Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Sinh viên bỏ học trở thành nhà sáng lập trẻ nhất châu Âu của một công ty trị giá hàng tỷ USD

Markus Villig biết mình muốn thành lập một công ty công nghệ ngay từ khi chỉ mới ở độ tuổi 12. Năm 19 tuổi, Villig đã bỏ học đại học chỉ sau một kỳ học ngành khoa học máy tính tại Đại học Tartu, Estanoia, khi ứng dụng gọi xe, Taxify (hiện là Bolt), bắt đầu thành công.

6 năm trôi qua, Villig ở độ tuổi 25 trở thành nhà sáng lập trẻ nhất của một công ty tỷ USD ở châu Âu, theo nghiên cứu của mạng lưới khởi nghiệp Lift99 của Estonia. Đối thủ của Uber ở châu Âu có mặt tại 100 thành phố ở 30 quốc gia, với 25 triệu khách hàng và 500.000 tài xế.

Villig khởi nghiệp với khoản vay hơn 5.500 USD từ gia đình để xây dựng nguyên mẫu của ứng dụng gọi xe vào mùa hè sau khi tốt nghiệp trung học. Anh đã được truyền cảm hứng bởi Skype, công ty được thành lập tại quê nhà Estonia vào năm 2004. Thành công của Skype cho thấy một doanh nghiệp công nghệ có thể được phát triển từ bất cứ đâu. 

Chia sẻ với CNBC, Villig cho biết: “Tôi nhận ra rằng công nghệ là một trong những ngành bạn có thể sở hữu lợi thế rất lớn vì trong thực tế bạn có thể đạt được những thành tựu lớn với một đội ngũ rất nhỏ.”

Kể cả khi ngày càng nhiều người quan tâm đến Bolt, Villig vẫn quản lý chi phí kinh doanh rất chặt chẽ bằng cách tránh thuê nhiều người hoặc không thực hiện các chiến dịch marketing tốn kém. Thậm chí, Villig đã từng tự mình xuống các con phố ở thủ đô Estonia để tuyển dụng lái xe taxi trong những ngày đầu kinh doanh.

Anh chia sẻ: “Về cơ bản thì yếu tố quan trọng nhất (cho sự thành công của một công ty) là tập trung vào khách hàng và biết căn cơ. Đây là một ngành mà khách hàng thực sự quan tâm nếu giá trị họ nhận được có xứng đáng với số tiền họ bỏ ra hay không. Do đó, nếu bạn có thể cung cấp cho khách hàng mức giá tốt hơn 20% hoặc tài xế có thể nhận thêm 20% cho mỗi chuyến đi thì điều đó thực sự xứng đáng.”

Các tài xế của Bolt có thể kiếm được nhiều hơn trung bình 10% so với các nền tảng gọi xe khác, vì họ chỉ mất 15% phí hoa hồng cho mỗi chuyến so với mức phí 25% mà đối tác của Uber phải trả. 

Giữ tập trung

Đó là lời khuyên lớn nhất của Villig dành cho bất kỳ ai có ý định khởi nghiệp: “Là một doanh nhân, đôi khi bạn có hàng nghìn ý tưởng có vẻ tuyệt vời và bạn muốn hiện thực hóa tất cả, nhưng cuối cùng, bạn chỉ có thể làm một vài việc thực sự tốt.”

Villig giải thích đây là lý do vì sao Bolt chỉ tập trung vào gọi xe trong 5 năm hoạt động đầu tiên. Một phần của sự tập trung này là tìm hiểu nhu cầu vận chuyển ở cấp đại phương, điều mà người sáng lập công ty tin rằng đã giúp phân biệt Bolt với các đối thủ cạnh tranh.

Kể từ đó, Bolt đã mở rộng sang dịch vụ xe máy điện và giao thức ăn cùng các kế hoạch ra mắt các dịch vụ mới khác. Mặc dù, theo Villig, hoạt động kinh doanh gọi xe mới chỉ đạt mức bề nổi và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Mở rộng sang các phương thức vận chuyển khác là lý do mà công ty đã đổi thương hiệu từ Taxify sang Bolt vào đầu năm nay, để phản ánh sự phân nhánh của nó sang các lĩnh vực vận chuyển khác.

Villig cũng cho biết: “Lời khuyên của tôi dành cho các doanh nhân trẻ là chọn một cái tên phản ánh tầm nhìn của bạn dành cho doanh nghiệp của mình và đừng ngại thay đổi nó nếu tầm nhìn của bạn mở rộng hơn.”

Bolt đã ra mắt dịch vụ gọi xe ở London vào tháng 6 vừa qua sau khi mất hơn 1 năm để nhận giấy phép hoạt động tại thủ đô của Vương quốc Anh. Thực tế, Bolt đã từng cung cấp dịch vụ ở London vào năm 2017, nhưng cơ quan quản lý Transport for London đã yêu cầu công ty dừng cung cấp dịch vụ, với lý do rằng Bolt đã không xin giấy phép hoạt động.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế