Khẩu trang đang là mảng kinh doanh béo bở trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, ShoeX nhảy vào lĩnh này không phải để ‘đánh quả’, mà họ xem đây là sản phẩm thời trang mới, bên cạnh giày cà phê đã có chỗ đứng trên thị trường. Theo đó, họ đã mất tới 4 tháng để làm ra chiếc khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế giới – AirX.
Trong rất nhiều doanh nghiệp mà chúng tôi liên hệ để phỏng vấn về tác động của đại dịch Covid-19, ShoeX là một trong những startup hiếm hoi không thuộc ngành y tế hoặc nhu yếu phẩm hằng ngày, vẫn sống tốt trong thời gian khó.
Lê Thanh – Founder của ShoeX cho hay, bắt đầu từ tháng 1/2020 – khi những tin tức về dịch bệnh từ Vũ Hán – Trung Quốc lan ra với tốc độ kinh khủng khiếp và khắp thế giới (trong đó có Việt Nam) bắt đầu nhận ra áp lực khủng khiếp mà nó tác động lên hệ thống y tế, Thanh đã bắt đầu nghĩ tới chuyện sản xuất khẩu trang nhằm đón đầu nhu cầu ‘siêu lớn’ của thế giới trong tương lai.
Tuy nhiên, thay vì nhảy vào mảng khẩu trang theo kiểu ‘ăn xổi, ở thì’ hay sản xuất khẩu trang y tế đơn giản để ‘đánh quả’ như nhiều người khác, Lê Thanh và ShoeX lại nghiêm túc ngồi lại để nghiên cứu và làm ra cho bằng được loại khẩu trang vừa kháng khuẩn, vừa thời trang lại thân thiện với môi trường. Với startup này, cho dù thị trường ngoài kia đang “khát” khẩu trang cùng cực, thì họ cũng không thể đi ngược lại triết lý kinh doanh hay ADN của mình.
Nhờ sự nhạy cảm với nhu cầu thị trường cũng như tư duy thích nghi bền vững, sản phẩm mới – khẩu trang cà phê thời trang mang tên AirX được khách hàng đón nhận nhiệt tình, giúp startup này không giảm doanh thu trong mùa dịch và không phải sa thải nhân sự để tồn tại như nhiều đồng nghiệp khác tại Việt Nam.
Làm giày cà phê, đầu vào không bị tác động nhiều nhưng đầu ra ngày càng bị thu hẹp
“Trong giai đoạn I của dịch Covid-19, dù mảng nguyên liệu đầu vào ngành giày của chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều, do giá trị cốt lõi của ShoeXcoffee là công nghệ vật liệu làm từ bã cà phê, nên việc linh động kết hợp với những đối tác khác để cho ra sản phẩm với chất lượng như cũ khá dễ dàng“, anh Lê Thanh cho biết.
Tuy nhiên, dù đầu vào được đảm bảo, nhưng đầu ra của ShoeXcoffee ngày càng bị thu hẹp. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu và Việt Nam bước vào giai đoạn II vô cùng căng thẳng, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu để ứng phó với những tác động xấu của đại dịch, bắt đầu bằng việc cắt mua sắm những món đồ không thuộc lĩnh vực y tế và nhu yếu phẩm, giống thời trang, doanh thu của giày cà phê bắt đầu đi xuống.
Mặc dù kênh phân phối chủ yếu của ShoeXcoffee là online, nhưng điều đó cũng không ngăn được sản lượng bán ra của họ ngày càng thấp, bắt đầu từ giai đoạn II của dịch.
“Khi mọi người đều đẩy hàng hóa lên online thì việc cạnh tranh trên online càng khốc liệt, người dùng càng dễ bị phân tán.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra một điều khá thú vị trong thời điểm này: có một nhu cầu ngách là từ 6 giờ chiều tới 9 giờ tối (sau giờ hành chính). Đây là thời điểm hầu như các dịch vụ phân phối, giao nhận và chăm sóc khách hàng online của các mặt hàng thời trang đều ngưng phục vụ, do đó ShoeX đã linh hoạt, tăng cơ hội bán hàng bằng cách đáp ứng nhu cầu của khách trong khoảng thời gian này.
Bây giờ, phong cách bán hàng của ShoeX là từ online đến offline, dịch vụ trải dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối”, Founder ShoeX chia sẻ thêm.
Nhờ quyết định sớm tham gia vào làm khẩu trang từ đầu tháng 1/2020, nên khi mảng giày sụt giảm nghiêm trọng thì sản phẩm mới AirX cũng kịp ra mắt thị trường, giúp doanh nghiệp giữ được doanh thu cũng như số lượng nhân sự như trước kia.
4 tháng trời để sản xuất khẩu trang cà phê kháng khuẩn AirX, thay màng lọc sau 1 tháng sử dụng
“Vì là startup nên ShoeX đi theo nhu cầu của thị trường và giúp giải quyết những vấn đề của xã hội. Từ công thức làm giày cà phê, việc phát triển ra khẩu trang cà phê là hoàn toàn trong khả năng của ShoeX. AirX dù là sản phẩm khác hẳn nhưng vẫn mang DNA của ShoeX“, Lê Thanh tiết lộ lý do nhảy vào làm khẩu trang cà phê.
Cũng giống như phương cách sản xuất giày cà phê, khẩu trang cà phê của ShoeX cũng là thành quả của sự hợp tác giữa startup này và nhiều nhà sản xuất khác. AirX có 2 phần: phần vỏ là ShoeX hợp tác với đối tác đã và đang làm việc cho giày cà phê; còn phần màng lọc phân hủy sinh học, thân thiện môi trường và có thể thay thế được là công nghệ được phát triển riêng của Lê Thanh với những cộng sự khác, không liên quan đến giày.
Về đặc tính kháng khuẩn: khẩu trang AirX sử dụng công nghệ kháng khuẩn kép 99,99% với 2 lớp bảo vệ. Lớp ngoài được dệt bằng sợi cà phê mềm mại, sử dụng công nghệ PowerKnit, có thể giặt mỗi ngày. Bên trong là lớp màng lọc tự phân hủy sinh học, được sản xuất theo công nghệ kết hợp nano bạc và cà phê. Mỗi chiếc màng lọc có thể sử dụng tối đa 30 ngày không cần giặt, với hiệu quả được chứng nhận tiêu chuẩn AATCCC 100 bởi QUATEST 3.
Mỗi khẩu trang cà phê AirX được bảo quản riêng trong từng bao bì 3 lớp chuyên dụng, nhằm đảm bảo tối đa chức năng khử trùng của màng lọc với các phân tử nano bạc. Điểm khác biệt của chiếc khẩu trang này chính là mùi hương cà phê tự nhiên, khiến trách nhiệm “đeo khẩu trang” không còn là điều gì đó quá ngột ngạt mà thư giãn hơn, thoải mái hơn rất nhiều. AirX là khẩu trang cà phê đầu tiên của thế giới.
Với sự tiện dụng, có thể tái sử dụng nhiều lần cộng với tính thời trang, nên theo ShoeX, giá bán 99.000 đồng/cái của AirX là không hề đắt. Nếu tính chi tiết, khách hàng chỉ phải bỏ ra 3.000 đồng/ngày để sử dụng sản phẩm cho tháng đầu tiên và 1.000 đồng/ngày cho tháng cho sau này. Nếu dùng khẩu trang y tế xài 1 lần, mọi người sẽ tốn trung bình 6.000 đồng/ngày.
Hiện tại, ShoeX hiện đang đẩy mạnh việc tiêu thụ khẩu trang AirX kèm màng lọc trước, song song đó, họ đang sản xuất màng lọc riêng để người dùng có thể mua thay thế. Mỗi màng lọc đều được bảo quản trong bao bì chuyên dụng. .
Nhờ sự thành công của sản phẩm mới, đến giờ đội ngũ nhân sự của ShoeX vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí còn phải tăng ca để kịp tiến độ giao AirX đến tay khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Cơ hội kinh doanh bền vững chứ không chỉ là phương án cầm cự qua mùa dịch
“Khẩu trang giờ đây được coi là một phụ kiện thời trang – với sự tiên phong của những nhà mốt hàng đầu thế giới như Gucci hay Louis Vuitton. Chúng tôi không chỉ tập trung vào thị trường nguyên sơ hiện tại. AirX không chỉ có tác dụng bảo vệ, kháng khuẩn mà còn đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ của người sử dụng, đồng thời công nghệ dệt powerknit tân tiến sẽ giúp AirX phù hợp với làn da nhạy cảm nhất.
Càng về sau, sản phẩm càng cần được cải tiến và phù hợp hơn theo mong muốn tiềm ẩn của người tiêu dùng. Thêm vào đó, nhu cầu về khẩu trang trên thế giới ngày càng tăng, chúng tôi đang bắt đầu xuất khẩu qua Mỹ, Singapore và các nước Châu Âu.
Sau AirX, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm những dòng khẩu trang phục vụ cho đối tượng trẻ em và những người làm việc trong môi trường đặc thù như ngành y tế“, anh Lê Thanh bàn về chiến lược của sản phẩm mới.
Với Lê Thanh và ShoeX, đây là một cơ hội kinh doanh, chứ không phải là một phương án sống còn để có thể cầm chừng qua mùa dịch.
Ở khía cạnh khác, năng lực sản xuất AirX hiện tại của startup này vào khoảng 10.000 cái/ mỗi ngày. Startup này đang có ý định sẽ làm truyền thông về sản phẩm mới AirX ở cả thị trường quốc tế để có thể tìm về những đơn hàng xuất khẩu lớn hơn. Lúc đó, tùy vào nhu cầu của thị trường, họ sẽ tăng năng suất sản xuất phù hợp.
Theo Trí thức trẻ