Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Thị phần ví điện tử thuộc về ai?

Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, tính đến cuối tháng 10/2019 cả nước có 32 công ty được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 29 công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử.

Thống kê của nhiều tổ chức cũng cho thấy, hiện 5 ví điện tử đang chiếm tới 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch, gồm: Payoo, MoMo, AirPay, MoCa, FPT (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp).

Một số ví điện tử thời gian qua có khuyến mãi rất mạnh cho người mua hàng thanh toán, do lợi thế của các đơn vị cung ứng ví khi người tiêu dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản ví điện tử để thanh toán không dùng tiền mặt chính là quá trình luân chuyển tiền điện tử. Trong khi doanh nghiệp cung ứng ví điện tử lại thu tiền mặt từ các nhà bán lẻ hàng hóa cho người tiêu dùng và ngân hàng phải trả khoản phí và lãi suất tiền mặt thu được của doanh nghiệp cung ứng ví điện tử.

Năm 2008 NHNN bắt đầu cấp phép cho loại hình ví điện tử, nhưng trong khoảng 2 năm gần đây một số ví điện tử đã có tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong báo cáo mới đây của JP Morgan, 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam được thực hiện qua ví điện tử. Ví điện tử thu hút người trẻ sử dụng và người trẻ cũng thường mua bán hàng hóa trên mạng nên sử dụng ví điện tử thanh toán thuần thục còn để săn khuyến mãi.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, thị trường fintech Việt Nam phát triển từ các doanh nghiệp nhỏ, sau đó kêu gọi vốn từ các thành phần kinh tế, khác với các công ty fintech của Trung Quốc là được sản sinh ra từ các tập đoàn thương mại điện tử quốc tế của Trung Quốc.

Sự phát triển mạnh của các ví điện tử trong vài năm qua đáng kể nhất là ví điện tử MoMo hiện nay đã lên đến gần 13 triệu lượt người tải ứng dụng để sử dụng. Ông Nguyễn Bá Diệp – Phó chủ tịch kiêm đồng sáng lập Ví điện tử MoMo cho biết, ngay từ đầu MoMo đã xác định trở thành một công cụ tài chính cho mọi người dân Việt Nam, giúp cho những người thu nhập thấp, tiểu thương có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách đơn giản và dễ dàng. Cho đến nay, sứ mệnh đó vẫn đang được thực hiện và trở thành động lực giúp MoMo vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng nên một hệ sinh thái lớn và bao phủ rộng khắp như ngày hôm nay.

Tuy nhiên thị trường ví điện tử Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, có những công ty công nghệ tài chính (fintech) đầu tư vốn, công sức, thời gian cho một giải pháp thanh toán nhưng chỉ sau một đêm có thể sẽ bị những công ty khác sao chép giải pháp.

Sự cạnh tranh của ngành này là xu hướng chung của thế giới có thể soi qua lăng kính của bản Danh sách 100 Công ty Công nghệ – Tài chính hàng đầu thế giới (2019 Fintech100 – Leading Global Fintech Innovators) toàn cầu do Công ty kiểm toán KPMG (Hà Lan) và Quỹ đầu tư tài chính H2 Ventures (Australia) xếp hạng, nếu năm 2018 có 34 công ty tham gia thì đến năm 2019 chỉ còn 27 công ty fintech trong đó những công ty làm trung gian thanh toán giảm mạnh, số lượng tăng lên chủ yếu làm về bảo hiểm, quản lý tài sản, cho vay tài chính và một số ngành mới trong lĩnh vực fintech.

Hiện nay, Việt Nam đang hoàn tất những quy định pháp lý cho fintech nói chung, lĩnh vực trung gian thanh toán, trong đó có ví điện tử nói riêng. Cụ thể NHNN đang lấy ý kiến đóng góp xây dựng nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt để thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán tối đa là 49%, bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp.

Theo NHNN Việt Nam, quy định này nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng – tài chính, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính.

Bên cạnh đó, do đây là loại hình hoạt động mới, dự báo thị trường đầy tiềm năng, vì vậy việc tạo môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là thực sự cần thiết, do đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội, tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình.

Kinh nghiệm của Indonesia về vấn đề này cũng cho thấy, văn bản pháp lý của Ngân hàng Trung ương Indonesia có quy định tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức pháp nhân trong nước tối thiểu chiếm 80% vốn sở hữu, do đó tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 20% vốn sở hữu. Liên quan sở hữu nước ngoài trong các tổ chức cung ứng tiền điện tử, có một số giới hạn như sau: đối với tổ chức phát hành tiền điện tử, người nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% số cổ phần, tính cả trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thời báo ngân hàng