Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

TS. Cấn Văn Lực: Không phải chữ V, mô hình phục hồi kinh tế Việt Nam sẽ như logo Nike, xuống và “bật lò xo” tương đối mạnh trong 2021

Đưa ra đánh giá tác động của Covid-19 tới 15 ngành trọng yếu, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV Cấn Văn Lực nhận định mô hình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ theo hình swoosh, như logo của Nike, giảm rồi sau đó “bật lò xo” phục hồi tương đối mạnh trong 2021. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị chúng ta luôn phải có kịch bản cho làn sóng Covid-19 lần thứ 2…

Vì đâu kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo mô hình “logo Nike”? Mong muốn tăng trưởng GDP 2020 ở mức trên 5% của Thủ tướng có khả thi?

Tại hội nghị “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19”, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) – nhìn nhận tác động Covid-19 lên kinh tế Việt Nam ở cả phía cung lẫn phía cầu. Thời điểm đầu dịch, nguồn cung cho sản xuất bị nghẽn khi thị trường nhập khẩu nguyên liệu chính là Trung Quốc trong tâm dịch, và giờ diễn biến dịch trở nên căng thẳng ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU…

Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại từ 5.800 – 8.800 tỉ USD – tương đương 6,4% tới 9,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. “Tức, Covid-19 khiến kinh tế thế giới năm nay có thể tăng trưởng âm ở mức khoảng 3,4 – 5,7%. Mức này cao hơn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (dự báo âm 3%), và tồi tệ hơn ảnh hưởng từ cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009. Tôi còn nhớ đáy của tăng trưởng kinh thế thế giới vào năm 2009 với mức tăng trưởng GDP toàn cầu âm 1,7%“, TS. Lực nói.

Triển vọng phục hồi của các nền kinh tế từ nay đến cuối năm và trong năm 2021, thế giới vẫn đang bàn cãi nền kinh tế sẽ phục hồi theo mô hình nào – mô hình chữ V – phục hồi nhanh sau dịch, mô hình chữ U – kinh tế phục hồi chậm hơn mô hình chữ V, hay mô hình chữ L – kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và phục hồi rất chậm.

Với triển vọng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục theo mô hình chữ V, và tăng trưởng GDP 2020 sẽ ở mức trên 5%. Theo TS. Cấn Văn Lực, khả năng cao nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình Swoosh – như logo của Nike, xuống rồi sau đó “bật lò xo” phục hồi tương đối mạnh trong 2021.

Trước đó, IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bật trở lại khoảng 7% trong năm 2021. Sức bật tương đối mạnh này, theo TS. Lực, sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: Khả năng kiểm soát dịch bệnh, Tính hiệu quả của các gói hỗ trợ của Chính phủ, và Sự hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh cũng như phục hồi kinh tế.

Với kỳ vọng tăng trưởng GDP 2020 ở mức 5%, TS. Lực cho là khả thi trong bối cảnh hiện tại, trong đó, trụ cột đóng vai trò vô cùng quan trọng là cải cách thủ tục hành chính. Kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Lực nhìn ra vẫn còn nhiều điểm sáng: Xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng dương, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, và công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đến nay khá hiệu quả, giúp nước ta sớm khôi phục hoạt động kinh doanh.

9/15 ngành nghề bị “bầm dập” bởi Covid-19

Cũng tại sự kiện, TS. Lực cũng nhận định “Doanh nghiệp chúng ta rất khó khăn”, đồng thời đưa ra báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đối với 15 ngành kinh tế trọng yếu của Việt Nam.

15 ngành này chịu tác động trực tiếp từ Covid-19 và cũng là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam (chiếm khoảng 78% GDP năm 2019), được đánh giá tác động dựa trên 3 tiêu chí: Kim ngạch xuất nhập khẩu hoặc sản lượng/doanh thu tính đến cả đầu vào và đầu ra so với cùng kỳ năm 2019 (trọng số chiếm 50%); Giá trị cổ phiếu của những nhóm ngành này trên sàn chứng khoán Việt Nam so với đầu năm (trọng số chiếm 50%); đồng thời tham khảo thêm số liệu về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Theo đó, có 9/15 nhóm ngành chịu tác động rất lớn gồm Dệt may/Da giày; Sản xuất sản phẩm từ gỗ; Sản xuất, kinh doanh thép; Khai khoáng (dầu thô); Du lịch; Vận tải – kho bãi; Bán lẻ; Tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; và Giáo dục – đào tạo.

Tôi cung cấp đánh giá này rất mong Chính phủ khi cung cấp các gói hỗ trợ sẽ định hướng vào ngành nghề chịu tác động thiệt hại nhiều hơn để sẽ đảm bảo nguồn hỗ trợ đến được đúng và trúng hơn“, TS. Lực ngỏ lời.

Chúng ta đã chống dịch rất tốt nhưng không được chủ quan, lơ là trong bối cảnh thế giới còn phức tạp. Tôi đề nghị chúng ta luôn phải có kịch bản cho làn sóng Covid-19 lần thứ 2, với cả Chính phủ và Doanh nghiệp“.

Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng cần phát huy động lực tăng trưởng mới để bù đắp cho những thiếu hụt do Covid-19 gây ra. Các động lực tăng trưởng mới gồm kinh tế tư nhân, thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, kích cầu nội địa, thúc đẩy hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao tính chịu đựng của nền kinh tế đối với các cú shock bên ngoài.

Nhất là tái cơ cấu các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ… – những ngành chưa phải thế mạnh của Việt Nam trong thời gian vừa qua“, ông Lực khuyến nghị.

Theo Cafebiz