệu này ổn định, bền vững, duy trì thời gian sử dụng hàng chục năm và chống được 4M: mục, mối, mọt, mốc.
e-Timber đang sử dụng các loại gỗ phổ biến như: thông, tần bì, tre, dừa. Trong đó, đầu vào phần lớn là gỗ thông nhập khẩu.
Nhà sáng lập Huy Cường cho biết, quy mô công suất nhà máy của e-Timber rơi vào khoảng 50 khối/tháng, bán hàng được khoảng 20 khối/tháng. Doanh thu tháng gần nhất là 1,8 tỷ đồng, còn những tháng trước đang âm, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Đại diện startup tiết lộ, công ty của anh đã phải dành nhiều thời gian, tiền bạc để chuẩn hóa cách xử lý gỗ theo tiêu chuẩn AWPA, TPAA bởi mỗi loại gỗ lại có một đặc thù riêng. “Chúng tôi phải chuẩn hóa lại giống như Việt Nam hóa vậy. Gần như Việt Nam ít có công ty nào làm được như chúng tôi. Đó là đẳng cấp rồi”, anh khẳng định.
Huy Cường cũng chia sẻ thêm rằng e-Timber đang sử dụng nguồn gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Tre và gỗ thông đang là sản phẩm chủ lực của startup.
Hiện tại sản phẩm của e-Timber đang được bán với giá trung bình 2 triệu/m2, bảo hành 10 năm và hướng đến tệp khách hàng đẳng cấp. Trong khi đó, gỗ nhựa có giá trung bình từ 1,1 – 1,8 triệu/m2 nhưng không được bảo chứng ứng dụng ngoài trời.
“Để ra được một làng, resort hay farmstay mà không xử lý theo phương pháp của chúng em thì sẽ không bao giờ có những công trình resort đó. Vì chỉ cần 2 năm thôi, gió biển vào cái là mục hết và mối mọt lên”, Huy Cường tự tin.
e-Timber đang phân phối qua các đại lý, công ty xây dựng, công ty phát triển bất động sản. Startup cũng tập trung tham gia vào các hội thảo của kiến trúc sư. Doanh thu từ đầu năm đến hiện tại là 6,8 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm đạt 10 tỷ đồng, năm tiếp theo đạt 100 tỷ đồng, lợi nhuận ròng khoảng 30%.
Shark Liên đề nghị đầu tư 2 triệu USD cho 30% cổ phần của startup và cho biết sẽ thẩm định lại, tách phần đất đai, nhà xưởng của startup ra.
Còn lại Shark Hùng Anh, ông đề nghị đầu tư cho startup, nhưng không bao gồm bất động sản với con số 10 tỷ đổi lấy 20% cổ phần và cho vay 36 tỷ theo nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Yêu thích Shark Liên, Huy Cường đàm phán mức 15% cổ phần cho 2 triệu USD, chấp nhận định giá lại hết toàn bộ về tài sản bất động sản, hay máy móc, nhà xưởng hiện có nhưng không được “nữ cá mập” chấp thuận.
Sau một hồi thương thảo, Shark Liên đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 20%, 1 triệu USD cho vay theo lộ trình sử dụng vốn với mức lãi không cao hơn lãi suất ngân hàng và được startup đồng ý.
Theo TheLeader