Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp cần trách nhiệm như chống dịch

Sau sự kiện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) gửi đơn lên kêu cứu đến Bộ Xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng đây là một tín hiệu không vui cho thị trường bất động sản đầu năm Canh Tý 2020. Câu hỏi còn bao nhiêu công ty như Novaland sẽ gửi đơn kêu cứu và thị trường bất động sản sẽ đi về đâu, với nhiều dự báo khác nhau… Và tất cả trông đợi vào trả lời của Bộ Xây dựng.

Trong đơn cầu cứu, ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Novaland cho biết, những vướng mắc ở dự án 32ha ở Bình Khánh, quận 2, TP.HCM đang khiến tập đoàn gặp muôn vàn khó khăn. Dự án này do Công ty Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 – là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland – làm chủ đầu tư. Quá trình rà soát quy hoạch, đền bù tại khu đô thị mới Thủ Thiêm kéo dài, cũng như các dự án bất động sản khác, dự án 32ha của Novaland buộc phải chậm triển khai làm phát sinh nhiều hệ lụy, đặc biệt là phát sinh chi phí vốn đầu tư xây dựng.

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng với toàn bộ diện tích đất cho dự án đã được Novaland hoàn tất. Dòng vốn Novaland cùng các đối tác nước ngoài đầu tư vào dự án này khoảng gần 6.000 tỷ đồng đang bị đông cứng. Novaland đã tự ứng vốn đầu tư vào dự án và vẫn chưa được thanh toán cũng như phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của 9 lô theo chủ trương của UBND TP.HCM để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, xây dựng và kinh doanh nhằm thu hồi vốn đầu tư.

Ông chủ Novaland báo cáo, việc đình trệ này đã và đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của Novaland, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của TP.HCM…

Cuối cùng, sau hai tháng nghiên cứu, Bộ Xây dựng cũng đã trả lời theo hướng chuyển đơn cầu cứu của Novaland tới UBND TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền. Một kết quả ngoài mong đợi của Novaland và cộng đồng doanh nghiệp.

Trước khi trả lời cho Novaland, không biết Bộ Xây dựng có bàn bạc với UBND TP.HCM về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không và giải pháp đó là gì, cấp nào thực hiện giải pháp ấy…  Nhưng với thời gian gần hai tháng Bộ Xây dựng mới trả lời nội dung như vậy là quá chậm cho một doanh nghiệp cần sự giúp đỡ khẩn cấp. Cơ hội tồn tại của Novaland chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn. 

Đầu tháng 3/2020, Bộ Công an đã công khai xin lỗi hai ông Bùi Mạnh Lân (sinh năm 1957) và ông Phạm Văn Hướng (sinh 1954) tại Công ty CP Hưng Thịnh, trụ sở trong Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương. Đây được xem là sự kiện đầu tiên khi một cơ quan quyền lực xin lỗi công khai hai doanh nhân bị oan sai, dẫu rằng sự việc đã xảy ra cách đây 17 năm.

Ngày 11/6/2003, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Lân, đồng thời ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn và trả tự do cho ông Hướng. Đến ngày 7/7/2003, ông Nguyễn Văn Nên – Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang mới thực hiện quyết định này khiến ông Hướng bị giam 63 ngày, trong đó 26 ngày đã có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Mãi đến năm 2011, Bộ Công an mới có kết luận: Có cơ sở để xác định sự việc xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương sau ba năm Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Lân, ông Hướng là trái quy định của Điều 63 Bộ Luật Tố tụng hình sự. Hồ sơ, chứng cứ rất yếu, khó có thể truy tố, xét xử được, phải đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can.

Việc hai ông bị bắt, dẫu chỉ là tạm giam, khiến cuộc sống, công việc bị đảo lộn, uy tín bị mất, thiệt hại không thể đo đếm được. Là công ty đầu tư khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, việc hai lãnh đạo bị bắt khiến nhiều công ty rút vốn đầu tư, ảnh hưởng hàng trăm tỷ đồng. 

Cũng cần nói thêm, ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng hồi đó mới ngoài 40 tuổi, đang là tuổi sung sức nhất trong sự nghiệp kinh doanh. Quê Nam Định, vào Nam lập nghiệp, hai ông được coi là những doanh nhân thành đạt, tạo rất nhiều việc làm cho người lao động. Công ty TNHH Gas Bình Dương đóng tại Khu công nghiệp Đồng An, ông Hướng giữ chức Phó tổng giám đốc, là người tiên phong trong việc chiết gas ra bình cung cấp cho thị trường, chủ yếu là ở TP.HCM và tỉnh Bình Dương. 

Từ hai câu chuyện trên, nếu các cơ quan chức năng cũng có tinh thần giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn như cả nước chung tay chống dịch Covid-19 hiện nay thì có lẽ doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tồn tại phát triển, nhiều doanh nhân có cơ hội đóng góp sức mình cho đất nước.

Khỏi cần phải ưu ái, nhưng trước hết nếu Bộ Xây dựng có trách nhiệm cao, công văn trả lời với những hướng dẫn giải pháp cụ thể, kể cả chỉ ra những điểm sai của Novaland thì doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khó khăn dễ dàng hơn và không mang tiếng chưa có động thái nào tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, mà chỉ “đá quả bóng trách nhiệm” sang cơ quan khác.

Nếu cơ quan Công an sớm xin lỗi hai doanh nhân bị bắt oan thì hai doanh nhân ấy đã có thể cống hiến nhiều cho đất nước. 

Theo DNSG