Trong khi kinh nghiệm quản lý dòng tiền còn nhiều yếu kém thì startup phải biết tận dụng thế mạnh lớn nhất của mình, đó là khả năng đưa ra quyết định thật nhanh.
Sự kiện eDoctor – startup cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ di động – vừa nhận thêm 1,2 triệu USD vốn đầu tư giữa bối cảnh dịch Covid-19 và dòng vốn vào Việt Nam chậm dần đang trở thành câu chuyện “ngược dòng” thành công đáng tuyên dương trong giới startup.
Cụ thể, số tiền này bao gồm cả 500.000 USD eDoctor kêu gọi thành công từ Shark Dzung Nguyễn – Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan (CAC) qua chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, hồi tháng 9/2019. Ba quỹ còn lại cũng “góp gạo thổi cơm chung” bao gồm Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc).
Trong hội thảo trực tuyến “Startup xoay chuyển nghịch cảnh trong Covid-19” được VnExpress tổ chức mới đây, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của eDoctor, anh Alain Huỳnh cho biết phải mất 6 tháng liên tục để startup có thể hoàn toàn tất mọi thủ tục cũng như đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Tâm lý nhà đầu tư dè dặt
Dù gọi vốn thành công nhưng anh Alain Huỳnh cũng cho biết, hiện tâm lý của các nhà đầu tư rất dè dặt và cẩn trọng.
Trước hết, họ lo lắng cho những startup mà mình đã rót vốn nhưng đồng thời cũng tích cực hỗ trợ hơn. “Với eDoctor cũng vậy, ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, các quỹ đầu tư đã chia sẻ, hỗ trợ, tư vấn rất nhiều. Cả những startup trong hệ sinh thái của Quỹ cũng giúp đỡ với mình.”
Mặt khác, dù dè dặt nhưng các quỹ cũng tìm kiếm những điểm sáng trong giới khởi nghiệp. Startup nào có tiềm lực, sản phẩm hay đội ngũ phù hợp sẽ vẫn có nhiều cơ hội.
Nhà đồng sáng lập eDoctor cũng chia sẻ, ngay trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, eDoctor vẫn nhận được sự quan tâm và lời mời đầu tư của nhiều quỹ ngoại khác. Tuy nhiên, do các nhà đầu tư không thể tới Việt Nam nên hiện chỉ liên hệ trực tuyến.
Phải nhanh, quyết liệt mới có thể sinh tồn
Hội thảo trực tuyến còn có sự tham gia của hai khách mời – đại diện cho nhà đầu tư, cố vấn khởi nghiệp là bà Trương Lý Hoàng Phi (nhà sáng lập kiêm cố vấn chiến lược của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC) và ông Nguyễn Thành Nam (Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX, Chủ tịch Endeavor Việt Nam).
Hai vị này đều đồng tình rằng doanh nghiệp phải có tư duy tiết kiệm, dù trong khủng hoảng hay thời bình. Nhưng cái khó ở chỗ người giàu thường giỏi tiết kiệm hơn người nghèo, nói cách khác, startup không thể biết cách tiết kiệm sao cho đúng bằng những ông lớn, các công ty gạo cội.
“Doanh nghiệp càng lớn càng có tư duy về việc dùng tiền như thế nào cho chính xác. Còn với startup, nhiều khi dù không cố tình nhưng mình không biết chính xác cái gì thực sự cần thiết, đem tiền đi phát triển một số sản phẩm chưa phù hợp”, bà Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ.
CEO eDoctor thừa nhận: “Do kinh nghiệm quản lý dòng tiền còn quá yếu nên nhiều startup để thất thoát hoặc đầu tư tiền vào những mảng không có triển vọng.
Đối với eDoctor, chúng tôi đã bật “chế độ sống còn” từ mấy tháng nay rồi. Đây cũng không phải lần đầu tiên chúng tôi gặp khó khăn nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm ứng phó.
Đây là giai đoạn eDoctor phải rất quyết liệt, ra quyết định rất nhanh và bám theo nó. Dịch bệnh thay đổi từng ngày mà lại tốn quá nhiều thời gian cho việc ra quyết định thì startup sẽ không còn lợi thế nữa. Ban đầu chúng tôi phát triển cả kênh online và offline nhưng giờ quyết chỉ online thôi, 100%.”
“Điểm mạnh lớn nhất của startup chính là nhanh. Nay quyết định, mai có thể lại đổi, đó chính là điều giúp chúng ta sống sót. Startup giống như trẻ con vậy, vốn không thể đi cân bằng cả hai chân, lúc nào cũng bấp bênh chứ không phải người trường thành. Do đó cần tập trung và quyết đoán”, ông Nam tái khẳng định.
Theo Trí thức trẻ