Lượng truy cập website của Lazada giảm liên tục nhiều quý nhưng sàn này đón nhiều khách qua ứng dụng, chỉ sau Shopee và trên Tiki, Sendo.
iPrice Insights và App Annie Intelligence vừa công bố xếp hạng các ứng dụng thương mại điện tử Việt Nam quý II/2019, theo hai tiêu chí được đo theo công nghệ của App Annie gồm: tổng số lượt tải về và số lượng người sử dụng trung bình hàng tháng của các ứng dụng (Monthly Active Users – MAU).
Trong đó, lượt tải về cho thấy ứng dụng nào đang thành công nhất về mặt thu hút người sử dụng mới, còn số MAU giúp chỉ ra những ứng dụng đang làm tốt việc giữ chân khách hàng và khiến họ thường xuyên tương tác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong quý II/2019, ứng dụng di động của Shopee dẫn đầu thị trường Việt Nam ở cả hai tiêu chí này. Nhóm nghiên cứu cho rằng, vị thế này phần nào nhờ vào việc Shopee từ lâu đã theo đuổi chiến lược ‘mobile-first’, ưu tiên nền tảng di động.
Từ năm 2018, Shopee tập trung đầu tư vào các hoạt động thu hút khách hàng đến với ứng dụng di động, đáng chú ý là các chiến dịch quảng cáo và những ngày hội mua sắm. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng phát triển ứng dụng theo hướng ngày càng tiện dụng.
“Shopee tập trung vào ứng dụng di động ngay từ đầu và xây dựng giao diện người dùng xung quanh mục tiêu ấy. Định hướng của họ khiến cho trải nghiệm mua sắm trên di động với Shopee trở nên rất nhanh và trực quan”, Công ty nghiên cứu thị trường Econsultancy phân tích trong một báo cáo.
Xếp thứ hai trên bảng xếp hạng về lượng người sử dụng là ứng dụng của Lazada Việt Nam. Trong khi lượng truy cập vào website của Lazada đang giảm liên tục nhiều quý, sàn này lại có lượng truy cập cao trên ứng dụng di động.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất từ nghiên cứu chính là thứ hạng của sàn Sendo. Ứng dụng di động của sàn này xếp hạng 2 trong quý II/2019 về số lượt tải về, đồng nghĩa là Sendo hiện thành công trong việc thu hút thêm người dùng mới.
Ngoài ra, Sendo còn có mặt trong top 5 Đông Nam Á về số lượt tải về của ứng dụng di động quý vừa qua. Đây là công ty Việt Nam duy nhất có trong top này, sánh cùng Shopee, Lazada và hai ‘kỳ lân’ Tokopedia và Bukalapak của Indonesia.
Nghiên cứu cho rằng, tương tự Shopee, thành công này của Sendo là kết quả của việc sớm mạnh dạn đầu tư vào ứng dụng di động. Ra đời năm 2012, sau 4 năm phát triển nền tảng web, Sendo bắt đầu chuyển các hoạt động kinh doanh sang di động.
“Tốc độ phát triển của điện thoại mấy năm gần đây tăng rất nhanh vì giá Internet rẻ, điện thoại mạnh hơn đáng kể và giá thành thấp. Khi độ phổ cập đến mức đấy thì mọi người dùng ứng dụng nhiều, và sự dịch chuyển đến rất tự nhiên,” ông Trần Hải Linh – Tổng giám đốc Sendo phân tích.
iPrice Group cũng cho rằng, chiến lược này phù hợp với định hướng tập trung vào thị trường tỉnh lẻ từ trước đến nay của Sendo. “Một lượng rất lớn khách hàng ở tỉnh lẻ hiện truy cập Internet thông qua các thiết bị di động, việc có một sản phẩm ứng dụng di động mạnh sẽ giúp Sendo tiếp cận đối tượng khách hàng này hiệu quả hơn các đối thủ”, đơn vị này phân tích.
Theo VnExpress