Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Công thức thần kỳ tạo doanh nghiệp hạnh phúc

Xây dựng một tổ chức hạnh phúc là cách mà các nhà lãnh đạo tạo dựng sự bền vững từ bên trong để vững vàng bước qua mọi thách thức.

Công thức thần kỳ tạo doanh nghiệp hạnh phúc
Ông Phan Sơn, Chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD

Hai năm Covid-19 xảy ra và diễn biến khó lường đã khơi dậy nhận thức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về một thế giới luôn biến động và bất định. Ông Phan Sơn, chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD nhận định, những cá nhân và tổ chức muốn thích nghi và phát triển trong thế giới bất định ấy thì phải bền vững từ bên trong mà một trong những cách làm tối ưu là xây dựng một tổ chức hạnh phúc.

Gần đây, vị trí giám đốc hạnh phúc (Chief Happiness Officer) đã được nhắc đến đâu đó trên các diễn đàn. Facebook cá nhân một lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp lớn cũng vừa đăng tuyển giám đốc hạnh phúc. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Phan Sơn: Giám đốc hạnh phúc là một chức danh thuộc dàn lãnh đạo cấp cao (C-level). Người này sẽ chịu trách nhiệm về xây dựng và đảm bảo một môi trường làm việc hạnh phúc cho toàn bộ nhân viên. Còn làm thế nào để xây dựng thì có nhiều cách tiếp cận và có nhiều hoạt động cần triển khai.

Chức danh này khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở thung lũng Silicon, nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc chủ đề này bắt đầu xuất hiện nhiều ở các cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cũng cho thấy sự quan tâm của họ đối với việc xây dựng một môi trường thực sự hạnh phúc cho nhân sự đang ngày càng lớn.

Cách đây không lâu, một hội thảo bàn về nhà lãnh đạo hạnh phúc và doanh nghiệp hạnh phúc mà ông là diễn giả đã được tổ chức. Liệu đó có phải lý do?

Ông Phan Sơn: Thứ nhất, khi nghiên cứu về môi trường làm việc của các doanh nghiệp ở Việt Nam, tôi nhận thấy người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự hình thành của một doanh nghiệp hạnh phúc hay môi trường làm việc hạnh phúc.

Hãy tưởng tượng, bố mẹ không hạnh phúc thì làm sao con cái hạnh phúc! Thế nên để có doanh nghiệp hạnh phúc, người lãnh đạo phải là người hạnh phúc, nếu không, họ sẽ không có tư duy, khát khao, mong muốn và dành thời gian kiến tạo một môi trường hạnh phúc cho toàn đội ngũ.

Thứ hai, trong quá trình gặp gỡ các CEO và chủ doanh nghiệp, tôi nhận thấy họ thành công về mặt tài chính, xã hội nhìn nhận họ là những người rất thành danh nhưng vẫn có những người không hạnh phúc. “Vậy rút cục, họ đang tìm kiếm điều gì, tại sao họ không hạnh phúc” là những thứ khiến chúng tôi không ngừng trăn trở.

Ông đã tìm được lời giải cho những trăn trở đó?

Ông Phan Sơn: Tôi nghĩ không có một đáp án chung cho tất cả mọi người bởi lẽ mỗi người sẽ theo đuổi các mưu cầu khác nhau trong cuộc sống và công việc của mình.

Có người coi hạnh phúc là đạt được và thậm chí vượt qua các mục tiêu về doanh số, lợi nhuận. Có người cảm thấy hạnh phúc vì lo được cho những người đã đồng cam cộng khổ cùng công ty sau nhiều năm đối mặt với bao sóng gió, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng Covid đã “giết chết” nhiều doanh nghiệp khiến không ít người bị mất việc làm…

Vậy theo ông, các yếu tố cần có để tạo nên một doanh nghiệp hạnh phúc là gì?

Ông Phan Sơn: Một mô hình tôi thấy khá gần gũi với doanh nghiệp Việt Nam là mô hình MAGIC – công thức thần kỳ tạo môi trường hạnh phúc và gắn kết- với năm yếu tố quan trọng.

Công thức thần kỳ tạo doanh nghiệp hạnh phúc
Năm yếu tố quan trọng để tạo nên một tổ chức hạnh phúc

Một là Meaning – ý nghĩa trong công việc. Một trong những yếu tố khiến một người làm việc trong một tổ chức hạnh phúc là được làm việc có ý nghĩa. Dù phải chịu áp lực rất lớn nhưng họ vẫn luôn cố gắng vì họ biết rằng nỗ lực của họ sẽ góp phần tạo nên một sự thay đổi tích cực cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hai là Autonomy – tự chủ. Một yếu tố khác khiến con người hạnh phúc là được làm chủ các quyết định liên quan đến họ. Để làm được điều đó, hệ thống phải làm rõ trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ và phạm vi công việc. Nhân sự phải được tham gia vào quá trình ra quyết định.

Ba là Growth – sự phát triển. Cảm giác hạnh phúc của nhân sự có được khi họ thấy được kết quả làm việc mỗi ngày tốt lên, được ghi nhận, tưởng thưởng và có lộ trình phát triển xứng với công sức và năng lực.

Cách đây hai tuần, tôi có dịp làm việc với 30 quản lý đã gắn bó nhiều năm ở một công ty trong một dự án xây dựng và phát triển năng lực đội ngũ quản lý, lãnh đạo. Khi được hỏi về lý do gắn bó lâu đến vậy, họ chia sẻ rằng họ thấy được định hướng phát triển cũng như được lãnh đạo tạo điều kiện và cơ hội để phát triển tốt nhất.

Bốn là Impact – sự tác động. Một người có cảm giác hạnh phúc khi họ biết được sự ảnh hưởng của họ đến kết quả cuối cùng của tổ chức. Một cách làm rất hay mà tôi từng thấy là tạo dựng văn hoá lắng nghe, phản hồi và ghi nhận các nỗ lực và thành quả của nhân sự thông qua các cuộc gặp chính thức giữa lãnh đạo và nhân sự hàng tháng, hàng tuần thay vì chỉ chờ đến các đợt đánh giá thường lệ qua những con số.

Năm là Connection – sự kết nối. Có những người làm việc trong tổ chức nhiều năm trời nhưng luôn né tránh các câu hỏi liên quan đến công ty trong khi số khác lại tự hào chia sẻ về nơi họ làm việc qua các cuộc nói chuyện hay trên mạng xã hội. Nếu một người thường xuyên chia sẻ hình ảnh văn phòng, đồng nghiệp…thì đó là một trong những biểu hiện của sự kết nối giữa họ và nơi họ nghĩ họ thuộc về.

Từ các yếu tố nền, doanh nghiệp sẽ đi vào chi tiết, khảo sát nhân viên và đánh giá cảm nhận của nhân sự. Từ đó, những người phụ trách về hoạch định tổ chức hạnh phúc sẽ biết các yếu tố cần tập trung cải thiện.

Các yếu tố này có bị tác động khi Covid diễn ra khiến rất nhiều thứ đã bị đảo lộn hay không, thưa ông?

Ông Phan Sơn: Covid dường như khiến các yếu tố này trở nên rõ nét hơn. Covid là một cú huých tạo sự chuyển đổi nhận thức, khiến cho các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý hoặc các chuyên gia như chúng tôi quan tâm nhiều hơn về doanh nghiệp hạnh phúc, môi trường làm việc hạnh phúc và nhân viên hạnh phúc.

Đặc biệt, Covid xảy ra cũng đặt ra bài toán về kết nối giữa các cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và tổ chức trong bối cảnh on-off liên tục.

Khi dịch bệnh xảy ra, nhân sự cảm thấy lo lắng hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân họ và người thân, bất an về tình hình hoạt động của công ty, về tình hình chung của xã hội. Một môi trường làm việc hạnh phúc nơi con người cảm nhận được ý nghĩa công việc, được linh hoạt và tự chủ, được tiếp tục phát triển và được gắn kết chặt chẽ chắc chắn sẽ phát huy tác dụng trong bối cảnh Covid và VUCA.

Việc xây dựng một doanh nghiệp hạnh phúc có cần đến nhiều tiền và thời gian hay không, thưa ông?

Ông Phan Sơn: Tiền quan trọng nhưng không phải yếu tố số 1.

Một trong các yếu tố nền tảng để xây dựng một tổ chức hạnh phúc là nhà lãnh đạo theo đuổi và truyền năng lượng đến nhân viên, quan tâm đầu tư về thời gian cho các chương trình, hoạt động kiến tạo doanh nghiệp hạnh phúc. Họ có thể làm điều đó ngay cả khi không có nhiều tiền. Ngược lại, có những chủ doanh nghiệp rất giàu nhưng không theo đuổi giá trị hạnh phúc thì không tạo được môi trường hạnh phúc cho nhân viên.

Bên cạnh đó, không nên tư duy sau bao lâu mà phải gieo cấy mỗi ngày. Hạnh phúc là một hành trình, không phải là điểm đến.

Những doanh nghiệp xây dựng được một môi trường làm việc hạnh phúc đã làm gì trong suốt hai năm đầy biến động vừa qua?

Ông Phan Sơn: Trong Covid, nhiều doanh nghiệp nhận thấy nhân viên đang thực sự bất an và lo lắng nên đã có các chương trình đồng hành, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và tư vấn kịp thời.

Có doanh nghiệp lập ra các nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe cho nhân viên và người thân của họ. Nhiều công ty cấp thuốc và các túi an sinh. Một số đơn vị mời các chuyên gia về nói chuyện về quản trị sức khỏe tinh thần, quản trị năng lượng cho nhân viên.

Sự hạnh phúc dường như tạo sức mạnh lớn cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?

Ông Phan Sơn: Chắc chắn đó là lợi thế vì trong một môi trường hạnh phúc, cá cá nhân có sự kết nối tạo thành một đội ngũ vững mạnh. Khi sóng gió ập đến, đội ngũ này lại gắn kết, hỗ trợ và yêu thương nhau nhiều hơn. Một nhóm có sự gắn kết sẽ tạo lực cộng hưởng, tìm ra các giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, sau khi doanh nghiệp công bố kế hoạch giảm nửa lương trong mấy tháng tiếp theo, nhiều nhân sự từ cấp thấp đến trung đã quyết định nghỉ việc. Trong khi đó, người lao động ở những doanh nghiệp chú trọng đến các yếu tố tạo dựng hạnh phúc cho đội ngũ lại chủ động đề xuất giảm lương để san sẻ khó khăn với ban lãnh đạo.

Từ chủ đề hạnh phúc nhìn về câu chuyện của năm 2022, ông có suy nghĩ gì?

Ông Phan Sơn: Thế giới luôn biến động và bất định. Những cá nhân và tổ chức muốn thích nghi, chung sống một cách trọn vẹn trong thế giới bất định ấy thì phải bền vững từ bên trong.

Như con tàu neo bến cảng sóng vỗ dập dìu nhưng thuyền vẫn vững vì neo được buộc chặt và ngược lại neo lỏng thì thuyền trôi và thậm chí tan. Cái neo của mỗi doanh nghiệp là gì? Chính là sự gắn kết của các cá nhân và tổ chức.

Trong năm 2022, chúng ta phải nghĩ sâu sắc, tạo cái neo kết nối các thành viên trong tổ chức. Sự gắn kết sẽ giúp con thuyền vượt qua những biến động khó lường sắp tới một cách bình an.

Xin cảm ơn ông!

Theo The Leader