Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

‘Ông trùm’ M&A Nhật Bản và tham vọng xây dựng đế chế bia nổi tiếng thế giới

Khi các đối thủ đang hướng đến các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, Asahi đẩy mạnh các thương vụ mua bán và sáp nhập trên thế giới.CEO Asahi, ông Akiyoshi Koji đứng sau nhiều thương vụ M&A trong vòng 4 năm qua với tổng giá trị lên đến 22 tỷ USD.

Ông trùm các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) của Nhật Bản trong năm 2019 chỉ quan tâm đến một mục tiêu duy nhất. Đó là bia và nhiều bia hơn nữa. Chỉ trong vòng 4 năm, công ty của ông đã bỏ ra hơn 20 tỷ USD để đạt được tham vọng vươn tầm thế giới của mình.

Trong bối cảnh nhu cầu về các mặt hàng rượu bia của người tiêu dùng trên toàn cầu đang có xu hướng giảm xuống, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp này được dự đoán sẽ ở mức rất thấp trong một vài năm tới và các nhà sản xuất bia cũng đang rục rịch chuyển hướng kinh doanh sang các mặt hàng mới, CEO của Asahi Group Holdings Ltd – ông Akiyoshi Koji vẫn tiếp tục chọn ngành bia là trọng tâm trong chiến lược phát triển mang ý nghĩa sống còn của tập đoàn trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang đi đúng con đường để trở thành đơn vị dẫn đầu trong phân khúc bia cao cấp tại tất cả những khu vực mà chúng tôi đang có hoạt động kinh doanh”, Koji trả lời trong một bài phỏng vấn.

“Thế giới chính là thị trường của chúng tôi. Ông còn có tham vọng phát triển nhãn hiệu bia Super Dry, sản phẩm lần đầu tiên giới thiệu đến người tiêu dùng trong những năm 80 của thế kỷ trước và đã giúp Asahi giành được ngôi vị công ty bia số một Nhật Bản, trở thành một nhãn hiệu toàn cầu.

Trong khi, nhiều đối thủ sừng sỏ của công ty đang nhắm đến những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Đông Nam Á, hoặc tập trung phát triển các dòng sản phẩm mới có nhiều tiềm năng kinh tế, thì Asahi lại chọn một hướng đi của riêng mình. Công ty tập trung đẩy mạnh các thương vụ mua bán và sáp nhập tại nhiều khu vực trên thế giới, gần đây nhất là các thương vụ diễn ra ở châu Âu và Australia.

Koji đứng sau nhiều thương vụ mua bán sáp nhập trong vòng 4 năm qua với tổng giá trị các thương vụ này lên đến hơn 20 tỷ USD, trong đó bao gồm thương vụ được coi là “tốn kém’ nhất trong ngành sản xuất bia tính tới thời điểm hiện tại.

Hồi tháng 7 vừa qua, Asahi đã bỏ ra khoản tiền trị giá 11 tỷ USD để mua lại công ty sản xuất bia Carlton & United Breweries có trụ sở tại Melbourne, Australia. Sau khi thương vụ này được hoàn tất, giá trị của Asahi đã tăng gấp 2 lần và công ty vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới chỉ trong vẻn vẹn chưa đầy 5 năm.

Những thương vụ mua bán sáp nhập trên đã nhận về nhiều hoài nghi từ phía các chuyên gia phân tích.

Chỉ tính trong 2 thương vụ công ty mua lại hoạt động kinh doanh của Anheuser-Busch InBev NV tại khu vực Trung và Đông Âu, và một số thương hiệu của doanh nghiệp trên tại thị trường Australia như Victoria Bitter trong năm nay, số tiền mà họ bỏ ra cao gấp 15 lần mức lợi nhuận trước lãi vay và thuế của các doanh nghiệp đó, theo các thống kê của Bloomberg. Trong khi con số trung bình của tất cả các thương vụ mua bán sáp nhập được công bố trên toàn cầu trong vòng 5 năm qua chỉ là gấp 10 lần.

Koji gia nhập Asahi 44 năm về trước với xuất phát điểm chỉ là một công nhân bình thường như bao công nhân khác, thường đề cập đến Heineken NV như là một hình mẫu mà Asahi luôn muốn chạm tới. Nhưng Heineken đã gia nhập thị trường thế giới từ nhiều thập kỷ trước đó, khi mà nhu cầu sử dụng bia ngoại nhập của người tiêu dùng tăng đột biến.

Giờ đây, những người tiêu dùng trẻ có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm bia nội địa với hàm lượng ca-lo thấp, hoặc các sản phẩm bia sau khi uống không mang lại cảm giác choáng váng, đau đầu. Đó cũng là lý do mà Euromonitor dự đoán doanh số ngành bia trên toàn cầu sẽ có mức tăng trưởng hàng năm chỉ khoảng 1,4% trong vòng 5 năm tới.

“Phần lớn những thị trường tiêu thụ bia lớn trên thế giới đều đã đạt đến ngưỡng bão hòa trong tốc độ tăng trưởng”, theo Spiros Maladrakis, trưởng bộ phận nghiên cứu phân khúc đồ uống có cồn thuộc Euromonitor. “Tôi cho rằng kỷ nguyên của những thương hiệu lớn toàn cầu, vốn đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài có thể đi đến hồi kết với sự trỗi dậy của phân khúc người tiêu dùng thuộc thế hệ Y (những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến 1996)”.

Koji cho biết phân khúc bia cao cấp có giá cao hơn vẫn còn dư địa để phát triển so với những phân khúc khác trong ngành. Sự hợp nhất là con đường duy nhất để có thể mở rộng ngành công nghiệp bia toàn cầu vốn đang dần “già cỗi” này. Ông cũng bổ sung rằng cái giá mà Asahi đã bỏ ra để mua lại Carlton & United “là không hề đắt” nếu tính đến tốc độ tăng trưởng dân số tại khu vực châu Đại Dương.

Asahi đẩy mạnh các thương vụ mua bán và sáp nhập trên thế giới. Ảnh: Reuters

Một lý do mà Asahi có thể mua được nhiều thương hiệu bia trên thế giới đó chính là khả năng ra quyết quyết định nhanh của CEO. Koji cũng đã tạo dựng một mối quan hệ tốt với Carlos Brito – CEO của AB InBev, người đang rao bán bán một phần tài sản của công ty để thanh toán các khoản nợ.

Koji đầu tiên đã hỏi mua lại hoạt động kinh doanh của InBev tại Australia, dưới tên một vài thương hiệu, trong một cuộc gặp mặt hồi đầu năm nay, nhưng Brito đã không hứa trước vào thời điểm đó. Khi đó, công ty sản xuất bia đến từ Bỉ này đang có ý định tiến hành IPO cho chi nhánh châu Á của mình.

Nhưng khi mà ý định đó bổ bể vào tháng 7 vừa qua, Koji đã ngay lập tức liện hệ với Brito. Vào chỉ sau khoảng 10 ngày với nhiều cuộc họp và điện đàm, họ cuối cùng cũng đi đến một thỏa thuận cuối cùng, gây nhiều sự ngạc nhiên cho thị trường cũng như các ngân hàng chủ nợ của AB InBev.

Là người đàn ông đứng sau những thương vụ mua bán đình đám, nhưng Koji vẫn tỏ ra là một người hết sức bình dị. Ông thường dùng món thịt lợn “shogayaki”, món ăn thường được tìm thấy trong các quán ăn bình dân với giá chưa đến 10 USD, trước các cuộc họp quan trọng. Tuy nhiên, những bước đi táo bạo của ông lại khiến giới doanh nhân Nhật Bản ngưỡng mộ.

“Bất kỳ ai thực hiện được những thương vụ mua bán, sáp nhập tầm cỡ như thế chắc chắn đã bước lên một tầm cao mới trong giới kinh doanh nhật bản”, theo Christina Ahmadjian, một giáo sư kinh tế tại trường đại học Hitotsubashi, người đồng thời cũng là một lãnh đạo độc lập trong hội đồng quản trị của Asahi.

Asahi đã phải đi vay khoản tiền lên đến 1.200 tỷ yên, cộng với việc phát hành thêm lượng cổ phiếu trị giá 200 triệu USD mới có đủ tiền mua lại các thương hiệu bia tại thị trường tại Australia. Công ty hiện đang phải gánh các khoản nợ phải trả lãi lên đến 1.000 tỷ yên và hy vọng rằng nguồn tiền mặt thu về từ các công ty mới được mua lại sẽ giúp công ty giảm bớt áp lực chi phí.

Công ty cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn tại thị trường nội địa, nơi đem lại cho công ty nguồn tiền mặt ổn định. Đối thủ Kirin Holding luôn nhăm nhe nhằm lật đổ vị trí thống trị của Asahi khi tung ra hàng loạt các sản phẩm mang nhiều tính sáng tạo mới đồng thời cung cấp thêm các sản phẩm bia thủ công. “Hoạt động kinh doanh tại thị trường nội địa của Asahi cần một cách nhìn nhận căn bản mới nếu muốn nó tạo ra những giá trị thực sự”, theo Euan McLeish, một chuyên gia phân tích tại Sanford C.Bernstein & Co.

Koji tranh luận rằng Asahi có thể phát triển mạnh mẽ trên “sân nhà” và vươn ra thế giới. Công ty sẽ tập trung gia tăng lợi nhuận hơn là mục tiêu gia tăng doanh số taị một thị trường mà dân số đang ngày một giảm đi, đồng nghĩa với việc ngày càng có ít người sử dụng bia hơn.

Ông luôn kiện định trước những hoài nghi dành cho mình. Và việc các nhà đầu tư đang dành nhiều hơn sự tin tưởng dành cho ông là một phần thưởng xứng đáng. Giá cổ phiếu của Asahi đã tăng 27% trong năm nay, trong khi tốc độ tăng trưởng của chỉ số TOPIX chỉ là 12%.

“Ông ấy là người rất nhẫn nhin và quyết tâm”, theo Satsuki Kawasaki, chuyên gia phân tích của UBS Securities. “Ông ấy đảm nhận vai trò CEO với nhiều lời đồn đoán rằng ông ấy sẽ sớm phải rời đi khi không thể đem lại kết quả gì cho công ty”.

Theo NDH