Ông Nguyễn Đức Tài cho biết dù bị giảm lương nhưng nhân viên Thế giới di động rất có tinh thần chia sẻ, không có bất kỳ cái gì liên quan đến đình công, buồn bực hay nói xấu công ty.
Hai quyết sách thời Covid-19 của Thế giới di động
Mới đây trong sự kiện Forbes Vietnam Livestream Talk Show – Giữa dòng sóng dữ, chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài thẳng thắn chia sẻ ngành bán lẻ thời gian vừa qua chịu tác động khá lớn từ dịch Covid-19. Và Thế giới di động cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng khi thời điểm cao điểm là 2 tuần đầu tháng 4 tập đoàn này phải ngưng hoạt động đến 20% số cửa hàng của mình.
“Rõ ràng tác động tiêu cực, điều cần làm bây giờ là mình giới hạn tác động tiêu cực thế nào thôi. Có một vài hướng đi lớn như tập trung sang mảng trực tuyến, chính sách ưu đãi tốt hơn bình thường. Thế giới di động đặt ra các kịch bản như nếu có quy định cửa hàng không có quá 10 người thì mình kinh doanh ra sao, kinh doanh trực tuyến kiểu gì”, ông Tài nhớ lại.
Thực tế Thế giới di động nhanh chóng triển khai 2 quyết sách lớn trong giai đoạn dịch vừa qua gồm: Bảo vệ lợi nhuận và bảo vệ lực lượng. Để bảo vệ lợi nhuận, ban lãnh đạo tập đoàn này tập trung vào các biện pháp kiểm soát chi phí như thương lượng lại chi phí mặt bằng với chủ nhà, cắt giảm thu nhập.
Theo ông Tài, trước bối cảnh dịch bệnh người dân không ra đường thì các cửa hàng không bán được hàng. Với mảng kinh doanh trực tuyến chỉ có thể lấy lại một phần chứ không thể thay thế được cửa hàng. Nhận định chung của Thế giới di động là không kích cầu và “không tin là mình kích cầu được” như lời chủ tịch tập đoàn này chia sẻ.
Để bảo vệ lực lượng, hướng đi của Thế giới di động là không sa thải, cùng nhau chia sẻ khó khăn. Đánh giá của ông Nguyễn Đức Tài cho rằng dịch này sẽ không kéo dài và sau dịch tập đoàn rất cần nguồn lực con người giá trị này để phát triển. Chính vì vậy trong thời gian vừa qua Thế giới di động bảo toàn 100% lực lượng, không mất bất kỳ người nào do dịch Covid-19 gây ra.
Để giữ vững tinh thần nhân viên, đích thân chủ tịch Thế giới di động viết thư gửi cho cán bộ công nhân viên về việc giảm lương. Đây là lần giảm lương thứ 2 sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Tuy việc giảm lương để cắt giảm chi phí nhưng ông Tài cho biết nhân viên rất có tinh thần chia sẻ, không có bất kỳ cái gì liên quan đến đình công, buồn bực hay nói xấu công ty và việc giảm lương cũng chỉ diễn ra 1 tháng.
Để làm được điều này, ông Tài cho rằng xuất phát từ việc Thế giới di động đã xây dựng được một giá trị yêu thương cũng như niềm tin của đội ngũ rất lớn.
“Thật ra giảm cũng không nhiều đến mức gây khó khăn cho các bạn. Tinh thần dưới 3 triệu các bạn được nâng lên, trên đó thì bị giảm, nhưng không đáng kể đâu. Giảm lớn nhất là mấy ông lãnh đạo, thời điểm đó đi làm không lãnh lương, làm không công. Văn hóa cho phép nhân viên có niềm tin rõ ràng trong giai đoạn này mình bị sụt giảm thu nhập một chút dựa vào niềm tin đã được xây dựng trong quá khứ.
Trong quá khứ những lúc công ty làm ăn tốt, các bạn tự dưng thấy một ngày đẹp trời tít tít tài khoản tiền tự chạy rào rào vào mà chả có lý do tại sao nó vào. Các bạn tin là công ty này rất quan tâm đến nhân viên, khi thuận lợi thì công ty được hưởng lợi, khi khó khăn thì họ sẵn sàng đồng cam cộng khổ.”, ông Tài chia sẻ lý do.
Điều ông Tài chia sẻ thực ra cũng đã xảy ra trên thực tế. Còn nhớ năm 2019, Thế Giới Di Động có một năm kinh doanh vượt kế hoạch về lợi nhuận sau thuế, vào dịp Giáng sinh hơn 50.000 nhân viên tập đoàn này bất ngờ nhận được khoản thưởng 50% thu nhập tháng bình quân năm 2019. Ngoài phần quà đặc biệt vào đêm Giáng Sinh Diệu Kỳ này họ vẫn được nhận thưởng cuối năm như bình thường.
Quan điểm nhân trị của ông Tài
Niềm tin và giá trị yêu thương là thứ mà chủ tịch Thế giới di động thường xuyên nhắc đi nhắc lại trong những lần xuất hiện trước công chúng. Không phải ngay từ đầu tập đoàn này đã quản trị trên tư duy Nhân trị. Trong triết lý quản lý được dùng trong trị quốc từ xưa đến nay đề cập đến Tam trị gồm: Nhân trị (lấy nhân nghĩa làm gốc), Pháp trị (lấy nguyên tắc, luật lệ làm gốc) và Kỹ trị (lấy khoa học kỹ thuật làm gốc).
Năm 2004, khi Thế giới Di động mới thành lập, Pháp trị được sử dụng chính yếu. Để chuẩn hóa trong vận hành thuở sơ khai, tập đoàn này đưa ra các quy trình, các hướng dẫn, các quy định, nội quy để nhân viên tuân thủ và “cứ làm đúng có thưởng, làm sai bị phạt”.
Khi quy mô kinh doanh tăng lên, Kỹ trị tham gia vào cùng Pháp trị với việc vận dụng công nghệ, máy móc để giảm thiểu sai sót của con người với những công việc có tính chất lặp đi lặp lại.
Đến năm 2009, nhân sự Thế giới di động chia làm 2 phe rõ rệt: Một phe luôn trăn trở làm sao để doanh nghiệp này phát triển, một phe chỉ mưu cầu làm việc tử tế để cuối tháng nhận lương. Cuối cùng ông Tài nhận ra chỉ có Nhân trị mới giúp xây dựng được một đội ngũ đoàn kết yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau để làm được việc lớn.
“Sau mười mấy năm bôn ba làm kinh doanh, rõ ràng một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững không phải dựa vào những thứ sách vở đang dạy. Đó không phải dựa vào nguồn vốn vững mạnh, công nghệ cao. Tất cả những cái đó không phải là cốt lõi. Cốt lõi nhất của một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững theo quan điểm và trải nghiệm của anh là chữ Đức.
Anh cho rằng cái gì thật, thực thì sẽ tồn tại. Kinh doanh dựa trên chữ Đức sẽ tồn tại và phát triển. Kinh doanh ào ào, xạo xạo, chụp giật hôm nay có thể bùng lên nhanh thì ra đi cũng nhanh không kém”, ông chủ tịch Thế giới di động đúc rút lại về tư duy quản trị đang được tập đoàn này áp dụng và gây dựng được niềm tin với đội ngũ nhân viên, khách hàng, đối tác.
Nhờ những động thái quyết liệt từ cắt giảm chi phí, bảo toàn lực lượng, ông Tài cũng chia sẻ thêm rằng lợi nhuận tháng 4 của tập đoàn này mặc dù có sụt giảm nhưng ở mức khá ổn. Tháng 5 hoạt động kinh doanh phục hồi tương đối tốt với việc doanh thu quay lại mốc hàng chục tỷ đồng.
Theo CafeBiz