Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Startup nuôi dế để sản xuất protein chiến thắng giải Doanh nhân Cộng đồng Blue Venture Award 2019

Ngày 10/12, tại vòng chung kết Giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng Blue Venture Award lần 2, Cricket One đã giành chiến thắng, trở thành đại diện của Việt Nam tham dự vòng chung kết cuộc thi The Venture diễn ra vào tháng 6/2020 tại Canada. 

Cricket One sử dụng công nghệ nuôi dế để phát triển dòng sản phẩm protein bền vững. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, sản lượng nông nghiệp buộc phải tăng 70% để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của con người. Từ đây, Cricket One của Đặng Cao Nam và Bicky Nguyễn ra đời với mong muốn tạo ra nguồn protein thay thế hiệu quả cho người và động vật. Bên cạnh giải quyết vấn đề lương thực, startup còn hỗ trợ công ăn việc làm cho nông dân và giải quyết tồn đọng nguồn phế liệu từ cây sắn dây, thứ người dân thường bỏ đi sau thu hoạch.

Bà Nguyễn Hồng Ngọc Bích, đại diện thuyết trình của Cricket One. Ảnh: Blue Venture Award. 

Đại diện cho Cricket One trình bày tại vòng chung kết, bà Nguyễn Hồng Ngọc Bích cho biết Cricket One sản xuất ra 22 triệu dế mỗi tháng, tạo doanh thu 45 tỷ đồng với quy mô chỉ gần 30 nông dân tham gia và sản xuất. Sản phẩm của doanh nghiệp này được xuất khẩu đến 12 nước và Cricket One đang là chuỗi cung cấp dế lớn nhất thế giới.

Liên quan tới lo ngại công nghệ có thể bị sao chép bởi doanh nghiệp Mỹ hay châu Âu, Ngọc Bích cho rằng để nuôi dế cần môi trường khí hậu nhiệt đới như Việt Nam và đòi hỏi các nguồn thức ăn đặc biệt của khu vực khí hậu này. Vì vậy, nếu sao chép mô hình, các doanh nghiệp nước ngoài cần có một nguồn vốn và nguồn nhân lực rất lớn. “Nếu họ cần đến 6 người để hoàn thành công việc thì Cricket One chỉ cần một người và công việc sẽ được hoàn tất trong nửa ngày”.

Trước đó, startup này từng đạt giải nhất Chương trình Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mekong (MATCH 2018) do Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Giành giải nhì và ba lần lượt là GreenJoy Straw và Vibabo với những giải pháp khá tương đồng nhằm thay đổi thói quen người tiêu dùng để hạn chế chất thải nhựa từ ống hút sử dụng một lần bằng các sản phẩm ống hút có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Cùng tận dùng nguồn nguyên liệu trong tự nhiên, nếu Vibabo sử dụng tre để sản xuất ống hút, túi, bút thì GreenJoy Straw lại biến cỏ thành tiền khi dùng cỏ bàng khô, nguyên liệu phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long để làm nên ống hút cỏ. 

Với Vibabo, người sáng lập Trần Thùy Linh cho biết trong 3-4 năm tới, khi nhiều tay chơi mới gia nhập lĩnh vực, Vibabo dự định sẽ hạ giá thành đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng khác. 

Trong khi đó, GreenJoy Straw là cái tên khá quen thuộc, bởi startup từng tham gia gọi vốn trên chương trình Shark Tank mùa 3 và được bà Đỗ Liên đồng ý rót vốn 4 tỷ đồng. Sản phẩm của GreenJoy Straw đã cung cấp cho hơn 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam và hơn 30 quốc gia khác như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tham gia vòng chung kết còn có AYA Cup, giải pháp dịch cung ứng sản phẩm tái sử dụng thay thế đồ nhựa, và SiGen, hố ga ngăn mùi, triệt tiêu môi trường sinh trưởng của muỗi. 

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Phi Vân, đồng sáng lập tập đoàn World Franchise Associates và là Chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia, cho biết sau 3 tháng phát động cuộc thi Blue Venture Award, có hơn 200 hồ sơ đăng ký dự thi nằm ở những giai đoạn khởi nghiệp khác nhau và trải rộng ở nhiều lĩnh vực, với chất lượng cao hơn nhiều so với năm ngoái. Về top 5 doanh nghiệp tham dự vòng chung kết, bà Vân cho rằng tất cả sản phẩm đều có thể quốc tế hóa.

Theo NDH