Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Nhìn lại thập niên 2010: Công việc của các CEO trên thế giới thay đổi hoàn toàn, không chỉ là người ‘chèo lái’ công ty mà còn phải quan tâm đến mọi vấn đề của nhân viên và xã hội

Sự nghiệp thăng hoa cũng mang đến những thách thức mới cho các CEO. Ví dụ, xu hướng toàn cầu hoá trở nên phức tạp hơn do “làn sóng” chủ nghĩa dân tộc, các chính sách nhập cư cũng được thắt chặt hơn. Trong khi đó, các CEO ngày càng được kỳ vọng rằng sẽ giữ vững lập trường về các vấn đề như quyền dân sự và biến đổi khí hậu.

Các giám đốc điều hành của một loạt công ty lớn trên thế giới đã bước vào một thập kỷ với nhiều khó khăn và tương lai cũng không có nhiều sự khả quan. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đẩy toàn bộ các ngành công nghiệp đến vực thẳm và các CEO đã trải qua sự hồi phục kinh tế ở những năm đầu tiên của thập kỷ với việc bảo toàn vốn, những kế hoạch tuyển dụng diễn ra chậm chạp và theo dõi sát sao diễn biến của thị trường toàn cầu.

Công việc của các CEO đã thay đổi khá nhiều kể từ thời điểm đó.

Theo phân tích gần đây nhất về các công ty thuộc S&P 500, doanh thu, lợi nhuận và định giá công ty đã tăng đều đặn trong 10 năm qua. Trong khi đó, trung bình, các CEO có nhiệm kỳ dài hơn và đang chứng kiến lương thưởng tăng lên hàng năm, theo công ty Equilar và Conference Board.

Sự nghiệp thăng hoa cũng mang đến những “nỗi đau đầu” mới. Ví dụ, xu hướng toàn cầu hoá đã trở nên phức tạp hơn do “làn sóng” chủ nghĩa dân tộc và xu hướng này đã phần nào châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại, các chính sách nhập cư cũng được thắt chặt hơn. Trong khi đó, các CEO ngày càng được kỳ vọng rằng sẽ giữ vững lập trường về các vấn đề như quyền dân sự và biến đổi khí hậu. Theo phân tích của PricewaterhouseCoopers, AI, big data và an ninh mạng từ việc là những xu hướng được ứng dụng nhiều nhất đã trở thành những thách thức về mặt pháp lý mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong thời kỳ này phải đối mặt.

Dennis Muilenburg – cựu CEO của Boeing.

Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự trỗi dậy của những “gã khổng lồ” như Amazon – có quy mô và tiềm lực cực kỳ lớn, có thể “thổi bay” nhiều công ty và buộc nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược. Khi các start-up ở Thung lũng Silicon theo sau sự phát triển của Amazon, thì rất nhiều doanh nghiệp từ ngành giải trí, vận tải cho tới các nhà bán lẻ lớn đều phải thực hiện những thương vụ sáp nhập lớn hoặc tích cực theo đuổi nhiều chiến thuật khác.

Các phương tiện truyền thông cũng là yếu tố gây áp lực lớn cho các CEO trong việc đưa ra bước đi đúng đắn trong những vấn đề mang tính chiến lược. Không chỉ vậy, những quyết định đưa ra hàng ngày của họ cũng bị ảnh hưởng. 

Điển hình là 2 vụ rơi máy bay thảm khốc xảy ra trong chưa đầy 1 năm của Boeing đã cho thấy tốc độ và quá trình xử lý khủng khoảng có thể tạo tác động lớn đến cho một nhà lãnh đạo như thế nào. CEO của Boeing Dennis Muilenburg mới đây đã bị sa thải sau hơn 30 năm gắn bó. Hơn nữa, việc xử lý không hiệu quả các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của Facebook đã khiến CEO Mark Zuckerberg từ một doanh nhân đáng ngưỡng mộ trở thành một CEO luôn là tâm điểm chỉ trích của các nhà lập pháp và giới phân tích.

Các CEO đóng vai trò lớn trong các vấn đề xã hội

Indra Nooyi, nhà lãnh đạo lâu năm của Pepsi, cho biết các CEO hiện đang có một “vị thế chính trị nổi bật” hơn bao giờ hết. Theo bà, khi các nhà lãnh đạo chính trị ngày càng bị coi là có xu hướng thiên vị đảng phái và sẵn sàng đưa ra lập trường gây chia rẽ, thì các cổ đông, nhân viên, khách hàng, nhà cung ứng kỳ vọng rằng các giám đốc điều hành sẽ tận dụng vị thế của họ để giúp kết nối mọi người sau nhiều vấn đề xã hội xảy ra.

Năm 2019, khảo sát hàng năm của Edelman Trust Barometer cho thấy niềm tin của cộng đồng đối với các doanh nghiệp đã hồi phục mạnh mẽ kể từ đầu thập kỷ này, những người tham gia trả lời rằng các doanh nghiệp đáng tin cậy hơn chính phủ, truyền thông và tổ chức phi chính phủ (NGO). Tuy nhiên, 3/4 trong số đó cho biết các CEO cần thể hiện quyền lãnh đạo bằng cách ủng hộ việc trả lương công bằng, phản đối việc phân biệt đối xử, quan tâm đến vấn đề môi trường và xử lý nghiêm những trường hợp quấy rối tình dục. Còn ở năm 2010, người tham gia phỏng vấn lại mong đợi những động thái trên được được đưa ra bởi các quan chức, chuyên gia, nhà phân tích, nhà quản lý và những nhà điều hành của NGO.

Bên trong một cửa hàng Dick’s Sporting Goods.

Dick’s Sporting Goods là một case study về vị thế chính trị nổi bật có thể được tận dụng như thế nào. Ed Stack – CEO và là con trai của nhà sáng lập công ty, vào năm 2018 đã ngừng bán toàn bộ loại súng trường dạng tấn công sau vụ xả súng đẫm máu tại các trường học. Theo đó, công ty này mất khoảng 250 triệu USD tổng doanh thu. Những nhà bán lẻ khác, gồm Walmart, cũng có quyết định tương tự. Dick’s cho biết họ đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

CEO còn phải quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên

Trong bối cảnh hoạt động tuyển dụng khó khăn hơn ở những năm gần đây, các CEO nhận ra rằng họ cần phải đưa ra nhiều chiến lược hơn để thu hút và thưởng cho nhân viên, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Sau nhiều cuộc khảo sát, các nhân viên – đặc biệt là những người trẻ có kỹ năng tốt, cho biết họ cần có cảm giác tự hào về nơi làm việc và thấy nhiều cơ hội phát triển hơn.

Mat Ishibia, CEO của United Shore Mortgage, chia sẻ: “Xu hướng của các CEO cũ là sẽ nói rằng :Tôi sẽ tăng lương cho họ.” Lối suy nghĩ lạc hậu này dựa trên quan điểm rằng “một công việc chỉ là thứ bạn làm để kiếm đủ tiền nuôi gia đình.” Sau nhiều năm làm việc, Ishibia nhận ra rằng các nhân viên của ông muốn có một cuộc sống cân bằng với công việc. Do đó, United Shore chỉ cho nhân viên làm việc trong tuần, xây dựng nhiều dịch vụ – như cửa hàng tạp hoá hay phòng khám, bên trong trụ sở đế giảm thiểu những công việc mà họ phải làm trước khi về đến nhà.

Nhắm đến mục tiêu dài hạn…

Câu hỏi được thảo luận nhiều nhất trong các công ty Mỹ là liệu một công ty niêm yết có tồn tại để làm giàu cho các cổ đông hay phục vụ cho một nhóm khác đông người hơn, bao gồm cả nhân viên và khách hàng. Mùa hè vừa rồi, 180 CEO trong Business Roundtable cho biết họ chọn phương án sau, trong khi ký một cam kết rằng các công ty của họ phục vụ lợi ích của tất cả cổ đông.

Bản ký kết trên là điều thể hiện cho một động thái lớn hơn ngoài quan điểm ngắn hạn, được thấy rõ nhất trong báo cáo kinh doanh hàng quý – nhằm gây ấn tượng với Phố Wall. Quản lý thu nhập (gồm mua cổ phiếu quỹ hoặc cắt giảm chi phí để phù hợp với ước tính lợi nhuận) thường có lợi cho giá cổ phiếu nhưng về lợi ích dài hạn thì không.

Nooyi cho biết hầu hết các CEO không còn tin rằng các công ty đều hướng đến kết quả ngắn hạn, chủ nghĩa tư bản đang bị một nhóm cổ đông nhỏ phản đối và điều này đang đi ngược lại.

…nhưng hành động lại nhằm mục đích ngắn hạn

Dù các CEO đã thay đổi nhiều điều, nhưng có một thứ vẫn không hề biến chuyển trong 1 thập kỷ: sự cần thiết phải nhanh nhạy hơn trong một thời đại đầy bất ổn và rủi ro. Dù đó là chính sách của chính quyền ông Trump, mối đe doạ từ quy định mới hay bất ổn địa chính trị, thì việc đối diện với những rủi ro khó lường trước vẫn chưa bao giờ là dễ dàng. Do đó, các CEO phải luôn sẵn sàng để nhanh chóng ứng phó.

Ví dụ, Eva Karlsson – CEO của Houdini Sportwears, mới chỉ bắt đầu phát triển Houdini sang thị trường Mỹ, hiện đang hợp tác với nhà bán lẻ REI và doanh thu đang tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, Houdini lại bỏ qua việc vạch ra một kế hoạch dài hạn chi tiết. Karlsson cho hay: “Sự thay đổi nhanh chóng như vậy diễn ra ở khắp mọi nơi. Vài năm trước, bạn thực sự có thể lên một kế hoạch 5 năm và bám sát. Nhưng hiện tại bạn chỉ có thể đưa ra một hướng đi với mục tiêu rõ ràng.”

Theo CafeBiz