Cuộc đua chiếm lĩnh thị phần của các ví điện tử ở Việt Nam trở nên sôi động khi ngày càng có nhiều tân binh tham gia thị trường.
Thị trường ví điện tử có thêm tân binh
Vào đầu tháng 11, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada đã chính thức cho ra mắt ví điện tử eMonkey (eM), sau 1 tháng thông tin được bà Kaya Qin, Giám đốc vận hành của Lazada Việt Nam úp mở.
Ví eM chưa ra mắt bao lâu thì 15-11 vừa qua Lazada lại tiếp tục bắt tay với Citi Bank – Ngân hàng phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Đông Nam Á ra mắt thẻ tín dụng Lazada Citi Platinum, dòng thẻ tín dụng TMĐT đồng thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam. Thẻ cho Việt Nam chỉ ra đời một tháng sau khi được phát hành ở Malaysia và Thái Lan.
Theo đại diện Lazada, sự kết hợp này sẽ tạo cơ hội tuyệt vời cho người mua hàng bằng những giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt thời thượng và cung cấp nhiều giá trị bên ngoài khác.
Cũng trong nửa đầu năm nay, Be Group hợp tác với ngân hàng VPBank ra mắt dịch vụ tài chính beFinancial, cung cấp chức năng thanh toán, thẻ tín dụng … Go- Việt thì rục rịch cho sự ra đời của ví điện tử Go-Pay, hay VINID đã mua cổ phần People Care, nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử MonPay, để thuận tiện cho khách giao dịch khi sử dụng VINID.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự lấn sân của một số doanh nghiệp gần đây có thể làm thay đổi cục diện thị trường ví điện tử đang được xem là dành riêng cho 5 ông lớn Viettelpay, MoMo, Zalopay, Airpay, GrabPay by Moca.
Ví điện tử tiềm năng nhưng chưa chắc thành công
Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), VN là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD và dự báo tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
Với lợi thế tỷ lệ người dân tiếp cận Internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao tại khu vực đô thị, mức thu nhập và tiêu dùng gia tăng, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực TMĐT, thị trường fintech tại Việt Nam đang sở hữu tiềm năng phát triển lớn.
Tuy nhiên TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính độc lập lại cho rằng thị trường ví điện tử có nhiều dư địa phát triển song chưa chắc đã thành công.
TS. Hiếu cho rằng mặc dù ở góc độ chính sách đã có đề xuất việc không sử dụng tiền mặt song trên thực tế tỉ lệ người dùng ví điện tử còn chưa cao. Trong khi đó sự xuất hiện ồ ạt các loại ví sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư tốn kém nhưng ít người dùng, chưa kể người dùng không quản lý được tiền bạc nếu mỗi lần mở ví phải bỏ tiền vào để chi tiêu. Thêm vào đó, việc liên kết ví điện tử với thẻ ngân hàng là yếu tố quan trọng để người dùng lựa chọn ví điện tử tránh việc phải đăng ký thêm một thẻ ngân hàng khác.
Một thách thức khác đặt ra đối với thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam là sự đốt tiền để dành thị phần. “Muốn tồn tại đòi hỏi các doanh nghiệp phải trường vốn, hay nói cách khác là có bệ đỡ từ các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước để giúp họ tiếp tục cuộc đua dành thị phần thông qua hình thức khuyến mãi khi thực hiện giao dịch bằng ví…”
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lấy ý kiến thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó quy định tỷ lệ tối đa vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại Fintech thanh toán là 49% vốn điều lệ, bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp. Ông Hiếu đề xuất nếu muốn thị trường ví điện tử phát triển, không nên quy định mức trần (room) sỡ hữu của nhà đầu tư ngoại, để các nhà làm ví điện tử có thể đưa ra nhiều phương thức và có kinh phí mạnh mẽ để hoạt động.
Ông nhận định: “Thị trường ví điện tử vừa thừa vừa thiếu. Thừa số lượng ví trong khi chất lượng lại chưa có đột phá dẫn đến sự lãng phí”. Nếu các doanh nghiệp làm ví điện tử không tự thay đổi mình bằng những hình thức thanh toán mới mẻ, thanh toán đa kênh thì sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Trên thực tế đã có nhiều ví điện tử phải từ bỏ cuộc đua như Payoo, Bao Kim, 1 Pay hay TrueMoney đang nắm vị trí số 1 của Thái Lan… do không có tính năng nổi bật cũng như khuyến mãi ưu đãi nên mất hút trên thị trường.
Vị chuyên gia cũng gợi ý ví điện tử có thể cân nhắc đến việc kết hợp với giải trí. Trên thực tế, 1 ví điện tử đã làm được điều này là Airpay khi họ liên kết với nhà cung cấp trò chơi điện tử trực tuyến để bán thẻ game thu hút các game thủ với mức chiết khấu và ưu đãi cao.
Theo Thu Hà
Pháp luật TP. Hồ Chí Minh