Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc.

Chia sẻ với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

“Đề án dự kiến nghiên cứu, lựa chọn các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để đi tắt, đón đầu, trở thành ngành công nghiệp tương lai của đất nước như: Điện gió ngoài khơi, amoniac, hydrogen xanh, sản xuất thép, sản xuất ô tô điện, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp bán dẫn, kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc (Ảnh minh họa)

Đồng thời với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn phát triển từ một phần nguồn lực từ Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các ngành công nghiệp mới; trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), phòng lab, các trung tâm dữ liệu lớn… đồng thời hình thành cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng mang tính tiên phong, dẫn dắt thị trường.

Phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thực tế, một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như: Nghị quyết số 12-NQ/TW, Nghị quyết số 10-NQ/TW mà gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển các doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp lớn, đủ năng lực thực hiện những nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là những định hướng mới, có tính chiến lược, đột phá thể hiện chủ trương, thông điệp của Đảng và Nhà nước về việc củng cố, phát triển hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có bản sắc, thương hiệu nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đây là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước (Ảnh minh họa)

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, trong giai đoạn đầu của cải cách nền kinh tế, các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, những “doanh nghiệp đầu đàn”, “doanh nghiệp dân tộc” để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Những doanh nghiệp này luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển, là đầu tàu trong nhiều ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh mới với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tạo ra cả những cơ hội và thách thức. Các xu hướng năng lượng sạch, năng lượng mới như hydrogen xanh, pin xe điện, điện gió ngoài khơi hay công nghệ mới như chíp bán dẫn là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình trong thời đại mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam đã có sự dịch chuyển từ lượng sang chất, nổi lên một số doanh nghiệp tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quàn trị doanh nghiệp hiện đại, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Trong đó, có thể kể đến một số doanh nghiệp đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị trên thị trường như: Viettel, VNPT, PVN, Vietcombank hay Tập đoàn Vingroup, VietjetAir, Thaco, Hòa Phát…

“Do đó, đây là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo đó, đối với doanh nghiệp quy mô lớn thuộc khu vực nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ chung nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ tại doanh nghiệp nhà nước phục vụ hoạt động đầu tư phát triển, như: Thực hiện phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp; đổi mới sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhà nước để có nguồn lực đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như fintech, cyber security, AI, robotics, viễn thông, các dự án đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hướng tới phát triển xanh và bền vững; đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quản trị doanh nghiệp (ESG).

Tuy nhiên, việc xác định và phát triển những doanh nghiệp đầu đàn cũng như chính sách cần thiết để hỗ trợ những doanh nghiệp này dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển và đi đúng hướng là bài toán không dễ giải quyết được trong ngắn hạn. Theo đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để phát triển được những doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp lớn cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan với những cơ chế, chính sách đột phá để khơi thông nguồn lực, cùng với sự cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo congthuong.vn