“Trong công việc ai cũng phải khó. Nếu nam giới khó chịu thì mình gọi họ là một người xuất sắc. Nhưng nếu nữ giới khó chịu thì mình kêu họ là “phụ nữ thép”. Vì sao?
Shark Linh tên thật là Thái Vân Linh, bà là giám khảo của chương trình thực tế Shark Tank Vietnam – Thương vụ bạc tỷ. Shark Linh được đánh giá là người đàn bà thép, nổi danh với câu nói “Tôi không đầu tư”.
Cùng gia đình di cư sang Mỹ sinh sống từ khi mới 2 tuổi, sau 29 năm, bà quyết định bỏ công việc lương cao với chế độ đãi ngộ tốt tại một công ty tài chính để trở về Việt Nam. Sau thời gian đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại quỹ DFJ VinaCapital, đến năm 2018, shark Linh đầu quân cho Vingroup và được bổ nhiệm làm Giám đốc Vingroup Ventures. Ngoài ra, bà còn là nhà sáng lập Rita Phil, một startup chuyên thiết kế và sản xuất váy theo số đo.
Tháng 12/2018, Shark Linh quyết định đầu quân cho tập đoàn Vingroup và được bổ nhiệm làm Giám đốc CTCP Vingroup Ventures. Cơ cấu cổ đông của Vingroup Ventures gồm Tập đoàn Vingroup góp vốn 70% (tương đương 49 tỷ đồng).
Cổ đông đáng chú ý là quý bà Thái Vân Linh góp vốn 10% (7 tỷ đồng). Ngoài ra còn có ông Nguyễn Hồng Quân cũng góp vốn 20% (tương đương 14 tỷ đồng).
Mong muốn giải phóng cho phụ nữ
Tại một sự kiện của Forbes Việt Nam, shark Thái Vân Linh bày tỏ sự ngạc nhiên rằng tại sao những người phụ nữ dễ thương, vui vẻ, dễ chịu như vậy lại bị gọi là “thép”: “Có thể trong công việc họ khó tính nhưng về công việc, ai cũng phải khó vì mình có những mục tiêu, tiêu chuẩn rất cao. Nếu nam giới khó chịu thì mình gọi họ là một người xuất sắc. Nhưng nếu nữ giới khó chịu thì mình kêu họ là “phụ nữ thép”. Vì sao? Những khuôn mẫu này khiến Linh rất khó chịu.”
Vị shark cho rằng điều này bắt nguồn trong gia đình từ khi còn nhỏ.
“Khi mua đồ chơi cho con hoặc cháu. Nếu là bé trai, ta thường mua đồ chơi màu xanh, để bé trai có thể tự xây dựng cái gì đó. Nếu là bé gái, ta sẽ mua búp bê vì ta buộc con gái phải mềm mại, biết chăm sóc.”
Shark Linh đưa ra gợi ý, rằng hãy thử làm ngược lại. Hãy tặng búp bê màu hồng cho bé trai, để nói với bé rằng phải học hỏi và có khả năng chăm sóc người khác. Tặng một bộ búa, vít cho bé gái để bé học tự xây dựng cái gì đó.
“Linh hy vọng chúng ta có thể thay đổi những khuôn mẫu này, để phụ nữ trong tương lai không cần phải nghe những lời nhạy cảm như vậy”, shark Linh thẳng thắn.
Theo nghiên cứu năm 2019 về “Phụ nữ trong kinh doanh” của Grant Thornton Quốc tế, Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á, với khoảng 36% (chỉ sau Philippines: 37,46%).
Mặc dù ngày càng nhiều phụ nữ hiện diện trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp nhưng sự bình đẳng giới tại vị trí chủ chốt vẫn còn khá xa.
Những định kiến, khuôn mẫu về giới tính, trách nhiệm chăm lo gia đình vẫn là yếu tố cản trở phụ nữ nắm bắt cơ hội, tạo dựng mối quan hệ và trau dồi, phát triển sự nghiệp.
Chị cũng khuyến khích phụ nữ hãy can đảm hơn để theo đuổi con đường sự nghiệp. Theo chị, việc đặt công việc lên hàng đầu không có gì xấu, đừng vì gia đình thúc ép mà vội vàng kết hôn sớm. Chỉ khi người phụ nữ thỏa mãn được đam mê của mình mới có thể chăm lo cho gia đình một cách tốt nhất.
“Người phụ nữ hiện đại là người tự tạo ra hạnh phúc của riêng mình. Phụ nữ khao khát một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, không sợ thất bại và hãy nghĩ rằng, thất bại chỉ đơn giản là bước đệm quan trọng hơn dẫn chúng ta đến thành công”, Shark Linh bày tỏ trên trang cá nhân của mình.
Shark Linh đã từng chia sẻ trong chương trình “Tôi chọn hạnh phúc” của HTV Life rằng muốn có cuộc sống thành công và hạnh phúc, mỗi người cần phải “Work hard, play hard”. “Work hard” (chăm chỉ) để có thể cạnh tranh được với người khác, nhưng cũng phải đủ “smart” thì mới hiệu quả lâu dài.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần phải “play” (vui chơi) vì ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Vì vậy, hãy luôn cân bằng giữa mục tiêu sống và nhu cầu giải trí của chính mình.
Mạnh tay xuống tiền với dự án “độc”
Từ năm 2017, Shark Linh bắt đầu tham gia Shark Tank Vietnam – Thương vụ bạc tỷ với cương vị là là đầu tư chính Giám đốc chiến lược & vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital.
Thương vụ khủng nhất mà Shark Linh đã thực hiện đầu tư là Gcalls. Đây là thương vụ “nổi sóng” vì là đây là cam kết đầu tư lớn nhất trong chương trình Shark Tank. Theo đó, shark Linh đồng ý đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 45% cổ phần của Gcalls.
Gcalls là nhà cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tạo lập hệ thống tổng đài chỉ trong vòng 5 phút, bao gồm hạ tầng call center, phần mềm quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM giúp doanh nghiệp quản lý khách hàng.
Gcalls nhắm đến thị trường tích hợp và ứng dụng nội dung số Đông Nam Á có trị giá lên tới 38 tỷ USD. Gcalls Việt Nam đã hoạt động được 2 năm, nguồn thu đến từ các thuê bao với mức phí là 157.000 đồng/thuê bao và doanh thu 6 tháng gần nhất là 150.000 USD (tương đương với 3,3 tỷ VND).
CEO GCalls là Tấn Phúc muốn gọi vốn 1 tỷ 249 triệu đồng cho 1% cổ phần và tuyên bố công ty muốn IPO sau 7 năm nữa và gọi vốn để chinh phục toàn bộ thị trường Đông Nam Á, trước mắt là Indonesia.
Tuy nhiên, do không đưa ra được một lộ trình cụ thể nên bà Trương Lý Hoàng Phi (Shark Phi) từ chối đầu tư. Tương tự, ông Trần Anh Vương (Shark Vương) cũng lắc đầu vì không hài lòng với cách gọi vốn “có tiền tới đâu làm tới đó” của dự án, đồng thời Shark Vương vẫn còn rất đa nghi khi Tấn Phúc cho rằng chỉ cần gọi được trước 6 tỷ đồng là có thể tiến sang chinh phục thị trường Indonesia.
Mặc cho các shark từ chối, Shark Linh bất ngờ tuyên bố: “Chị rất thích mô hình này và sẽ đầu tư cho các em 23 tỷ đồng(1 triệu USD) đổi lấy 45% cổ phần”.
Xem chương trình Shark Tank Việt Nam, người xem có thể thấy bà Thái Vân Linh là một người rất thận trọng với câu nói quen thuộc: “Tôi không thấy công ty có gì đặc biệt. Tôi không đầu tư”.
Nhưng bà Linh rõ ràng là không ngại chi tiền đối với những startup có hoạt động kinh doanh “độc”, và đặc biệt là có triển vọng mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, sang tầm khu vực. Điều này đúng như quan điểm của bà: “Làm những gì không ai làm để có những gì không ai có”.
Theo Enternews.vn