Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Doanh nghiệp xử lý thế nào khi bị khởi kiện về bản quyền tác giả?

Doanh nghiệp sản xuất phim bị một nhà thơ khởi kiện và đòi bồi thường lên tới 4 tỷ đồng, vì đã vi phạm quyền tác giả khi phổ lời bài thơ của ông thành tác phẩm âm nhạc sử dụng trong phim. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thực hiện việc đó mà mua lại bản quyền tác phẩm âm nhạc của một đơn vị khác. Vậy trong trường hợp này, doanh nghiệp phải xử lý thế nào?

Doanh nghiệp A (bên A) thuê doanh nghiệp B (bên B) sản xuất nhạc phim. Theo đó, bên A khoán cho bên B tổ chức sản xuất nhạc cho bộ phim mà bên A sản xuất và phát hành. 

Tuy nhiên, khi phim đã phát hành, bộ phim thành công, thì bên A bị một cá nhân là nhà thơ khởi kiện vì đã tự ý phổ lời bài thơ của ông thành tác phẩm âm nhạc sử dụng trong phim này. Nhà thơ này đòi bồi thường tiền tác quyền lên tới 5% giá trị doanh thu của bộ phim, tương đương với khoảng 4 tỷ đồng. 

Trong khi đó, bên A cho rằng, bên A không có lỗi vì bên A đã thuê bên B thực hiện việc này. Việc vi phạm bản quyền do bên B gây ra, nên bên B mới là đối tượng mà nhà thơ phải khởi kiện. 

Trong trường hợp này, bên A nên xử lý thế nào để thiệt hại ít nhất đồng thời đảm bảo được uy tín thương hiệu của doanh nghiệp đã gây dựng?

Luật sư tại Hệ thống Luật Thịnh Trí giải đáp về trường hợp cụ thể này như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Việc bên A bị nhà thơ khởi kiện vì đã tự ý phổ lời bài thơ của ông thành tác phẩm âm nhạc sử dụng trong phim quảng cáo này là có cơ sở nếu nhà thơ chứng minh được bài thơ này đã được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. 

Theo quy định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015 về quyền khởi kiện vụ án thì “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, khi nhà thơ phát hiện lời bài thơ của mình trong phim do bên A đang phát hành thì nhà thơ có quyền khởi kiện bên A tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhà thơ không cần biết cũng như quan tâm đến việc bên A khoán cho bên B đặt và chọn nhạc phim… 

Tuy nhiên, trong trường hợp này, bên A đã khoán trọn cho bên B tất cả công việc đặt và tổ chức sản xuất nhạc phim… đúng theo quy định của lĩnh vực điện ảnh, pháp luật. Bên A không biết việc bên B có hành vi vi phạm quyền tác giả đối với bài thơ được phổ nhạc. Điều đó có nghĩa, bên B phải có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình khi cung cấp sản phẩm cho bên A. 

Vậy, để chứng minh bên A không có lỗi, và đảm bảo được uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, cần:

Cung cấp cho tòa án đang giải quyết tất cả tài liệu liên quan đến việc bên A khoán trọn gói cho bên B để sử dụng nhạc và sản xuất phim điện ảnh. Ngoài ra, bên A cần cung cấp giấy tờ pháp lý để chứng minh tại thời điểm ký hợp đồng, bên B có đầy đủ tư cách pháp nhân để thực hiện công việc trên.

Bên A không có trách nhiệm phải biết việc bên B vi phạm tác quyền. Nhưng bên A cần làm rõ các nội dung thỏa thuận có hay không trách nhiệm kiểm duyệt pháp lý lại của bên A sau khi bên B hoàn thành công việc giao khoán, giấy tờ pháp lý, hợp đồng liên quan của bộ phim; trách nhiệm pháp lý của bên B như: bên B chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm đối với bên thứ ba nếu để xảy ra bất kỳ tranh chấp nào liên quan với bên thứ ba liên quan…

Sau khi cung cấp được các tài liệu trên, tòa án có cơ sở để triệu tập bên B – là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện.

Trường hợp bên A có đầy đủ chứng cứ chứng minh được lỗi thuộc về bên B trong việc đã không kiểm duyệt kỹ, không làm tròn nghĩa vụ khi thực hiện hợp đồng giao khoán với bên A, thì bên B có trách nhiệm về lỗi của mình đối với nhà thơ theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. 

Theo DNSG