Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Khủng hoảng toàn cầu mang tên Covid-19

Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố tình trạng thảm họa ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ. Vậy nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ ra sao khi đại dịch Covid-19 vẫn lan nhanh?

Khi nước Mỹ “hắt hơi”

Đại dịch Covid-19 lan tới mọi quốc gia, kể cả nơi có nền y học tiên tiến nhất là nước Mỹ, bởi người Mỹ không thể xây dựng một bức tường chắn trên trời. 

Toàn cầu hóa khiến sự lệ thuộc giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc. Thật sinh động khi ai đó đã ví von “Nước Mỹ hắt hơi – cả thế giới sổ mũi”. Giờ thì nước Mỹ “hắt hơi” thật rồi, và cả thế giới đang “sổ mũi” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cập nhật đến 17g50 ngày 14/4/2020, Mỹ có 587.173 người nhiễm SARS-CoV-2, 23.644 ca tử vong, đừng đầu thế giới về số ca nhiễm cũng như số ca tử vong. Kèm theo đó là cả nền kinh tế ngưng trệ. 

Nước Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cách ly. Cả trăm quốc gia đóng cửa biên giới. Cả thế giới tự cô lập. Cả thế giới bị đứt gãy, dòng chảy thương mại, dịch vụ bị chặn đứng. Nouriel Roubini – chuyên gia kinh tế người Mỹ cho rằng, khủng hoảng sẽ khiến thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm 30 – 40% và tác động nghiêm trọng dến các nền kinh tế cao hơn nhiều dự báo của các nhà kinh tế học.

Bởi, thứ nhất, dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc nhưng đã lan ra toàn cầu. Thứ hai, dịch bệnh chỉ kết thúc khi có vắc-xin chống SARS-CoV-2 mà điều đó chưa thể xảy ra trong vài tháng tới. Theo đó là những hậu quả nghiêm trọng mà không phải ai cũng nhận thấy. 

… thế giới “sổ mũi”

Sau hơn ba tháng xuất hiện, cho đến nay, bình quân mỗi ngày có 1.000 người chết vì Covid-19. Khi hàng tỷ người trên thế giới đồng loạt đeo khẩu trang cũng là lúc mà sức mua của nền kinh tế giảm sút khủng khiếp. Sự tàn phá nền kinh tế do Covid-19 gây ra bắt đầu bằng sự gián đoạn nguồn cung và làm suy yếu nguồn cầu. Những biện pháp cách ly cần thiết để kiểm soát đại dịch đồng nghĩa với nền kinh tế “bị nhốt” kéo dài.

Nền kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm 2% trong quý I/2020, nếu muốn phục hồi thì cần đạt tăng trưởng 8% trong ba quý còn lại để có thể tăng trưởng 6% trong cả năm 2020 như dự kiến trước khi bùng phát dịch bệnh. Nếu tăng trưởng chỉ là 6% từ quý II trở đi – được xem là thực tế hơn, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,5 – 4% trong năm nay.

Khởi phát từ Trung Quốc, song đến nay Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu.

Hai mươi sáu nước trong khối Schengen ở châu Âu – biểu tượng của sự tự do đi lại lần đầu tiên phải đóng cửa biên giới. Trong một thế giới kết nối như ngày nay, dịch bệnh lây lan là không tránh khỏi. Các nước châu Âu đã thấm thía bài học này khi không đánh giá đúng khả năng lây lan của Covid-19, buộc phải hành động quyết liệt với những biện pháp chưa từng có.

Hàng trăm thành phố thực hiện cách ly và mọi người ở nhà để tránh tiếp xúc với người khác, mọi hoạt động kinh tế trong các ngành có tiếp xúc vật lý phải ngưng. Chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm vì quá sợ hãi hoặc không sợ nhưng cũng không thể ra ngoài để mua sắm.  

Hàng triệu doanh nghiệp lâm nguy, doanh thu sụt giảm nhanh hơn mức cắt giảm chi phí, và nhiều doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc sa thải công nhân hoặc đóng cửa, chờ phá sản. Một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu là khó tránh khỏi.

Chính phủ một số nước đã tiên lượng trước những khó khăn và lên kế hoạch kích thích nền kinh tế. Các chính trị gia Đức đang thảo luận về gói cứu trợ. Đức có nhiều quan hệ với Trung Quốc, sự lệ thuộc lẫn nhau khiến chính phủ Đức không thể thờ ơ khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái. Cách ly phổ cập khiến đường phố vắng hoe, hầu hết xe hơi nằm gara. Sự hạn chế đi lại khiến tiêu thụ xăng dầu giảm thấp chưa từng có, góp phần làm giá dầu thế giới rớt đến thê thảm. Theo đó, ngành công nghiệp ô tô cũng khốn đốn.

Covid-19 đã khiến cho mọi hoạt động kinh tế trong các ngành có tiếp xúc vật lý đều bị ngưng trệ

Việt Nam chao đảo

TS. Phạm Tất Thắng – nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Công Thương cho rằng, Trung Quốc – công xưởng của thế giới bị suy thoái và đó là một cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Sự rung chuyển của nền kinh tế số hai thế giới sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam chao đảo là chuyện khó tránh khỏi.

Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc không chỉ vì đó là thị trường xuất khẩu lớn nhất mà còn là nơi cung cấp nguồn nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, giày da và một số ngành khác sử dụng hàng chục triệu lao động.

Theo dự kiến trước đó, năm 2020, Việt Nam sẽ đón 7 triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc, lượng khách này sẽ góp phần lấp đầy 30% số phòng khách sạn từ 3- 5 sao. Nay do đóng cửa biên giới, hàng trăm khách sạn, resort ven biển miền Trung và miền Nam vắng hoe, hàng triệu người lao động không có việc làm.

TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, cuộc khủng hoảng này là một cú sốc nguồn cung mà không thể đối phó bằng chính sách tài chính hay tiền tệ. Theo ông, cú sốc đại dịch dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu là khó tránh khỏi. Thế giới phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, mức nợ đã tăng lên và thị trường nhà đất đang có nguy cơ bong bóng như hồi 2007 – 2008.

Những gói cứu trợ lấy từ ngân sách của các chính phủ chỉ có tác dụng giảm sốc cho nền kinh tế còn để thoát khỏi khủng hoảng là không dễ!

Theo DNSG