Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Từng dẫn dắt công ty vượt qua 2 cuộc đại khủng hoảng, đây là 5 kinh nghiệm khi buộc phải cắt giảm nhân sự tôi học được: Lựa chọn càng khó khăn càng cần bản lĩnh người đứng đầu!

Làm thế nào để cắt giảm nhân sự nhân đạo và không làm ảnh hưởng tinh thần của các nhân viên còn lại trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh?

Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tới nền kinh tế trên toàn thế giới. Việc đóng cửa tạm thời hoạt động kinh doanh và các biện pháp cách ly xã hội đã khiến doanh nghiệp lao đao và đứng trước một giai đoạn suy thoái được dự đoán sẽ kéo dài. Các công ty đang vật lộn để đưa ra những quyết định và chiến lược kinh doanh trong bối cảnh phải sống chung với dịch bệnh.

Dưới đây là những chia sẻ của Spencer Rascoff, nhà sáng lập và cựu giám đốc điều hành của Tập đoàn kinh doanh Bất động sản Zillow. Spencer đã có kinh nghiệm điều hành các công ty đi qua hai cuộc suy thoái lớn. Lần đầu tiên là dẫn dắt Hotwire, một công ty cung cấp các dịch vụ du lịch và lữ hành vượt qua hậu khủng hoảng ngày 9/11 năm 2001 ở Mỹ. Lần thứ hai ông đã dẫn dắt Zillow sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Các cuộc suy thoái kinh tế đã buộc các doanh nghiệp phải đưa ra những quyết định cắt giảm nhân sự. Và dưới đây là một số lời khuyên của Spencer về việc làm thế nào để sa thải nhân viên theo cách nhân đạo nhất:

Nếu bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, hãy thực hiện chỉ 1 đợt

Việc cắt giảm nhân viên theo nhiều đợt nhỏ và để rò rỉ thông tin nhỏ giọt sẽ gây hoang mang và làm mất tinh thần của những nhân viên đang làm việc còn lại. Hãy cân nhắc số lượng nhân viên cần cắt giảm, thực hiện chỉ trong một lần và đừng làm thêm một lần nữa. Đây là những gì chúng tôi đã làm ở cả Zillow và Hotwire. Điều này giúp các nhân viên còn lại cảm thấy an tâm trong và có động lực tiếp tục làm việc.

Giúp đỡ các nhân viên bị sa thải trong khả năng của doanh nghiệp

Hãy đối xử với các nhân viên của bạn một cách tử tế, kể cả là với những người bạn chuẩn bị sa thải. Việc bị sa thải đột ngột trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn để một tìm một công việc mới và chi trả các hóa đơn hàng ngày.

Mặc dù làm kinh doanh là câu chuyện về lợi nhuận nhưng bạn cũng nên có lòng nhân đạo. Nếu có thể, hãy trợ cấp cho nhân viên bị sa thải, giới thiệu họ cho các công ty đang tuyển dụng, hoặc lưu hành danh sách nội bộ trong trường hợp công ty phục hồi và cần thêm nhân viên thì họ sẽ được ưu tiên. Tại Zillow, một số nhân viên bị sa thải đã trở lại làm việc sau khi chúng tôi bắt đầu tuyển dụng trở lại.

Trò chuyện với toàn bộ nhân viên trước khi quyết định sa thải

Sẽ rất khó khăn để đưa ra danh sách những người bị sa thải, ai sẽ ở lại và ai sẽ phải ra đi. Hãy nói chuyện với nhân viên của bạn, giải thích về hoàn cảnh của công ty trong thời điểm hiện tại và lắng nghe nguyện vọng của họ.

Ở cả Zillow và Hotwire, một số nhân viên của tôi đã chọn nghỉ việc trước khi bị sa thải. Điều này giúp chúng tôi có thể giữ thêm ít nhất một người thực sự cần công việc. Hãy chắc chắn rằng bạn không giữ lại những người đang có ý định nhảy việc và sa thải người mong muốn ổn định lâu dài ở công ty. Vì vậy, trong thời gian chuẩn bị cho việc sa thải, hãy để nhân viên được lựa chọn trước và cân nhắc từng nguyện vọng.

Ổn định tinh thần các nhân viên còn lại

Khi quyết định sa thải đã được công bố và thực hiện, hãy tổ chức một cuộc họp để trấn an tinh thần và cổ vũ tinh thần làm việc của những nhân viên còn lại. Hãy thừa nhận về khoảng thời gian khó khăn này và khích lệ mọi người cùng nhau làm việc để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Hãy cho nhân viên của bạn thấy viễn cảnh một tương lai tốt đẹp hơn chứ không phải họ sẽ là đối tượng của những lần sa thải tiếp theo.

Suy thoái không phải chỉ là tin xấu

Những cuộc suy thoái khiến các công ty lao đao thế nhưng nhiều công ty đã linh hoạt chuyển mình và tận dụng thời cơ để bứt phá và trở nên lớn mạnh. Cả hai công ty mà tôi điều hành đều đã phát triển mạnh nhờ những thay đổi phù hợp với hoàn cảnh.

Trong thời kỳ khủng hoảng, mô hình và hành vi tiêu dùng thay đổi cho phép những người chơi mới tham gia vào cuộc đua dành thị phần. Và các doanh nghiệp buộc phải thay đổi theo các hướng khác nhau để có thể duy trì sự tồn tại. Suy thoái là thời kỳ khó khăn, không chắc chắn và đáng sợ thế nhưng cũng mang lại những cơ hội rất lớn để doanh nghiệp chuyển mình và phát triển.

Theo CafeBiz