Tìm cách biến trí tuệ nhân tạo thành vũ khí sắc bén cho phát triển hay quay lưng hoàn toàn với nó đang trở thành bài toán khó với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Thời “chuyên gia nửa vời” mất việc
Dẫn số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch hội đồng trường Trường đại học FPT cho biết, trong 5 năm tới sẽ có khoảng 2,7 triệu công nhân Việt Nam ở các nhà máy may, da giày có khả năng mất việc bởi người máy và trí tuệ nhân tạo (AI).
Thậm chí, hàng triệu người có học, tự tin rằng mình không thể bị thay thế cũng dễ bị thất nghiệp.
“Đây là thời đại những chuyên gia nửa vời mất việc”, ông Tiến khẳng định trong phiên thảo luận tại Đại hội Sales & Marketing toàn quốc và CSMOSummit 2023 do CSMO Việt Nam tổ chức.
Theo ông Tiến, trong thời gian tới, “tầng lớp vô dụng” (thuật ngữ chỉ những người có khả năng mất việc do công nghệ) sẽ không chỉ giới hạn ở những người lao động chân tay mà còn có cả những người có chuyên môn cao như giáo sư, giảng viên, giáo viên và cả chủ doanh nghiệp…
Cụ thể, theo khảo sát, trong tương lai, các doanh nghiệp có thể loại bỏ 1/4 số lập trình viên, 1/3 số nhân viên văn phòng nhưng không ảnh hưởng gì đến chất lượng và khối lượng công việc.
Điều tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng.
“Hàng chục ngàn nữ nhân viên xinh đẹp, được học hành tử tế, có quan hệ rất tốt đang ngồi ở quầy giao dịch ngân hàng sẽ mất việc. Hàng chục ngàn bạn trẻ đang làm tín dụng nhỏ và vừa cũng vậy”, ông Tiến ví dụ.
Đặc biệt, nghề marketing đang trở thành một nghề dễ bị thay thế bởi AI có khả năng tạo ra rất nhiều nội dung từ bài viết, hình ảnh, âm thanh, video… phục vụ hoạt động truyền thông và tiếp thị. Cũng theo nghiên cứu nêu trên, kể cả 2/3 số nhân viên marketing bị loại bỏ cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc của doanh nghiệp.
Tương tự, các giảng viên cũng dễ mất việc bởi AI. Ông Tiến cho biết, tại đại học FPT, sinh viên đang học trên ứng dụng có sự hỗ trợ rất lớn bởi AI, tiếp cận với những bài giảng của các giảng viên thuộc các trường lớn trên thế giới.
Điều này cũng tạo ra áp lực lớn cho chính giảng viên trong trường. So với những bài giảng có sự hỗ trợ của AI, nội dung bài giảng của họ không phong phú bằng, triết lý không sâu sắc bằng và những bài kiểm tra có chất lượng không cao bằng.
Do đó, theo ông Tiến, trong thời đại AI, việc học hỏi không phải chỉ là điều cần thiết đổi với học sinh, sinh viên, mà còn vô cùng thiết yếu đối với các giáo viên, giảng viên, chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Lấy hình tượng self-made man – chàng trai luôn tự gọt rũa chính mình của Trường đại học FPT, ông Tiến cho rằng con người ngày nay càng phải không ngừng học hỏi để ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn.
Các chuyên gia tại CSMOSummit cho rằng, những người chịu trách nhiệm cho cả tập thể, lãnh đạo doanh nghiệp cần không ngừng học hỏi nhất là trong thời đại hiện nay.
Công nghệ đang phát triển như vũ bão đặc biệt là AI đang thay đổi hàng giờ, do vậy lãnh đạo cần phải hiểu biết về công nghệ. Nếu không cập nhật, không học hỏi, họ không những không thể phát triển thêm mà còn bị tụt lại phía xa.
Tuy nhiên, không giống như cách học tập truyền thống một chiều, để tồn tại và phát triển trong thời đại hiện nay, người lãnh đạo cần phải chuyển sang lối học tập năm chiều: học từ chuyên gia, bạn bè, người trẻ, tự học và học từ trí tuệ nhân tạo.
Thêm vào đó, trong xã hội ngày càng cá nhân hóa, chủ doanh nghiệp cần phải càng hiểu biết sâu sắc về con người.
“Thay vì luôn luôn nói con người là vốn quý nhất của doanh nghiệp thì hôm nay chúng ta hãy nói và làm điều đó thật sự sâu sắc. Mỗi một lãnh đạo doanh nghiệp trong kỷ nguyên này phải có khả năng và tư duy khai vấn để thực sự hiểu tâm tư, nhu cầu và tiềm năng phát triển của nhân viên”, ông Tiến nhận định.
Ngoài ra, theo ông Tiến, người lãnh đạo cần phải có tư duy hợp nhất giữa con người và công nghệ, khả năng nhìn xa trông rộng, dự đoán; khả năng tư duy linh hoạt, thực hành trí tuệ cảm xúc, để có thể tận dụng được tối đa nguồn lực xung quanh và không ngừng phát triển.
Đồng quan điểm với ông Tiến, ông Lê Trí Thông, CEO của PNJ cho rằng, mặc dù đã làm nên nhiều câu chuyện đáng tự hào trong quá khứ, đội ngũ lãnh đạo PNJ vẫn tiếp tục không ngừng học hỏi.
Đặc biệt, lãnh đạo PNJ sẵn sàng bỏ đi các kỹ năng và kiến thức không phù hợp hoặc đã lỗi thời và học lại những kiến thức mới để tiếp tục phát triển, vì mục tiêu trường tồn.
Trong hành trình đó, PNJ đang xem xét kỹ lưỡng việc áp dụng AI vào phát triển kinh doanh, giúp mang lại trải nghiệm sản phẩm siêu cá nhân hóa cho khách hàng, thay vì chỉ dựa vào chuyên môn của những người thợ kim hoàn như trước đây.
Sợ hãi hay nương theo dòng nước lũ
Một câu hỏi được đặt ra với giới lãnh đạo kinh doanh, những người làm nghề tiếp thị vàn bán hàng tại CSMOSummit là: Trước sự phát triển nhanh và lớn mạnh của AI, con người nên ứng xử như thế nào?
Nhiều trường đại học đã cấm sử dụng AI và yêu cầu sinh viên phải tự làm mọi việc nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đanh khuyến khích nhân viên ứng dụng AI tối đa trong công việc.
Theo Phó chủ tịch hội đồng Trường đại học FPT, hai cách hành xử trái ngược đó cũng tương tự như cách chúng ta đối diện với nước lũ – một loại nguy cơ.
Ở miền Bắc Việt Nam, để ứng phó với bão lũ, người dân thường đắp đê và họ rất tự hào về hệ thống đê của mình khi ngăn được lũ phá nát mùa màng, nhà cửa trong suốt nhiều trăm năm qua.
Trong khi đó, ở miền Nam, khi mùa lũ về, người dân lại dùng cách sống chung với nó. Lũ về càng lớn sẽ mang theo càng nhiều phù sa, tôm cá.
Mỗi năm, Cà Mau tiến ra biển 50-70m nhờ phù sa, đồng ruộng của miền Nam đã được làm mới hoàn toàn. So với những cánh đồng bạc màu ở phía Bắc, miền Nam sẽ nhận được hàng loạt tôm cá lấp đầy trong hồ khi mùa nước rút.
Tương tự, để thu được nhiều tôm cá, theo ông Tiến, thay vì sợ hãi, chúng ta cần sống chung với AI. “Giống như người dân miền Nam, lũ về có thêm tôm cá, phù sa, chúng ta cần càng nhiều AI càng tốt, để không những tồn tại mà còn phát triển”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, ông Đào Trung Thành, chuyên gia viễn thông và CNTT cho rằng, theo khảo sát của GDP đối với 2.000 giám đốc, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về AI tạo sinh và chưa nghĩ rằng công nghệ này có thể mang lại giá trị cho họ.
Khi các doanh nghiệp chưa hiểu, khả năng ứng dụng AI vào hoạt động của họ là rất thấp.
Không chỉ vậy, áp dụng AI tạo sinh của các doanh nghiệp cũng đang đứng trước nhiều rào cản. Trong đó, việc thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng vận hành AI tạo sinh ở mức độ doanh nghiệp là một cản trở lớn.
Theo ông Thành, để sử dụng AI ở mức độ cá nhân thì rất dễ, nhưng triển khai ở mức độ doanh nghiệp rất phức tạp vì nó gắn liền với cơ cấu doanh nghiệp và hoạt động tích hợp với những nền tảng, đào tạo, tổ chức, an ninh bảo mật…
Đây là những vấn đề lớn của các doanh nghiệp và rất thiếu người có năng lực để triển khai.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Pencil Group, việc áp dụng AI vào hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi sự dũng cảm và đầu tư rất lớn cả về tiền bạc lẫn thời gian.
Là một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ tiếp thị đã áp dụng AI tạo sinh vào thực tế hoạt động, ông Huy cho rằng việc áp dụng AI thường bắt đầu từ việc thử nghiệm.
Tuy vậy, trong thời kỳ đầu, nhiều doanh nghiệp rất loay hoay trong việc tìm cách phù hợp để áp dụng AI và tạo ra những sản phẩm chưa khiến họ hài lòng, từ đó bỏ dở quá trình thử nghiệm.
Trên thực tế, để có thể áp dụng AI thành công trong một số công đoạn, các doanh nghiệp điển hình như Pencil Group đã phải dành nhiều tháng để mày mò, tìm ra đúng cách thức triển khai. Sau khi khai thông được, doanh nghiệp mới có thể áp dụng phương pháp đó một cách nhuần nhuyễn.
Tuy nhiên, theo ông Huy, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng dành thời gian, công sức để đầu tư và đánh đổi cho việc này.
Theo Theleader.vn