Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Tự hào bản lĩnh Việt Nam!

Sau 25 năm tham gia vào ASEAN, lần thứ 2 Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN – một dấu mốc quan trọng để chúng ta tự hào về bản lĩnh của Việt Nam.

Những chính sách chung của ASEAN và riêng của Việt Nam có đưa kinh tế khu vực và an ninh chính trị lên tầm cao mới hay không phụ thuộc nhiều vào ý chí và tư duy của người cầm cân nấy mực trong cuộc chơi này.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha trao búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ở Bangkok, Thái Lan, 11/2019.

Trọng trách lớn

Trước năm 1995, Việt Nam là một nền kinh tế thuần nông, bao cấp, thu không đủ chi, cuộc sống của người dân cực kỳ khó khăn. Ước tính thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vào thời gian đó ước tính chỉ khoảng 250- 300USD/năm, nhưng đến nay Việt Nam đã vượt ngưỡng thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của thế giới 2.800USD/năm. Tuy nhiên, sau 25 năm kinh tế Việt Nam chỉ tăng được 2.500USD và vẫn nằm trong danh sách cuối của top 5 trong 11 nước ASEAN và nằm trong top 50 trong 176 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trên Thế giới.

Từ góc độ chủ quan, Việt Nam đã có nhiều bước thay đổi lớn về an ninh, chính trị và không có bất cứ một biến cố nào lớn, như cơ sở hạ tầng, nhà máy, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo… đều chuyển mình, thay da đổi thịt hoành tráng hơn nhiều những năm 2005.

Đứng trên góc độ khách quan, các nước ASEAN đã phát triển vượt bậc về thu nhập bình quân hàng năm, bỏ xa Việt Nam nhiều lần, trong đó cơ sở hạ tầng tốt hơn, đồng bộ hơn và bền vững hơn chúng ta. Như vậy, Việt Nam chỉ như “chú Đại bang non” bay trong khu rừng Đông Dương chật hẹp. Bởi lẽ, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 2.786USD/năm/người, có chăng Việt Nam hơn được 2 người hàng xóm là Lào và Campuchia (Lào đạt 2.726USD/năm/người, Campuchia đạt 1.648USD/năm/người) tại thời điểm này.

Việc Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020 là cơ hội lớn để đóng góp vào công việc chung, vì mục tiêu, lợi ích chung của ASEAN cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam.

Trong khi đó, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với 5 mục tiêu: Duy trì môi trường hoà bình, an ninh khu vực; thúc đẩy liên kết kết nối khu vực; tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0; kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác. Khách quan mà nói 5 mục tiêu này bao trùm quá rộng và đa chiều, muốn có thành công thì các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải nỗ lực 110%. Bởi thực tế đã cho thấy tiếng nói chung của ASEAN còn thiếu gắn kết, những thông điệp quan trọng để bảo vệ an ninh, chính trị và kinh tế còn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Là một thành viên có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN và Chủ tịch của ASEAN, Việt Nam không chỉ có sứ mệnh trong nước, mà còn phải gánh vác nhiệm vụ định hướng phát triển về ngoại giao, kinh tế, an ninh, chính trị trong nội khối quả thực không nhỏ.

Vững tin tương lai tươi sáng

Trong năm 2019, Việt Nam đã đạt được những con số cực kỳ ấn tượng, như: Xuất nhập khẩu đạt 514 tỷ USD; Xuất siêu hơn 9 tỷ USD; Tăng trưởng GDP đạt hơn 7%. Thành tích này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đặt niềm tin cao hơn nhiều vào Đảng và Chính phủ. Mặt khác, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã thay mặt cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội khẳng định rằng, cuộc chiến chống tham nhũng, lợi ích nhóm của một bộ phận không nhỏ trong cơ quan công quyền sẽ tiếp tục bị thanh trừng và bảo vệ cho quyền lợi của người dân là tối thượng. Tháo gỡ những khó khăn về thể chế và những thủ tục hành chính không chỉ là văn bản mà phải thực chất. Lấy kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Nếu các chủ trương chính sách này đi vào thực tế thì kịch bản của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020 -2025 chắc chắn sẽ tiến bộ vượt bậc. Mặc nhiên, GDP sẽ đạt từ 6,7% trở lên.

Trong chu kỳ mới 2020-2025, còn rất nhiều khó khăn đan xen thuận lợi, khi các cuộc chiến tranh, bạo động truyền thống và phi truyền thống sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Chúng ta hãy vững tin vào tương lai tươi sáng của đất nước của dân tộc, bởi lẽ chính sách của Nhà nước đã tiệm cận và phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của xã hội và sự phát triển của doanh nghiệp phù hợp với kinh tế toàn cầu.

Bằng sự sáng tạo và năng động của trí tuệ Việt Nam, chúng ta tận dụng cuộc cách mạng 4.0, để thay đổi kinh doanh truyền thống bằng kinh doanh phi truyền thống nhằm biến những thứ không thể thành có thể.

Người viết suy nghĩ và tín niệm rằng, với gần 100 triệu dân Việt Nam đang sống trong nước và gần 5 triệu Việt kiều đang sống và làm việc trên 108 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ cùng chung ý nguyện xây dựng tổ quốc Việt Nam giàu mạnh thì chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua mọi rào cản để đến bên nhau, chia sẻ, yêu thương, gắn kết và thành công. Năm Canh Tý- năm đầu của 12 con giáp sẽ đong đầy hạnh phúc và an lành cho mọi người, cho mọi nhà.

Theo Enternews.vn