Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Chủ tịch HBC kiến nghị 7 giải pháp để doanh nghiệp xây dựng vươn ra nước ngoài

Ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa đưa ra kiến nghị 7 giải pháp để Chính phủ nghiên cứu, ban hành quy định về một số cơ chế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xây dựng phát triển ra thị trường quốc tế.
Ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Theo ông Hải, những dự án quy mô lớn (như Đường cao tốc và đường sắt Bắc – Nam, Tàu điện ngầm TP Hà Nội và TP HCM, Sân bay quốc tế Long Thành…) nên được chia nhiều giai đoạn với các gói thầu khác nhau. Điều kiện đấu thầu quốc tế nên có quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước, tỷ lệ tham gia của nhà thầu trong nước tối thiểu 35%. Hình thức liên danh bình đẳng, cùng quản lý điều phối toàn dự án chứ không theo mô hình phân chia hạng mục công việc, hạng mục công trình, hoặc thầu chính – thầu phụ. 

Ông Hải phân tích, lợi ích đạt được là Chính phủ giảm được gánh nặng về vốn khi thực hiện một gói thầu quá lớn, công trình không bị lãng phí khi chưa đủ điều kiện khai thác hết công suất của dự án. Ngược lại, các nhà thầu trong nước có cơ hội cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng cho các giai đoạn dự án về sau. Từ đó, nhà thầu trong nước có đủ khả năng làm tổng thầu để triển khai tiếp các gói thầu còn lại mà không phụ thuộc vào nhà thầu ngoại.

Thứ hai, Chính phủ có thể giao cho Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc một cơ quan chuyên trách ở trong nước kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (các tòa đại sứ, tổng lãnh sự, các tham tán kinh tế, tham tán thương mại, đại diện các tổ chức phi chính phủ…), thu thập thông tin về thị trường xây dựng ở những nước có tiềm năng và điều kiện thuận lợi. Việc này giúp cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác, hỗ trợ DN xây dựng trong nước nhanh chóng tiếp cận các thị trường này. 

Thứ ba, khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản của hiệp định cho phép DN xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác cũng như bình đẳng với DN xây dựng ở nước sở tại. Đồng thời, hiệp định cũng nên có điều khoản công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi các tổ chức giáo dục đào tạo chính quy của Việt Nam. Ngoài ra, chương trình đào tạo của Việt Nam cần đảm bảo phù hợp với chuẩn quốc tế. Một điều khoản nên quan tâm nữa đó là DN xây dựng Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu lao động, vật tư và phương tiện thi công khi đưa vào nước sở tại. Hiệp định cũng cần có điều khoản tránh đánh thuế 2 lần đối với DN xây dựng Việt Nam.

Chính phủ cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN xây dựng Việt Nam về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, ưu tiên cho DN trong nước thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của nhà nước như toà đại sứ, toà tổng lãnh sự… Đồng thời, ông Hải cho rằng cần có cơ chế khuyến khích DN tư nhân, giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho DN xây dựng trong nước; thành lập Hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở hải ngoại, Hiệp hội những nhà xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ của các chuỗi cung ứng…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng Chính phủ nên khuyến khích DN xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển bằng nhiều hình thức như tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, áp dụng các chế độ ưu đãi; có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký bằng sáng chế ở trong nước cũng như quốc tế, rút ngắn quy trình cấp bằng sáng chế.

Chính phủ cũng cần có chính sách phù hợp để tạo thêm động lực cho DN xây dựng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên môn hoá cao về từng loại công trình, từng hạng mục công tác. Như vậy, nguồn lực chuyên môn sẽ được tập trung đúng chỗ và năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được nâng lên khi hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Cuối cùng, ông Hải kiến nghị cần xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển ngành xây dựng Việt Nam và truyền thông rộng rãi về chính sách khuyến khích phát triển toàn diện ngành cùng các chuỗi cung ứng với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Không chỉ những người chủ DN các ngành sản xuất công nghiệp mà cả chủ doanh nghiệp xây dựng cũng nên có tư duy toàn cầu, thúc đẩy sự phấn đấu tự hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế, xem việc chiếm lĩnh thị trường thế giới là mục tiêu.

Theo NDH