Sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng Bạch Thái Bưởi đã vươn lên trở thành một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Cụ đánh bại các nhà tư bản Pháp, thương nhân Trung Quốc, tạo ra một bước chuyển biến lớn mang tầm quốc gia dân tộc với tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt”.
Với hơn 20 kinh nghiệm kinh doanh và có bằng cấp về quản trị kinh doanh, tôi thấy cụ quá giỏi khi tiếp thị từ bên trong ra bên ngoài. Tiếp thị hiện đại nói đến nhiều là tiếp thị nội dung, câu chuyện thương hiệu, sức mạnh của tiếp thị truyền miệng, xây dựng thương hiệu phải có khẩu hiệu hay. Từ trăm năm trước, cụ Bạch Thái Bưởi đã kêu gọi hành động hay: “Người Việt đi tầu Việt”.
Cụ lấy khách hàng làm trung tâm, viết quảng cáo sáng tạo chạm vào cảm xúc, đánh đúng tâm lý đồng bào tự hào tự tôn dân tộc, vì cụ hiểu nhu cầu khách hàng, hiểu đối thủ cạnh tranh, cụ đãi ngộ tốt với người làm tức khách hàng nội bộ thật tốt để họ phục vụ khách hàng bên ngoài doanh nghiệp thực sự như thượng đế.
Khi sử dụng dịch vụ khách hàng họ chỉ quan tâm tới thái độ, đáp ứng nhu cầu họ, giá cả hợp lý, rẻ hơn, nhanh chóng mà lại giúp được đồng bào thì họ dùng dịch vụ tầu Bưởi. Cụ vừa xây dựng được thương hiệu và nhân hiệu.
Hoạt động trên chính quê hương mình nhưng lại cạnh tranh với những tên tuổi lớn trong ngành vận tải thủy ở các nước thuộc địa Đông Dương thuộc Pháp, cụ Bạch Thái Bưởi đã khéo léo biết cách để xây dựng thương hiệu tàu Bưởi trong lòng đồng bào mình.
Thương hiệu “Tầu Bưởi” xứng đáng là bài học cho các doanh nhân Việt thời nay về cách xây dựng thương hiệu khi hội tụ đầy đủ cái tâm cái tầm của cụ Bạch Thái Bưởi về làm thương hiệu của tiếp thị hiện đại: Định vị thương hiệu, khác biệt hóa trải nghiệm cộng thêm tinh thần dân tộc, giá cả hợp lý, kênh phân phối thuận tiện. Cụ lấy khách hàng là thượng đế để thỏa mãn họ, vượt qua sự mong đợi khách hàng, tạo tiếp thị truyền miệng.
Thuyền chở khách du lịch gọi là du thuyền thời hiện đại cho sang. Tầu nghe khiêm tốn hơn, các tên tầu cụ đặt cũng là một câu chuyện rất hay xét dưới góc độ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, cụ đặt tên tầu ngắn, dễ đọc, dễ nhớ, ý nghĩa, âm tiết thuần Việt cho khách hàng mục tiêu là người Việt.
Ba con tầu đầu tiên cụ thuê của chính phủ Pháp, cụ đặt lại tên tiếng Việt là Phi Long, Phi Phượng và Bái Tử Long (Fai Tsi Long). Cụ đặt tên tầu theo tứ linh, bốn con vật linh thiêng theo quan niệm người Việt, nhưng không có Quy (Rùa), kinh doanh không thể tốt với một cái tên xấu và hình ảnh chậm chạp, thay vào đó cụ chọn Phi Hổ. “Phi” chỉ giới tính nữ, giống cái của con tầu. Trên mạn hoặc sau tầu cụ vẫn có tên tầu bằng đề tiếng Pháp: Dragon, Phénix, Licorne, Tigre.
Cụ cũng đặt tên từng con tầu đầy hàm ý thời vua Hùng như Lạc Long, Hồng Bàng, các vị anh hùng dân tộc, các vị vua trị vì: Đinh Tiên Hoàng, Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức… Ngoài ra tên tầu còn được đặt theo địa danh mà tầu chạy để khách hàng tiềm năng dễ nhớ khi chạy chuyến lên thượng du Bắc Kỳ như Chợ Bờ, Phố Lu, Yên Bái, Việt Trì, Tuyên Quang…
Còn riêng cái tên lịch sử Bình Chuẩn bắt nguồn từ tên người đóng tầu đầu tiên thời nhà Nguyễn, sau đó thành một Ty thời vua Tự Đức, do Đặng Huy Trứ đề xuất. Bình Chuẩn Ty có nhiệm vụ kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia, giao thương hàng hóa giữa các miền trong nước và ngoại thương, bang giao với nước ngoài.
Tên tầu Bình Chuẩn hạ thủy tháng 9 năm 1919 của cụ khái quát được toàn bộ ý nguyện chấn hưng công thương nghiệp của Bạch Thái Bưởi làm quốc gia hưng thịnh và thống nhất bằng tinh thần dân tộc, thành tín, nhân nghĩa và trách nhiệm. Bình Chuẩn là tầu Made-in-Vietnam đầu tiên do người Việt làm chủ, thiết kế, thi công, thương hiệu lịch sử, mang đậm tình yêu nước và tham vọng vươn ra biển lớn.
Thương hiệu của doanh nghiệp đóng tàu khép kín mang tên Giang Hải Luân Thuyền Bạch Thái Công ty lập tại Hải Phòng năm 1916 với lá cờ hiệu màu vàng với hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ. Màu vàng tượng trưng cho màu da người Việt, mỏ neo thể hiện lĩnh vực kinh doanh hàng hải và đặc biệt là ba ngôi sao tượng trưng cho ba miền Bắc – Trung – Nam của xứ An Nam, thể hiện ý chí thống nhất quốc gia.
Chiến lược dẫn đầu ngành vận tải thủy thành công. Cụ là chủ tầu người Việt đầu tiên thực hiện thương vụ mua bán sát nhập đầu tiên thành công hãng Deschwanden, mua lại hãng đóng tầu Pháp Marty d’Abbadie để cụ có nhà máy đóng tầu riêng, có thể tự đóng mới, sửa chữa đội tầu, như vậy cụ có đội tầu lớn nhất xứ An Nam thời bấy giờ và tiên phong chạy tầu ven biển Đông Dương và cha đẻ của ngủ đêm trên tầu thủy. Kinh doanh như tầu vượt thác, không tiến, ắt lùi.
Công tác tiếp thị cho thương hiệu tàu Việt của người Việt cũng được cụ Bạch Thái Bưởi vô cùng chú trọng. Cụ nắm bắt thị trường đường sông Bắc Kỳ lúc đó rất rõ và có những chiến lược linh hoạt cho các tuyến đường hoạt động của đội tàu. Khi bị cạnh tranh với người Khách (người Hoa) hay người Pháp, bắt buộc phải chọn ngày thì cụ xin chạy ngày chẵn âm lịch vì cụ biết tâm lý khách Việt không thích đi ngày lẻ. Do đặc thù tín ngưỡng của người dân xứ Bắc Kỳ và nhu cầu đi lễ hoặc trẩy hội của đồng bào, ông mở thêm những tuyến đường vận tải đường sông theo mùa.
Chẳng hạn như mùa trẩy hội Chùa Hương, cụ mở thêm tuyến Phủ Lý – Bến Đục để phục vụ các nam thanh nữ tú đi vãn cảnh chùa hoặc tháng 8 Âm lịch có hội đền Kiếp Bạc, Hải Dương, cụ cho tăng cường tuyến Đáp Cầu – Kiếp Bạc. Một số tuyến cụ đưa hát sẩm tại bến tàu, cụ đưa sẩm lên tầu hát giải trí cho khách, lời bài hát có nội dung kêu gọi tình đồng bào, tương hỗ giúp đỡ nhau, quảng bá nhẹ nhàng tại chỗ và mỗi khách cụ tặng một chiếc quạt giấy, để du khách quạt cho mát vào mùa hè, vừa làm quà lưu niệm chuyến đi.
Tất nhiên, mỗi khi mở tuyến đường mới cụ đều gửi cáo bạch, nói theo ngôn ngữ hiện đại là thông cáo báo chí, hay cho đăng quảng cáo trên nhật báo và các tạp chí với hình thức kiểu dạng thơ lục bát rất dễ nhớ dễ thuộc và dễ gây kích thích sử dụng trong dân chúng.
Đây là loại hình quảng bá tức thời nhưng lại giữ được nét văn hóa dân gian khiến mọi tuyến đường của tàu Bưởi khi mở ra lúc nào cũng đông khách.
Theo TheLeader