Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Người Việt Nam đặc biệt ở LHQ, hành trình qua 40 nước và một niềm tự hào mang tên Việt Nam

“Nếu các ông muốn hiểu tình hình kháng chiến của du kích ở đây, các ông đừng đọc Mao Trạch Đông, đừng đọc Che Guevara mà hãy đọc Võ Nguyên Giáp”, vị tướng tình báo El Salvador nói…

Năm 1982, nằm trong chiến lược “ngoại giao kinh tế”, đưa những chuyên gia trẻ trở thành cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, ông Nguyễn Hữu Động được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch giới thiệu vào làm việc ở Liên Hợp Quốc (LHQ). Thời điểm đó, mặc dù đã có một số người Việt Nam làm việc tại LHQ nhưng ông Nguyễn Hữu Động là người đầu tiên được Nhà nước giới thiệu.

Sau đó, ông Nguyễn Hữu Động được phân công tập trung làm về công tác tổ chức, quan sát các cuộc bầu cử của LHQ. Tháng 9/2018, Tổ chức Quốc tế các Hệ thống Bầu cử (International Foundation for Electoral Systems – IFES) đã trao giải thưởng Joe. C. Baxter 2018 cho ông Nguyễn Hữu Động vì những đóng góp của ông cho bầu cử, dân chủ, nhân quyền và hòa bình.

Công việc ở LHQ đã đưa ông Nguyễn Hữu Động đi qua khoảng 40 quốc gia. Nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay thì, ông Động là một “công dân toàn cầu” ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước. Gọi ông là công dân toàn cầu cũng không sai bởi làm việc cho LHQ, công chức chỉ được cấp một giấy thông hành không ghi quốc tịch. Nhưng trong cuộc trò chuyện, Việt Nam luôn là bản sắc định danh con người ông, hay như ông tự nhận, hình ảnh của ông là hình ảnh một “anh Việt Nam”.

Trước khi vào LHQ, tôi đi học ở Thụy Sĩ, sau đó sang Pháp, đi học, làm Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Pháp, rồi lại tiếp tục dạy học ở Pháp. Thời gian tôi ở Pháp còn nhiều hơn thời gian ở Đà Lạt. Nhưng có điều bây giờ nói ra nhiều khi cũng thấy mình hơi buồn cười. Thời tôi ở Pháp, tầm những năm 1960, cũng là lúc nhóm The Beatles nổi lên. Nhưng tôi thú thực là tôi không nghe nhạc The Beatles.

Hồi đó, sống ở Pháp, nhưng tôi chủ yếu nghe nhạc Việt Nam, nghe nhạc của các ông giải phóng, kháng chiến và tập trung đầu óc, suy nghĩ, tâm tư làm việc ở phòng Thông tin trong Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam, sau này trở thành Hội người Việt Nam ở Pháp. Hàng tuần, tôi đi làm trợ giáo đại học, mấy ngày còn lại lên cơ quan làm nghĩa vụ công dân của một người con xa Tổ quốc.

Phòng Thông tin thời điểm đó là một hình thức hỗ trợ cuộc thương lượng với Mỹ và với chính quyền Sài Gòn sau đó. Công việc của tôi là viết tin, góp phần phân tích chính sách của Mỹ thông qua báo chí Mỹ, báo chí Pháp.

Công việc ở phòng Thông tin cũng đánh dấu bước đi sau này của tôi. Khi vào làm ở phòng Thông tin, tôi cũng chẳng có tham vọng gì hơn là làm nhiệm vụ người công dân trong thời gian đất nước khó khăn, hoàn toàn không có ý gì khác là theo các anh các chị để phục vụ cái lý tưởng cao hơn mình, lý tưởng góp phần giải phóng dân tộc.

Ở tuổi 25-30, cái bao trùm lớn nhất là làm sao để phục vụ đất nước. Thời điểm đó, lòng ham muốn tối đa là lòng ham muốn độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong bài phát biểu khi nhận giải do IFES trao ở Washington, tôi có viết: “Anh có ham mê gì thì ham mê, nhưng không còn cái ham mê gì khác cao hơn ham mê độc lập, tự chủ cho đất nước”. Khi nhận được giải thưởng ở Washington, tôi cám ơn chính phủ Việt Nam đã cho tôi bài học là trong cuộc sống có những quyền lợi, lý tưởng vượt qua rất nhiều lần tham vọng cá nhân.

 Người Việt Nam đặc biệt ở LHQ, hành trình qua 40 nước và một niềm tự hào mang tên Việt Nam - Ảnh 4.

Trong thời gian sinh hoạt với Hội, tôi là có vinh dự làm việc trong phòng thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó trở thành phòng Thông tin của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Pháp.

Sau giải phóng, tôi vẫn công tác với phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, nhưng không còn ở bản tin nữa, mà ở bộ phận nghiên cứu kinh tế của cơ quan. Sau khi đất nước thống nhất, tôi được điều về Phòng Kinh tế của Đại sứ quán ta. Đó cũng là thời điểm tôi gặp ông Thạch (Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch).

Biết tôi làm kinh tế, ông Thạch cũng tin rồi giao tôi phân tích các thông tin tình hình kinh tế. Trong những năm từ 1977 – 1982, ông Thạch thường hay gửi tôi đi với đoàn Việt Nam dự hội nghị quốc tế, chủ yếu là về vấn đề kinh tế. Năm 1980, tôi tham gia cuộc họp ở LHQ về phát triển kinh tế thập kỷ thứ 2. Sau đó đi Vienne, dự hội nghị cùng Viện kinh tế.

Rồi tôi đi vào cái nghề quan sát viên bầu cử một cách rất là tình cờ. Khi “Nhà” giới thiệu vào LHQ, tôi được LHQ chấp thuận và công tác tại Ủy ban kinh tế xã hội của châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ban thư ký LHQ ở Bangkok. Sau đó tôi chuyển sang Mexico làm trong Ủy ban Kinh tế xã hội của Mỹ Latin. Sang đấy được hơn khoảng một năm rưỡi, LHQ có cử đoàn đi quan sát bầu cử ở Nicaragua. Thời điểm đó, đi quan sát bầu cử phải là công chức của LHQ.

Nhưng trong danh sách công chức của LHQ đưa ra để Hội đồng Bảo an xét duyệt thì không có ai là người của khối xã hội chủ nghĩa. Những “anh” Trung Quốc, Liên Xô lại không biết nói tiếng Tây Ban Nha. Vì vậy, LHQ mới có ý tìm một người ở nước xã hội chủ nghĩa mà biết nói tiếng Tây Ban Nha, thì họ “vớ” được Nguyễn Hữu Động.

Một lần nữa, dù cơ hội này là tình cờ nhưng nếu không phải người Việt Nam thì tôi cũng không có được.

Và thời gian hoạt động cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam chính là cuộc chuẩn bị dài hơi cho công việc này. Chuyện bầu cử là chuyện tế nhị nhất trong cuộc sống chính trị. Quan sát viên thật ra không phải gì khác là một nhân chứng. Tôi đảm nhiệm vai trò nhân chứng một cách khiêm tốn chứ không phải tài giỏi gì. Khoảng chừng 5 năm, tôi trở thành một anh chuyên viên bầu cử của LHQ.

 Người Việt Nam đặc biệt ở LHQ, hành trình qua 40 nước và một niềm tự hào mang tên Việt Nam - Ảnh 6.

Ở LHQ, mỗi viên chức đều không còn quốc tịch riêng. LHQ cấp cho mỗi người một giấy thông hành chỉ ghi họ tên, ngày sinh, chức vụ, không ghi quốc tịch và học vị. Nhưng hình ảnh của tôi là hình ảnh một anh Việt Nam. Đi đâu người ta cũng nhận ra. Mình có giấu cũng không được, mà cũng không có gì phải giấu.

Hồi đó là năm 1991 – 1992, tôi là cố vấn chính trị của đoàn đi sang El Salvador khi quân đội và phe kháng chiến chuẩn bị ký hiệp ước hòa bình.

Vị Thiếu tướng phụ trách tình báo của El Salvador tiến đến trước mặt tôi, đứng bên cạnh và bắt đầu nói: “Nếu các ông muốn hiểu tình hình kháng chiến của du kích ở đây, các ông đừng đọc Mao Trạch Đông, các ông đừng đọc Che Guevara mà hãy đọc Võ Nguyên Giáp”.

Ông ta cố ý đứng trước mặt tôi và suốt nửa tiếng đồng hồ trình bày mỗi lần nói chuyện lại dẫn dắt về chiến tranh du kích Việt Nam. Khi nói chuyện xong, ra uống nước, tôi đến gặp ông Thiếu tướng. Tôi có nói: “Cám ơn Thiếu tướng! Thiếu tướng nhắc lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm tôi thấy tự hào. Ngày nào đó, khi đất nước ông hòa bình rồi, tôi sẽ ngồi kể lại cho ông nghe cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam ra sao”. Thế là bắt tay nhau.

Thật ra, cái mà người ta nhớ về một đất nước là qua con người. Tôi có mấy ông bạn nước ngoài đi vịnh Hạ Long, rất khoái, rất mê. Nhưng vịnh Hạ Long chỉ là phong cảnh, cái mà người ta sẽ nhớ lại là những gương mặt Việt Nam. Người ta có quay trở về hay không, thật ra không phải là do phong cảnh. Phong cảnh chụp ảnh là giữ lại được, nhưng cái khiến người ta quay trở đi trở lại là vì những con người họ gặp, họ thương.

Hồi những năm 1996 – 1997, tôi sống ở New York, Mỹ. Một hôm, bà hàng xóm biết tôi là người Việt Nam liền đến gặp và nhờ tôi xin giúp visa đi Việt Nam. Chồng bà là phi công trực thăng chết trận trong chiến tranh ở Việt Nam. Bà ở góa nuôi con và khi hai nước vừa bình thường hóa quan hệ, bà muốn sang Việt Nam để tìm hài cốt chồng.

Biết chuyện, tôi có nhờ với anh em trong phái đoàn giúp đỡ cấp visa cho bà. Ba tháng sau, bà gọi cửa phòng tôi và khóc.

Khi bà đến nơi chồng bà rơi máy bay, dân làng có chỉ cho bà một ngôi mộ của lính Mỹ chôn ở ruộng. Họ nói: “Chồng bà đến đây đánh chúng tôi thì chúng tôi đánh lại. Nhưng bà thì không có tội gì hết. Chúng tôi tôn trọng bà ở góa nuôi con nên chúng tôi giúp bà”. Bà kể lại và khóc một lần nữa.

Khi về hưu, bà trích một phần lương hưu để xây trường cho ngôi làng đó. Và trong những năm bà còn đi lại được, cứ 2 năm bà lại về thăm một lần. Con gái của bà sau này có thành lập một hội để mà liên lạc với con em của bộ đội ta cũng bị mất bố trong thời gian chiến tranh để hai bên hòa hợp, hòa giải. Con người là ở chỗ đó.

 Người Việt Nam đặc biệt ở LHQ, hành trình qua 40 nước và một niềm tự hào mang tên Việt Nam - Ảnh 8.

Tôi sống ở Hà Nội từ những năm lên 9, lên 10. Lúc đó còn là một đứa nhóc chẳng nhớ gì nhiều đâu, kỷ niệm với gia đình, với ông cụ, bà cụ là chính, có chăng là hồi nhỏ đi bắn sấu ngoài đường. Sau đó gia đình tôi chuyển vào trong Đà Lạt vì ông cụ tôi làm việc ở Đà Lạt. Có lẽ ở Đà Lạt là thời gian tôi gắn bó nhiều nhất vì đó là thời đi học ở trường Pháp, sau đó thi Tú tài Pháp. Nhưng đó cũng là Đà Lạt từ những năm 1952 cho tới 1960, Đà Lạt có 2-3 vạn dân. Cái tôi gắn bó là gắn bó với anh em, bạn bè, thầy cô. Đối với tôi, phong cảnh rồi nơi ở chỉ là cái khung. Bức tranh thật là con người.

Tôi làm việc cũng qua xấp xỉ 40 nước. Nhưng chẳng biết gì về nước đó đâu. Đi họp, đi làm thì đến phi trường, từ phi trường về khách sạn, từ khách sạn đi phòng họp, mấy hôm sau lại lên máy bay về nước. Các phi trường giống nhau, các tiệm ăn giống nhau, vào khách sạn chỉ có cơm tây. Nghe nói làm LHQ đi đây đi đó có vẻ sang lắm nhưng thực tế đi là để làm việc và hiểu biết thêm là hiểu biết về con người.

Con người rất hay. Thời điểm tôi đi Iraq tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau chiến tranh, tình hình rất phức tạp, lúc nào bên cạnh tôi cũng có 2 “tay” bảo vệ người Mỹ. Nếu có gì xảy ra, cũng là 2 “tay” này lãnh đạn trước, chứ không phải mình.

Tôi đi với họ 2-3 tuần lễ. Đến khi chúng tôi chuẩn bị rời Iraq, cậu đi bảo vệ cho tôi xin phép chụp ảnh. Tôi đồng ý và có hỏi lý do thì anh ta trả lời: “Để tôi gửi cho bố tôi. Bố tôi hồi xưa là thủy quân lục chiến của Mỹ đánh nhau ở Việt Nam gần 3 năm trời. Bây giờ tôi gửi ảnh để nói cho ông ấy biết thủ trưởng của tôi là một ông Việt Nam!”

Tôi đáp: “Không chỉ là Việt Nam không thôi đâu, tôi hồi xưa còn đi theo Việt cộng”.

Rồi tôi hỏi tiếp: “Trước đây bố anh lùng những “tay” như tôi để “tìm và diệt” (search and destroy – một chiến lược của quân đội Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam) bây giờ anh lấy thân anh ra che chở cho thân tôi, anh thấy cuộc đời sao?”

Anh ta đáp: “Dạ thưa ông, cuộc đời như vậy đấy”.

 Người Việt Nam đặc biệt ở LHQ, hành trình qua 40 nước và một niềm tự hào mang tên Việt Nam - Ảnh 9.

Tôi không bao giờ nghĩ tôi làm ở LHQ thì đóng góp được gì ghê gớm cho đất nước. Tôi làm những việc này để lúc nào tôi cũng nhớ tôi xuất thân ở đâu, đất nước của tôi ở chỗ nào, bạn bè, người thân người yêu của tôi ở chỗ nào. Tôi chỉ làm nhiệm vụ công dân, chứ không nghĩ là chuyện gì to lớn.

Nhất là với tôi, người sống bên ngoài Tổ quốc, cái mà tôi lo nhiều nhất là tôi có xứng đáng là người Việt Nam không, có xứng đáng với lịch sử của dân tộc này, xứng đáng với người đi trước, xứng đáng với bạn bè mình của ngày hôm nay hay không?

 Người Việt Nam đặc biệt ở LHQ, hành trình qua 40 nước và một niềm tự hào mang tên Việt Nam - Ảnh 11.

Hôm trao giải, tôi đã nói: “Tôi là người Việt Nam”. Nhưng xứng đáng là công dân của Việt Nam hay không, đó mới là quan trọng.

Một nhà sử học Pháp nói câu này tôi cũng tâm đắc lắm: “Chúng ta là con của thời đại nhiều hơn là con của cha ông chúng ta”. Bây giờ nhìn lại lớp trẻ này, họ nghe nhạc, họ ăn mặc ra sao cũng là nhạc nước Pháp, nước Anh, nước Mỹ nghe… Đây không phải chỉ là toàn cầu hóa mà là thời đại như vậy. Kinh nghiệm đi qua nhiều nước của tôi thì thấy tụi trẻ cũng không khác gì nhau, từ châu Phi đến châu Á. Chúng ta phải làm sao để giới trẻ Việt Nam cũng ngang hàng với giới trẻ nước khác.

Chỉ có điều cũng đừng quên – cái này người lớn tuổi hay nói còn tụi trẻ không nói đâu – đừng quên gốc rễ và đừng quên chúng ta sống trong thời buổi nào để lúc nào cũng phù hợp, không sợ, không có tự ti mà cũng không có tự cao quá.

Giải thưởng Baxter thường niên do Tổ chức Quốc tế các Hệ thống Bầu cử (International Foundation for Electoral Systems – IFES) trao ghi nhận sự đóng góp của các chuyên gia bầu cử có kỹ năng, sự cống hiến cho lĩnh vực tổ chức bầu cử.

Theo Minh Khôi-Bạch Quả

Trí thức trẻ