Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

“Nữ hoàng cá tra” lao đao

Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã và đang phả hơi nóng lên hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, khiến Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) lao đao.

Trong ngành thủy sản Việt Nam, không chỉ có “Vua cá tra” Dương Ngọc Minh- Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương (HVG), mà còn có một danh xưng khác là “Nữ hoàng cá tra” được mặc nhiên gắn với bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC.

Từ phong độ ổn định…

Nếu như Thủy sản Hùng Vương đang “mắc cạn”, còn Thủy sản Hùng Cá khá “im hơi lặng tiếng”, thì VHC được xem là doanh nghiệp có phong độ kinh doanh ổn định. Điều đó được chứng minh qua chiến lược phát triển thị trường ở Mỹ, EU, Trung Quốc và nhiều năm tăng trưởng của VHC. Trong giai đoạn 2016-2018, doanh thu của VHC đạt mức tăng trưởng khá đều (hơn 7.303 tỷ đồng năm 2016; hơn 8.151 tỷ đồng năm 2017; hơn 9.271 tỷ đồng năm 2018).

Trong khi đó, cũng trong giai đoạn nói trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Thủy sản Hùng Vương lại vô cùng bấp bênh, nếu không muốn nói là đi theo đồ thị “phú quý giật lùi” với hơn 18.000 tỷ doanh thu năm 2016, còn hơn 15.000 tỷ đồng năm 2017 và chỉ còn khoảng 8.000 tỷ đồng năm 2018.

Đáng chú ý, trong khi Thủy sản Hùng Vương liên tục gây hoang mang cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu HVG với các con số lỗ lũy kế lên tới gần 900 tỷ đồng dù nỗ lực vẫy vùng tái cấu trúc, thì VHC có vẻ kinh doanh ổn định với chỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất thấp, tồn kho thấp, đầu tư chuỗi khá đầy đủ và giữ được thị trường.

… đến tín hiệu suy thoái

Nhưng đó là chuyện của năm 2018 trở về trước. Đến 2019, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đã và đang không ngừng bộc lộ những khó khăn mới, khiến những doanh nghiệp được điều hành bởi những cái đầu lạnh, ít phiêu lưu nhất – như VHC cũng khó tránh tác động tiêu cực.

Trong một thống kê công bố tháng 7/2019, TS. Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright, cho biết, danh mục mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thay thế Trung Quốc vào Mỹ có giá trị được tính khoảng 13 tỷ USD, trong đó nông thủy sản chiếm khoảng 22,1%.

Tuy nhiên, tính toán trên chưa bao gồm yếu tố dự trữ và thị trường Mỹ suy giảm nhập khẩu, dù rằng thủy sản vẫn nằm trong danh mục thay thế cho hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Tại VHC, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp đã sụt liên tiếp trong quý III/2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu tháng 7 đạt 28 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái; Giá trị xuất khẩu tháng 8 giảm xuống còn 27 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trong quý 3, doanh thu của VHC chỉ đạt 1.882 tỷ đồng, giảm 25,5% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 253 tỷ đồng, giảm tới 58,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, VHC ghi nhận doanh thu thuần 5.696 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận sau thuế 981 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

VHC lý giải rằng, thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ đang chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu của VHC, đã và đang suy giảm nhu cầu là do các nhà nhập khẩu đã có sự dự trữ sẵn trước thương chiến Mỹ- Trung. Giả định quy mô dự trữ này dài lâu hơn dự đoán, và Mỹ- Trung ký kết thỏa thuận giai đoạn 1, thì giá cá tra có thể không phục hồi nhanh như mong đợi. Theo đó, ngôi nữ vương cá tra xuất khẩu của VHC chắc chắn sẽ bị “lung lay”. Điều đó một lần nữa cũng nói lên rằng, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dễ bị tác động bởi thị trường quốc tế, nếu không có kịch bản dự báo đúng, sẽ luôn hứng chịu rủi ro.

Theo Enternews.vn