Trần Quang Vũ không chỉ được biết đến là một doanh nhân trẻ tài năng mà còn được các đối tác trong và ngoài nước mệnh danh là “Vua” Guitar Custom. Anh cũng là người sáng lập thương hiệu Guitar Custom Việt Nam hiện nay.
Mới đây, doanh nhân Trần Quang Vũ đã vinh dự được tham gia cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các doanh nghiệp gia đình tiêu biểu Việt Nam. Sau sự kiện, anh đã có những trải lòng với phóng viên về thị trường Guitar Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Anh có thể chia sẻ về tình hình phát triển của nghành thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện nay?
Theo tôi được biết thì Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu 1.7 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, sức hút của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ giảm đi rõ rệt do thiếu tính sáng tạo hạn chế thay đổi.
Vậy tình hình sản xuất, kinh doanh mảng đàn Guitar thủ công mỹ nghệ có gặp phải tình trạng khó khăn chung như vậy không?
Chúng tôi là doanh nghiệp chuyên gia công và chế tác hàng Guitar thủ công mỹ nghệ đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, là đơn vị đầu tiên có thương hiệu tại Nhật Bản (Griffith Guitar), các sản phẩm của chúng tôi được làm thủ công bằng tay lên đến 90% và 100% đạt các tiêu chuẩn khắt khe từ Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ.
Năm 2023 vừa qua, tôi và một số cộng sự có tham gia nhiều sự kiện như giao thương Việt Nam-Lào; Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Thái Lan; các sự kiện nhạc cụ tại Thượng Hải (Trung Quốc) hay Mỹ để học hỏi mô hình và cách tổ chức tại đây.
Riêng tôi, tự nhận thấy mình cũng chưa thay đổi quá nhiều về sản phẩm. Chúng tôi vẫn duy trì sản xuất theo các đơn đặt hàng của đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng khó khăn chung do kinh tế thế giới suy thoái và các đơn đặt hàng mới hầu như không có.
Trước thực trạng đó, anh có kế hoạch gì về hướng phát triển cho doanh nghiệp?
Thực tế, tình trạng khó khăn này đã kéo dài từ rất lâu, nhất là trong nghành đàn tại khu vực phố đàn (phố Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TPHCM), nơi được xem là “cái nôi” của Guitar Sài Gòn.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh đàn guitar, tôi nhận thấy rằng, chúng ta còn đang mắc kẹt trong lối sản xuất chế tác theo phương thức truyền thống về hình dáng và kích thước hay các hoa văn trên sản phẩm, cũng như lệ thuộc vào các mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng.
Khả năng sáng tạo và tay nghề còn non yếu. Chúng ta cần nhìn rõ ràng hơn và thừa nhận rằng có thiếu sự đồng bộ giữa các sản phẩm. Ví dụ: Chúng ta làm 10 sản phẩm theo yêu cầu nhưng chỉ có 3 hoặc 4 đạt chuẩn còn lại 6 sản phẩm kia sai hoặc thiếu thẩm mỹ. Điều này làm cho các đơn vị đặt hàng e ngại trước nghành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Vậy nguyên nhân chính của thực trạng trên là gì?
Theo tôi, nguyên nhân là tính thực tiễn trong quá trình đào tạo hay truyền nghề không được tiếp cận nhiều, thiết kế chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, hoặc thiết kế có tính khả thi trong quá trình chế tác sản xuất nhưng chưa thể sản xuất số lượng lớn.
Ngoài ra, thực tại của đội ngũ thiết kế cũng còn những hạn chế, nên sản xuất chưa thật sự đúng với nhu cầu khách hàng, một số bị trả về làm ảnh hưởng các đơn hàng sau.
Các thiết kế chỉ làm theo đơn hàng hoặc sao chép mẫu mã có sẵn trên thị trường, những mẫu thiết kế còn thiếu tính thương mại nên rất khó để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Từ đó, dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Là một người trong ngành, theo anh, có những giải pháp nào để nâng cao năng lực thiết kế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ?
Hiện nay, với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, các nghệ nhân và thợ thủ công có thể giới thiệu sản phẩm của họ với khách hàng trên toàn thế giới, bỏ qua kênh phân phối truyền thống và tiếp cận trực tiếp với khách hàng như trước đây. Cũng nhờ công nghệ, các nghệ nhân có thể ứng dụng các phần mềm vào thiết kế mẫu mã, giúp sáng tạo được nhiều mẫu sản phẩm độc đáo, lạ và đẹp.
Riêng với ngành sản xuất đàn thủ công, chúng ta không gạt bỏ mà kế thừa và kết hợp giữa nét hiện đại và cổ truyền, đồng thời cũng phải chọn lọc sao cho đúng, tránh bị hòa tan trên các sản phẩm nhất định.
Tôi cũng luôn tạo điều kiện cho các nghệ nhân học thiết kế theo công nghệ AI và các khoá học kỹ thuật của nước ngoài. Tôi sẵn sàng chi ra hàng trăm triệu để mời các kỹ sư đầu nghành tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) hợp tác, hướng dẫn, giúp mang đến cho thị trường những sản phẩm đàn chất lượng nhất.
Nghệ nhân và thợ thủ công trong các đơn vị cũng phải trau dồi kiến thức về thiết kế. Bên cạnh đó, các liên hiệp và tổ chức xã hội – nghề nghiệp liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cùng nhau phát triển.
Bên cạnh đó cũng cần xây dựng quy định về làng nghề nhằm bảo tồn và phát triển vững chắc các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trọng yếu, trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, đưa văn hóa Việt Nam hội nhập với thế giới và tăng cường khả năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt quan tâm đến thị hiếu của người tiêu dùng vốn thường thay đổi theo thời gian – đây là giải pháp vô cùng quan trọng để tăng kim ngạch và xuất khẩu bền vững.
Đề xuất cần xây dựng bộ tiêu chí về hàng thủ công mỹ nghệ, làm thế nào hàng hóa vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, có giá trị thẩm mỹ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng, có giá trị sử dụng, hàng hóa phải tiện dụng, phải tốt, giá thành hợp lý…
Đồng thời, các doanh nghiệp, làng nghề nên liên doanh, liên kết với Trường Đại học mỹ thuật Công nghiêp, thường xuyên mở các lớp đào tạo thiết kế mẫu mã ở trình độ sơ cấp, trung cấp mỹ thuật cho đội ngũ sáng tác mẫu mã.
Bên cạnh đó, cần tổ chức thường xuyên các cuộc thi sáng tác mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đạt kết quả tốt, khuyến kích các mẫu mã có tính ứng dụng, tính thương mại, tính kỹ thuật, mỹ thuật để áp dụng sản xuất hàng loạt.
Với doanh nghiệp của mình, anh có định hướng gì trong năm nay?
Chúng tôi đang hoàn thiện đề án gửi cho cơ quan chức năng và các chứng chỉ liên quan để có thể xuất khẩu đi các nước trong khu vực và EU.
Xin cảm ơn anh!
Theo baoquocte.vn