Vào năm 2008, CEO Phạm Thị Tuyết thành lập Công ty CP Thời trang Kowil Việt Nam chuyên phân phối đồ nữ Winny. Khi Winny đang trên đà đi lên, bà liều mình rẽ hướng kinh doanh, thành lập Thương hiệu nam Owen. Quyết định táo bạo của bà đã đưa Owen trở thành thương hiệu hàng đầu hiện nay.
Thưa bà, lý do nào khiến bà quyết định thành lập Thương hiệu thời trang nam Owen, khi Thương hiệu Winny đang ăn nên làm ra?
Quan sát và nhận ra thị trường thời trang nam lúc đó rất ít đối thủ, tôi liều và quyết định “chơi lớn” dốc toàn bộ vốn liếng, vay thêm ngân hàng với lãi suất 28%/năm để mở Thương hiệu thời trang nam Owen. Đơn hàng đầu tiên trị giá tới 30 tỷ đồng.
Ngày hàng về, tôi choáng váng! Quần áo nhiều vô kể khiến tôi phải thuê thêm kho ngoài để chứa hàng. Tôi trực tiếp cùng nhân viên mang hàng đi chào, các đại lý đều lắc đầu từ chối. Họ chê mẫu không đẹp, handfeel không ổn. Trong khi hàng vẫn chất ứ đầy kho, năm 2008 Hà Nội lại rơi vào trận lụt lịch sử, khiến cho 1/6 kho hàng của công ty bị ngập. Tôi lo lắng nhưng cũng kịp trấn tĩnh lại và quyết định bán toàn bộ với giá siêu rẻ để giải phóng hàng. Trong vòng 1 tuần mọi việc được giải quyết xong. Tôi tổn thất về tài chính nhưng bù lại, người tiêu dùng bắt đầu biết đến thương hiệu Owen.
Vậy bí quyết nào đã mang lại thành công cho thương hiệu Owen như ngày hôm nay sau thất bại đáng nhớ đó?
Sau thất bại bước đầu, tôi cẩn trọng hơn. Tôi vay thêm vốn, đặt lô hàng mới. Lần này tôi đặt số lượng ít hơn, chú trọng đường kim mũi chỉ, chọn nguyên liệu tốt. Đặc biệt, tôi còn tham khảo xu hướng thị trường quốc tế và cho thiết kế form slim fit với nhiều màu sắc, trong khi đồ nam trong nước đang phổ biến form classic màu sắc đơn điệu. Tôi rất tin tưởng ở thắng lợi trận này.
Nhưng thêm một lần tôi lại bị thị trường quay lưng. Các đại lý lại từ chối nhận hàng. Họ nói: “Áo nam mà lại chiết ly eo, lại còn màu mè sặc sỡ”.
Tình thế thật bi đát. Bán rẻ nữa thì lỗ nặng. Tôi tự trách mình Winny đang tốt, không lo phát triển, lại lao vào thị trường nam. Tôi bình tĩnh, rà soát lại mọi khâu.
Nghĩ đến hệ thống phân phối Winny sẵn có và đang hoạt động rất tốt, tôi quyết định tìm cách ký gửi. Tôi thuyết phục được các đại lý đồng ý với điều kiện được trả lại hàng cho công ty nếu không tiêu thụ được. Song song, tôi đẩy mạnh quảng cáo, truyền thông bằng nhiều kênh.
Hiệu ứng truyền thông đã có kết quả. Owen dần dần được khách hàng quan tâm tìm mua, đặc biệt là giới trẻ. Điều này tác động ngược lại tới hệ thống phân phối. Các đại lý khác đã tìm đến chúng tôi để nhập hàng. Trên đà thắng lợi, chúng tôi chuẩn hóa hệ thống nhận diện và phát triển nhanh chóng hệ thống cửa hàng riêng, đưa thương hiệu phủ khắp các không gian thị trường.
Bên cạnh ưu điểm về thiết kế và phong cách, Owen được đánh giá là thương hiệu tiên phong chất liệu công nghệ mới trong làng thời trang Việt. Đó có phải là hướng đi chủ lực của Owen không thưa bà?
Là một hãng thời trang, dĩ nhiên Owen luôn đặt yếu tố thời trang lên hàng đầu. Chúng tôi luôn tìm tòi và sáng tạo thiết kế đa dạng kiểu dáng, tạo nên nhiều phong cách khác nhau cho phái mạnh lựa chọn. Song song với đó, Owen còn đặc biệt về việc sử dụng chất liệu. Chúng tôi tự hào là hãng thời trang tiên phong về chất liệu công nghệ mới, hướng tới lợi ích người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường.
Năm 2014, chúng tôi thành công rực rỡ khi tiên phong sử dụng chất liệu sợi vải tre (Bamboo) đáp ứng các tiêu chí: Mát – Bền – Không nhăn và Thân thiện với môi trường. Kế thừa sự thành công ấy, năm 2017-2018, Owen khai thác chất liệu Nano và nhanh chóng tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ.
Bước sang năm 2019, chúng tôi lần lượt ra mắt các bộ sưu tập trên nền tảng chất liệu cao cấp như vải Cafe, vải sợi Sen trong BST Xuân Hè và vải Namu thuộc BST Thu – Đông 2019 “”Manners Maketh Man”. Đặc tính ưu việt của những chất liệu này là thoáng mát, nhẹ, chống tia UV và đặc biệt thân thiện với môi trường. Thương hiệu Owen đang hướng tới, bắt nhịp xu hướng quốc tế chuyển đổi từ “Thời trang nhanh” sang “Thời trang xanh”.
Bà có thể cho biết mục tiêu sắp tới của Thương hiệu Owen là gì không?
Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là tạo ra sản phẩm – dịch vụ đẳng cấp để đáp ứng được những khách hàng khó tính nhất, đồng thời quản trị hiệu quả hệ thống doanh nghiệp. Đồng nghĩa với đó, chúng tôi cũng sẽ phải vượt qua những thách thức mới. Đó là áp dụng công nghệ, và sử dụng nhân lực thời 4.0.
Chúng tôi còn hợp tác với tập đoàn đa ngành hàng đầu Nhật Bản Itochu trên các phương diện về vốn, tư vấn về các hoạt động phát triển thị trường, chất lượng sản phẩm và quy trình quản lý nhân sự. Đây là bước đầu cho tham vọng tấn công thị trường thế giới của chúng tôi, với mục tiêu dài hạn đưa Owen trở thành thương hiệu thời trang quốc tế.
Theo Nhịp sống kinh tế