Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

New power – Quyền lực mới: Cuốn sách mở ra cái nhìn mới về sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội trong đời sống mỗi người

Cuốn sách “Quyền lực mới” được First News mua bản quyền xuất bản ở Việt Nam, không chỉ là chiếc chìa khóa thành công cho các công ty hàng đầu trong nền kinh tế chia sẻ, những chính trị gia, nhà quản trị trong thế kỷ 21… mà còn mở ra cái nhìn mới về sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội trong đời sống của mỗi người.

Đây là thời đại mà chỉ một dòng chữ ngắn trên mạng xã hội cũng có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người.

Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay kết nối giữa con người và con người chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Qua mạng xã hội và phương tiện thông tin truyền thông, mỗi người đều có khả năng chia sẻ những hoài bão và ý tưởng của mình hoặc tham gia vào các phong trào xã hội cùng với vài ngàn người khác. Hai tác giả Jeremy Heiman và Henry Timms đã phân tích những khả năng mới mẻ này và đưa ra hàng loạt ý tưởng táo bạo về quản trị nhân sự, phát triển phong trào cộng đồng trong cuốn sách “Quyền lực mới”.

Cuốn sách “Quyền lực mới”

Mở đầu cuốn sách, hai tác giả đã mô tả sự đối đầu quyết liệt giữa quyền lực mới với quyền lực cũ. Quyền lực cũ với tính chất khép kín, không thể tiếp cận, ảnh hưởng từ trên xuống dưới có thể được hiểu qua ví dụ tiêu biểu về cách “ông trùm” Hollywood Harvey Weinstein bịt miệng hàng trăm nạn nhân bị quấy rối tình dục trong nhiều năm liền.

Trái ngược với quyền lực cũ là quyền lực mới của thế kỷ 21 – cởi mở, có sự tham gia và định hướng ngang hàng của nhiều người. Quyền lực mới được thể hiện qua cuộc chiến với Harvey Weinstein. Để hạ gục “ông trùm” Hollywood, hàng ngàn phụ nữ đã gây dựng nên phong trào phản đối quấy rối tình dục dưới hashtag “#MeToo” trên mạng xã hội. Phong trào này đã tạo những đợt sóng mạnh mẽ trên khắp thế giới và thậm chí đã bùng nổ ở Việt Nam trong năm 2018 vừa qua.

Nếu cách đây chỉ vài năm, mạng xã hội bị xem như một không gian biệt lập cho những kẻ cô đơn thì ngày nay, mạng xã hội đã biến giấc mơ của nhiều người thành hiện thực: Họ tham gia viết sách trên mạng, quyên góp từ thiện, phản đối các chính trị gia bảo thủ… Chẳng hạn, trong năm 2018, các phong trào từ thiện như “Vẽ hoa hương dương” để quyên góp cho bệnh nhi ung thư hay bảo vệ Dinh Thượng Thơ cùng nhiều di sản khác cũng có xuất phát điểm từ mạng xã hội và tạo nên những thành quả tích cực trong thực tế. “Quyền lực mới” là một cuốn sách có thể giúp người đọc nhìn nhận lại hiệu quả của mạng xã hội ở Việt Nam trong việc lan tỏa những thông điệp nhân văn và tiếp tục cuộc hành trình tốt đẹp ấy.

Bên cạnh việc tìm hiểu sức mạnh của các phong trào xã hội, hai tác giả cuốn sách còn nêu lên tầm quan trọng của quyền lực mới trong việc điều hành doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, ngay cả các tập đoàn lớn trên thế giới vẫn không đủ hấp dẫn để giữ chân nhân sự trẻ trong thời gian lâu dài mặc dù họ đã đưa ra mức lương cao, thay đổi không gian làm việc… Jeremy Heiman và Henry Timms cho rằng các doanh nghiệp không nhất thiết phải buộc nhân viên phải cam kết làm việc với mình lâu dài. Thay vào đó, họ nên tôn trọng mục tiêu của nhân viên và hợp tác với nhau trên cơ sở cùng chia sẻ kỹ năng, nguồn lực. Chính cách sử dụng quyền lực mới theo hướng hàng ngang này mà nhiều công ty trên thế giới có thể giữ chân người trẻ ở lại.

Thế nhưng, vì sao người trẻ lại có xu hướng nhanh thay đổi đến vậy, điều gì đã tác động đến họ và làm họ yêu cầu một công việc nhiều sự thú vị hơn là chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất? Trong cuốn sách, hai tác giả cũng sẽ phân tích sự chuyển đổi này qua góc nhìn mới mẻ của họ về công nghệ. Những nền tảng mạng xã hội khổng lồ như Facebook, Reddit, Snapchat… đã vĩnh viễn thay đổi cách người trẻ tương tác với thế giới, chúng tạo ra những trào lưu, xu hướng khiến người trẻ khao khát được hòa mình với cộng đồng nhiều hơn. Cũng vì vậy, họ phát hiện ra những năng lực mới của mình và mong muốn các doanh nghiệp có thể cùng với họ đào tạo, cải thiện năng lực ấy.

Chỉ với hơn 300 trang viết, cuốn sách “Quyền lực mới” không chỉ bao quát các vấn đề quản trị nhân sự, hiệu quả của mạng xã hội mà còn đặt câu ra những câu hỏi nhân văn về chính chúng ta: chúng ta đang ở đâu, có trách nhiệm gì đối với việc xây dựng một công ty, cộng đồng, đất nước, thế giới ngày càng tốt đẹp hơn?

Sách “Quyền lực mới” do Huỳnh Hữu Tài dịch, NXB Tổng hợp ấn hành, First News thực hiện.

Jeremy Heimans là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Purpose, một công ty chuyên xây dựng các phong trào xã hội trên khắp thế giới. Vào năm 2005, anh còn đồng sáng lập ra GetUp!, một tổ chức chính trị của người Úc với số thành viên đông hơn cả thành viên các đảng chính trị của Úc cộng lại. Anh còn là một trong những người sáng lập tổ chức chiến dịch toàn cầu Avaaz và nền tảng All Out về các quyền cơ bản của cộng đồng LGBT.

Henry Timms là giám đốc điều hành của 92nd Street Y, một trung tâm văn hóa và cộng đồng tổ chức các chương trình, phong trào khuyến khích học tập và các hoạt động công dân. Bên cạnh đó, anh còn là người đồng sáng lập của #GivingTuesday, một phong trào từ thiện toàn cầu thu hút người dân từ gần 100 quốc gia với nguồn quỹ hàng trăm triệu đô-la phục vụ cho mục đích bác ái. Ngoài ra, anh còn là giảng viên thỉnh giảng ở Trung tâm Từ thiện và Xã hội của trường Đại học Stanford.

Theo First News