Khoảng vài năm gần đây, FPT bắt đầu quảng bá mạnh về chuyển đổi số cũng như quyết định ‘ăn thua đủ’ ở thị trường Việt Nam và thế giới ở lĩnh vực này. Nhưng, theo Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS thì Tập đoàn này đã tham gia sự nghiệp chuyển đổi số kể từ khi thành lập, bằng cách nhập máy cày từ Đông Âu về Việt Nam để góp số hóa ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS là một lãnh đạo cao cấp khá đặc biệt của Tập đoàn FPT. Không như nhiều đồng sự khác của Tập đoàn là đi lên từ vị trí nhân viên, ông mới ‘nhảy dù’ vào doanh nghiệp cách đây 5 năm.
Trong Talkshow “Hạt nhân trong chuyển đổi số doanh nghiệp SME” được tổ chức bởi BIT Group và Saigon Times, ông kể là mình từng làm trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam – đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số, được vài chục năm. Trước khi gia nhập FPT, ông từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam.
“Tôi mới làm FPT trong 5 năm nay. Từ năm 1991 và 1992, tôi thỉnh thoảng cũng có gặp các anh chị Founder FPT khi công ty mới thành lập 3 đến 4 năm. Tôi từng làm cho công ty đối tác cho IBM còn lớn hơn FPT lúc đó – giờ thì nó đã biến mất rồi, không còn nữa. Chúng tôi vừa có thể xem là đối thủ vừa là đối tác của FPT.
Sau đó tôi làm ở công ty nước ngoài về triển khai internet vào những năm 1996 – 1997, sau đó làm cho 1 khách hàng của FPT. Vậy nên, sự hiểu biết của tôi về tiến trình tham gia chuyển đổi số của Tập đoàn không phải về FPT mới bị ‘tẩy não’, mà là quan sát thực tế“, ông Phan Thanh Sơn bày tỏ.
Theo lời kể của Giám đốc phát triển kinh doanh này, FPT ra đời là công ty liên quan tới nông nghiệp, viết tắt từ Food Processing Technology. Bởi vào năm 1988, lương thực thực phẩm đang vấn đề rất nóng hổi, thậm chí lúc đó nước ta vẫn còn vài chỗ thiếu ăn. Nên mặc dù định hướng ban đầu của FPT là về công nghệ nhưng cũng gắn với thực phẩm.
Chặng đường chuyển đổi số của FPT bắt đầu từ những năm 1989 – 1990, khi có những bước đầu tiên của chuyển đổi số (CĐS). Cũng theo ông Sơn, CĐS có 3 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất là số hóa – dùng các công cụ công nghệ để chuyển đổi thông tin từ dạng analog sang digital. FPT đã tích cực tham gia giai đoạn đó bằng bất cứ việc gì có thể làm được và rất thành công, để có được FPT như bây giờ.
“Bao gồm mua rẻ 600 chiếc máy tính của Đài Loan đổi 300 xe tải Đông Âu – 2 chiếc máy tính đổi lấy 1 chiếc xe tải. Sau đó nhập xe tải mang về phục vụ công nghiệp hoá Việt Nam, dùng số vốn này để tạo tiền đề cho công cuộc số hóa“, ông Phan Thanh Sơn hồi tưởng.
Trong giai đoạn đó, FPT thấy tiềm năng của của chuyển đổi rất lớn, nhưng FPT lại không có nền tảng gì hết. Theo đó, họ quyết định trong giai đoạn đầu tiên mình phải ‘đứng trên vai người khổng lồ’ – kết bạn ‘big player’. Ban đầu, FPT muốn hợp tác với IBM – nhưng vì lúc đó đang cấm vận nên thương vụ bất thành; thế là FPT đành phải chuyển sang đối tác dễ hơn là Olivetti từ Ý. FPT đã thành công đưa máy móc – tin học Olivetti vào Việt Nam.
Giai đoạn thứ hai là cấp độ tin học hóa – tổng hợp dữ liệu thành thông tin, xử lý thông tin và số hóa quy trình. Trong giai đoạn 2 của quá trình CĐS này, các ứng dụng cũng bắt đầu xuất hiện và bắt đầu hình thành các khái niệm về hệ thống như ERP, core – banking. Bắt kịp thời thế, FPT cũng bắt đầu triển khai những hệ thống này tại Việt Nam, là những sản phẩm của doanh nghiệp đến từ các nước tiên tiến.
“Sau một thời gian, FPT chợt hỏi bản thân: tại sao Việt Nam lại không tự làm app và xây dựng hệ thống cho việc chuyển đổi số? Người Thái Lan đã làm được tại sao mình không làm được? Vậy nên, FPT bắt đầu tự xây dựng các hệ thống cho các doanh nghiệp Việt Nam“, cựu Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho hay.
Rồi sau thời gian dài tham gia số hóa và tin học hóa, vào năm 2015 – cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) trỗi dậy. Ông Trương Gia Bình rất tích cực tham dự những hội thảo như thế, thậm chí còn thuyết phục các lãnh đạo Chính phủ đi tham dự các hội nghị – hội thảo về xu hướng này.
Rồi ông Bình bắt đầu về truyền bá cho nhân viên FPT. Sau khi tất cả mọi người đều thấm nhuần thì lại có câu hỏi: FPT nên làm gì với cách mạng công nghiệp 4.0. FPT khi đó nhận định đây là 1 cơ hội lớn, với nền tảng hơn 30 năm tham gia chuyển đổi số, họ có cơ hội và tiềm năng lớn để dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Trên nền tảng đó, Tập đoàn FPT liền đặt ra mục tiêu: dẫn đầu trong chuyển đổi số.
“Sau khi có mục tiêu, chúng tôi vẫn chưa có chiến lược – tức phải làm gì để đi đến cột mốc đó, thì anh Bình nghĩ ra 1 hướng rất hay: không tự làm được thì đi hỏi. Vậy là FPT đến anh Phương Trầm – Giám đốc chiến lược của DuPoint, tập đoàn nổi tiếng của Pháp, làm cố vấn CĐS cho FPT. Cố vấn cho FPT phải CĐS như thế nào.
Anh Phương Trầm đề nghị, cần phải chuyển đổi số cho FPT trước bởi 2 mục đích sau. Đầu tiên, chưa biết làm thì phải học, cách học và tập luyện tốt nhất chính là với bản thân mình; FPT lúc đó đang hoạt động trong 10 lĩnh vực khác nhau cùng 40.000 con người và 9.000 sinh viên theo học, 1 triệu m2 mặt sàn cơ sở vật chất.
Thứ hai, lợi ích nữa là nó biến FPT thành 1 công ty công nghệ thực thụ và chúng tôi có thể thực hiện tất cả những công đoạn trong chuyển đổi số: tư vấn, triển khai, thực hành chuyển đổi số cho nhiều ngành nghề khác nhau.
Song song đó, chúng tôi còn có thể tạo ra được những công nghệ – nền tảng – giải pháp để giới thiệu cho khách hàng của mình. FPT đã đóng gói các giải pháp sản phẩm và bán cho khách hàng“, ông Phan Thanh Sơn hồi tưởng.
Trong suốt sự kiện ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với tôm Minh Phú vào 24/12/2019, ông Trương Gia Bình đã lần đầu đề cập đến cái tên Phương Trầm.
Theo chia sẻ từ vị Chủ tịch này thì ông Phương Trầm đã về đầu quân cho FPT từ đầu năm 2019, sau 30 năm làm ở DuPoint, doanh nghiệp đa ngành với doanh thu 85 tỷ USD của Mỹ.
Ở tuổi 53, ông đã chính thức trở thành CIO toàn cầu phụ trách mảng công nghệ thông tin – quy trình của tập đoàn khổng lồ DuPoint, quản lý ngân sách 500 triệu USD với 1200 nhân viên dưới quyền. Đây cũng là một giai đoạn hoàng kim của DuPont, và ông Phương Trầm là một nhân tố tích cực góp phần vào điều đó. Ông gia nhập FPT với vị trí Tư vấn trưởng Chuyển đổi số.
Cũng theo ông Phan Thanh sơn, thì FPT mới chuyển đổi số cấp độ cao nhất từ khoảng 4 đến 5 năm, nhờ nhận thức từ lãnh đạo cao nhất.
“Sau khi anh Bình về tuyên truyền CMCN 4.0 cũng đã tạo ra nhiều tranh cãi khác nhau trong Tập đoàn. Anh Bùi Quan Ngọc, lúc đó đang là Tổng Giám đốc của Tập đoàn đã cho rằng ‘CĐS chẳng qua là tên khác của tin học hoá, vì sao lại tạo ra một tên gọi mới’. Đã có rất nhiều tranh cãi trong cao tầng FPT thời điểm đó“, Giám đốc phát triển kinh doanh của FPT IS kể.
Cũng trong buổi ký kết năm 2019 với tôm Minh Phú, ông Bình tiết lộ: doanh số cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT đạt gần nửa tỷ USD. Trong vòng 2 năm tới, họ phấn đấu đạt 1 tỷ USD.
Định hướng chiến lược của FPT trong giai đoạn 2019 – 2021 sẽ là chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện, hướng đến mục tiêu Top 50 Nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.
Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến mọi chuyện diễn ra không như kế hoạch của vị Chủ tịch này và FPT. Chắc chắn họ đã gặp nhiều khó khăn ở thị trường nước ngoài, nhưng bù lại lại gặp nhiều thuận lợi ở thị trường trong nước. 2 năm vừa qua, FPT đã tiếp cận được không chỉ các doanh nghiệp Nhà nước và các hiệp hội, mà còn có rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành – trước đây thường chỉ tìm đến big four lúc chuyển đổi số. Đặc biệt, sau khi hoàn thành được ‘thử thách 3 tháng’ – thành công chữa cháy cho HoSE, uy tín của họ càng cao.
Tất nhiên, không phải FPT đều có hợp đồng lớn chuyển đổi số toàn diện cho những cái tên ở dưới như tôm Minh Phú, nhưng việc chuyển đổi 1 phần nào đó trong hệ thống của các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam cũng đã là một khởi đầu tốt.
Theo Cafebiz.vn