Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

CEO Nguyễn Hữu Tuất: FastGo có thể đe dọa ngành logistics

Sáng ngày 4/12, Diễn đàn kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics, nằm trong chương trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2019) đã diễn ra tại thành phố Hạ Long.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo khẳng định: “Các doanh nghiệp công nghệ như FastGo có thể đe dọa ngành logistics nếu FastGo kết hợp với các công ty logistics để thay đổi mô hình mới”. Ông tiết lộ FastGo cùng Tiki triển khai thử nghiệm mô hình cho phép khách hàng thanh toán bằng thẻ, trong khi các đơn hàng thương mại điện tử chủ yếu là COD (giao hàng thu tiền). “Nếu thành công, hình thức này sẽ thay đổi quy trình quản lý dòng tiền trong ngành logistics”, CEO FastGo cho biết.

Theo ông Tuất, trước đây, thương mại điện tử phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty vận chuyển như Viettel Post, VNPT. Tuy nhiên, sự xuất hiện xe ôm công nghệ giúp việc chuyển hàng chỉ còn 30 phút, buộc các sàn thương mại điện tử phải chuyển hàng trong 2 giờ. Lấy dẫn chứng về công ty công nghệ di động lớn nhất Đông Nam Á, ông cho biết “Grab đã thay đổi ngành logistics và khiến cho Viettel rất khó khăn trong việc vận chuyển nội thành”.

Mặc dù việc thay đổi ngành logistics rất khó khăn do phụ thuộc vào hạ tầng quốc gia, chi phí xăng dầu…, ông Tuất cho rằng sự chuyển đổi số trong các công ty logistics sẽ thay đổi các vấn đề nêu trên.

“FastGo sẽ kết nối các công ty logistics, mạng lưới người bán và nguồn nhân lực dư thừa để hiện thực hóa nền thương mại, ngành logistics và thanh toán. Việc này sẽ thay đổi hành vi, trải nghiệm người tiêu dùng và các chi phí, dịch vụ trong tương lai nhờ tự động hóa bằng công nghệ”, ông Tuất chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo (giữa) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: FBNV

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, CEO FADO miền Bắc, “Nhờ những ứng dụng như FastGo, việc giao hàng từ nền tảng thương mại điện tử trên thế giới theo kênh B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) về Việt Nam thuận lợi hơn. Người dùng được tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ ở góc độ mới mẻ”.

Cũng nói về logistics, CEO Lazada Việt Nam James Dong khẳng định tiềm lực doanh nghiệp trong lĩnh vực này: “Về xây dựng logistics chuẩn quốc tế nhằm phục vụ khách hàng, Lazada là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp giải pháp về điểm nhận và trả hàng như Circle K. Công ty là một trong những doanh nghiệp đầu tiên có hệ thống logistics riêng”.

Ông cho biết Lazada đang cung cấp giao hàng trong ngày hoặc trong ngày tiếp theo, thiết lập những từ khóa thông minh cho khách hàng. Về hệ thống vận chuyển logistics hiện nay, Lazada đang có mặt tại 5 thành phố lớn và các tỉnh thành khác với 6 trung tâm dịch vụ hoàn tất đơn hàng, 2.000 điểm thông quan hàng hóa, 70 chặng trung chuyển và nhiều điểm trả hàng”. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng việc thanh toán là trở ngại với doanh nghiệp trong 8 năm qua. CEO Lazada bày tỏ mong muốn trở thành đối tác với ViettelPay, cùng phát triển, phục vụ khách hàng.

Theo NDH