Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, hiện Việt Nam có tới trên 500.000 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, tuy nhiên chỉ có 32% DN tham gia thương mại toàn cầu bằng cách sử dụng những kênh kỹ thuật số, kênh trực tuyến.
Cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu
Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, Việt Nam có lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn nên TMĐT tại Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Các DN xuất khẩu của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa thông qua nền tảng TMĐT.
Đơn cử, thông qua Alibaba.com, DN có cơ hội quảng bá sản phẩm tới 260 triệu nhà mua hàng trên thế giới với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ dệt may, da giày cho tới nông sản, thủ công mỹ nghệ… đã chú trọng đến kênh bán hàng này và đã gia tăng lượng hàng xuất khẩu.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cũng cho rằng, phần lớn DN vừa và nhỏ tiềm lực hạn chế, để đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên khắp thế giới là hết sức khó khăn. Nếu những DN này biết tận dụng các giải pháp dựa trên nền tảng TMĐT thì cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu hết sức thuận lợi, không chỉ tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên thế giới, mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (thuộc Bộ Công Thương) cũng nhận định: “TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỷ USD trong hai năm tới. Do đó, xuất khẩu qua TMĐT là xu thế tất yếu và cũng là phương thức giúp DN có được đơn hàng nhanh chóng”.
Là DN xuất khẩu trên nền tảng TMĐT thành công với 80% đơn hàng được khách hàng chào mua mỗi tháng, ông Vũ Trung Sơn – Giám đốc Công ty Vietnam Agarwood Centre cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên cung cấp các sản phẩm trầm chất lượng cao của Việt Nam từ nguyên liệu thô đến thành phẩm, có vườn trầm và đội ngũ R&D với kinh nghiệm hơn 30 năm.
Tuy nhiên, thời điểm khởi đầu, công ty gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc ngấp nghé phá sản và tôi đã tìm đến TMĐT. Sau khi đăng ký thành viên trên Alibaba.com, tôi nhận được một số khách hàng quan tâm, trong đó có khách hàng đến từ Trung Đông.
Hiện tại, hằng tháng, chúng tôi nhận được hàng trăm đơn hỏi hàng, và 60-70% trong số đó thành đơn hàng thành công từ trang TMĐT này. Từ một công ty khởi nghiệp nhỏ, chúng tôi đã phát triển thành Tập đoàn Zensa với ba công ty con Trầm Thiền, Nhang Thiền và Vietnam Agarwood Center. Hiện mỗi tháng, công ty nhận được khoảng 100 lời chào mua hàng từ khắp thế giới, trong đó 80% là đơn hàng thực tế”.
Theo ông Zhang Kuo – Tổng giám đốc Alibaba.com: “Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số đông với hơn 90 triệu dân và 60% người dân sử dụng Internet, nền kinh tế phát triển và nguồn vốn FDI vào Việt Nam rất lớn. Việt Nam đang có ngày càng nhiều các DN vừa và nhỏ bắt đầu năng động trong hệ thống mua bán TMĐT quốc tế.
Đặc biệt, các ngành như dệt may, nội thất, F&B có lợi thế lớn và là những mặt hàng thế giới đang có nhu cầu rất lớn. Trong 5 năm tới, chúng tôi hướng tới có 10.000 DN vừa và nhỏ trên sàn giao dịch Alibaba.com tại Việt Nam.
Hiện, mới chỉ có 12% trong số các DN vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong việc bán hàng, nhiều DN còn thiếu kỹ năng và tự chủ khi bán hàng trực tuyến. Vì vậy, để tăng hiệu quả bán hàng trên TMĐT, các DN cần sớm cải thiện tình trạng này.
Nhân lực phải có tính thích nghi cao
Bà Minh Huyền cũng cho rằng: “Mua sắm trực tuyến phát triển nhanh, yêu cầu của khách hàng cũng trở nên phức tạp hơn, kỳ vọng cao hơn. Người mua trực tuyến cần sự hiển thị hàng hóa rõ ràng, bao gồm chi tiết sản phẩm, giá cả, phí vận chuyển và thời gian giao nhận. Vì vậy, DN phải nhanh chóng thích ứng, chú trọng dịch vụ giao nhận và đổi trả hàng hóa linh hoạt, cũng như tận dụng sự phát triển của thương mại di động để tạo ra trải nghiệm mua sắm đa dạng hơn cho khách hàng…”.
Ông Zhang Kuo nhấn mạnh, nói đến giao dịch B2B thương mại điện tử, giá vẫn là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, không phải là tất cả. Giá hợp lý, chất lượng tốt là những gì mà đối tác cần. Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác như người bán có phản hồi nhanh, chuyên nghiệp, mô tả sản phẩm, dịch vụ một cách hệ thống hay không, giao hàng có đúng hẹn không, thanh toán ra sao. Tất cả những điều đó sẽ giúp DN bán hàng tốt hơn.
Ông Zhang cũng đúc kết, để thành công trên lĩnh vực TMĐT, vấn đề quan trọng nhất là làm sao có nguồn nhân lực có tính thích nghi cao, hiểu rõ thị trường mua và bán xuyên biên giới, đáp ứng được môi trường làm việc kỹ thuật số, tiếp cận khách hàng, quảng cáo kỹ thuật số, phân tích số liệu, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu cũng như phân khúc khách hàng nào DN đang nhắm tới.
Bên cạnh đó là thời gian chuyển hàng. Tất cả yếu tố trên quyết định thành công của DN nhỏ và vừa. Đây cũng là nhu cầu đặt ra cho chúng tôi và Alibaba.com đang có nhiều chương trình hỗ trợ DN như xây dựng hệ thống thanh toán làm việc với các ngân hàng địa phương, hệ thống logistics ở Việt Nam kết nối trong hệ sinh thái để DN kinh doanh hiệu quả hơn.
Đơn cử, khi hàng hóa của một DN không chất đầy được một container, chúng tôi sẽ kết hợp nhiều dịch vụ cùng một lúc và có thể thương thảo để có giá tốt nhất cho các DN và đưa ra giải pháp số hóa, giúp cho những quá trình này trở nên dễ tiếp cận hơn trên hệ thống TMĐT của chúng tôi.
Theo DNSG