Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Nhiều học giả “phòng giấy” dự báo chủ quan về cơ hội của Việt Nam khi xảy ra thương chiến Mỹ – Trung, kết quả được chứng minh ngược lại

Phát biểu tại Đại hội của Hội đồng doanh nghiệp và đầu tư tại TP.HCM diễn ra vào ngày 31-8 tại TP.HCM, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kêu gọi các doanh nghiệp không được chủ quan trước tác động của thương chiến Mỹ – Trung và tình hình sắp tới sẽ có nhiều thách thức.

“Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”

Ông Vũ Tiến Lộc nói rằng: “Nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn bất trắc. Chúng ta có nhiều cơ hội nhưng thách thức vô cùng lớn. Cơ hội thì chưa chắc khai thác được nhưng thách thức sẽ ập đến ngay”.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, ông Lộc đánh giá có rất nhiều học giả “phòng giấy” dự báo quá lạc quan về cơ hội của Việt Nam, thậm chí có cả những con số cụ thể về tăng trưởng, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư… Tuy nhiên, sau một năm, kết quả thực tế đã chứng minh ngược lại.

Theo phân tích của VCCI, trong 6 tháng đầu năm 2019, các tiêu chí được dự báo chủ quan đều có dấu hiệu chững lại hoặc suy giảm. Ví dụ như xuất khẩu chỉ có tốc độ tăng trưởng khoảng 6%, thấp bằng một nửa so với năm 2018.

Chủ tịch VCCI khẳng định tác động “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” là tất yếu. Tình hình khó khăn không chỉ ở riêng Việt Nam mà gần như lan sang toàn bộ các nước ASEAN. Kinh tế thế giới cũng suy giảm, các dự báo tăng trưởng mờ nhạt.

TS Vũ Tiến Lộc lý giải: “Một nền kinh tế mở dựa vào thị trường thế giới, dựa vào động lực của xuất khẩu và đầu tư nước ngoài thì khi kinh tế toàn cầu suy giảm, việc ảnh hưởng là tất yếu”.

Ngoài ra, Việt Nam cũng phải cân nhắc tình huống bị Hoa Kỳ đưa vào diện cảnh báo thương mại, nghĩa là Việt Nam muốn xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ thì phải tăng cường nhập khẩu hàng Mỹ để cán cân thương mại cân bằng.

Hiện tại, bức tranh thị trường xuất khẩu và đầu tư nước ngoài “không có nhiều tín hiệu lạc quan như chúng ta nghĩ”. Nhà đầu tư nước ngoài e ngại đầu tư vào Việt Nam vào thời điểm 6 tháng đầu năm do lo sợ kịch bản trừng phạt thương mại tương tự của Mỹ đã diễn ra với Trung Quốc.

Doanh nghiệp mạnh nhất là doanh nghiệp kết nối

Theo TS Vũ Tiến Lộc, xu hướng chính của nền kinh tế Việt Nam vẫn là gia công, sản xuất dưới thương hiệu và phụ thuộc vào mạng lưới phân phối của nước ngoài. Gia công cũng có vai trò quan trọng nhưng muốn có giá trị gia tăng thì phải hướng đến làm thương hiệu. Muốn làm thương hiệu phải đầu tư cho R&D và mạng lưới phân phối.

“Sức cạnh tranh lớn nhất nằm ở mạng lưới chứ không phải tài sản, thậm chí không phải là công nghệ. Doanh nghiệp mạnh nhất là doanh nghiệp kết nối. Có những hãng công nghệ thành công hàng đầu chỉ nhờ nắm được mạng lưới kết nối”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng Việt Nam còn giải pháp tận dụng các FTA (hiệp định thương mại tự do) nhằm đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu.

Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta chỉ tận dụng cao nhất 40% ưu đãi thuế quan, trong khi đó, trên 70% FDI “người ta hưởng chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam hưởng”.

Phương Danh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế