Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Lời khuyên của người phụ nữ thép ngành nhân sự

Trái với vẻ đẹp dịu dàng bên ngoài, chị Nga Vương qua hình dung của các đồng nghiệp là một nữ giám đốc vô cùng thẳng thắn, cương quyết và tận tâm trong công việc. Với cương vị Giám đốc Điều hành, chị đã dẫn dắt thành công công ty RGF Executive Search Việt Nam với 2 văn phòng ở TPHCM và Hà Nội. (RGF Executive Search là công ty thuộc tập đoàn Recruit đến từ Nhật Bản – là tập đoàn đứng thứ Tư toàn cầu trong lĩnh vực Nhân sự và Công nghệ ). Tiếp theo đó, chị trở thành Giám đốc Đào tạo và Phát triển, phụ trách khu vực Đông Nam Á của tập đoàn này.

Đến thời điểm hiện tại, chị đã chuyển hướng sang hoạt động độc lập với vai trò cố vấn chiến lược kinh doanh, tổ chức bộ máy nhân sự, phát triển năng lực lãnh đạo, ‘săn’ nhân sự cao cấp và đào tạo nhân sự cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chị Nga Vương, cựu Giám đốc Điều hành của Executive Search Việt Nam.

Cùng lắng nghe chia sẻ của chị về những giá trị được đúc kết từ quá trình sống và hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, giáo dục và đào tạo.

Đâu là những giá trị cốt lõi của bản thân mà chị sẽ không bao giờ thỏa hiệp?

Chị chỉ có một giá trị cốt lõi duy nhất, đó là sự chính trực. Nó bao hàm cả sự chân thành, trung thực và nhiệt huyết trong mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống. Trong mọi việc mình làm, chị đều có hai câu hỏi rằng ‘nó có thật với lòng mình?’ và ‘nó có ảnh hưởng xấu đến ai không?’ để những điều chị làm luôn hướng đến điều thiện và kết quả tích cực.

Chị không nói dối. Từ nhỏ, chị luôn biết chính xác những gì mình muốn và thẳng thắn biểu lộ ý muốn ấy. Chị luôn trung thực trước bản thân mình và trước người khác. Kể cả đối với những ‘sự thật trần trụi’ hay khó chấp nhận chị cũng luôn tìm ra cách truyền đạt để người đối diện hiểu và chấp nhận, chứ không dùng những lý lẽ lắt léo để dẫn dắt người khác.

Trong ngành Headhunting, nhiều người quan niệm phải nói dối về vị trí đang tuyển để thu hút ứng viên. Nhưng chị không làm như vậy. Chị cung cấp ứng viên những thông tin xác thực nhất, phân tích những ưu và nhược điểm dựa trên đó, để họ tự cân nhắc và quyết định. Họ phải nhận thức được rằng không có gì là hoàn hảo cả, phải chấp nhận đánh đổi một lợi ích nào đó để có được những cơ hội lớn hơn.

Có bao giờ giá trị này lại đi ngược lại với sự thăng tiến của chị trong công việc?

Trong nghề tư vấn nói chung, giữ được sự chính trực là một thử thách lớn vì mình phải giao tiếp và xây dựng mối quan hệ với rất nhiều người. Nhưng sự thật đôi khi lại mất lòng, nhiều khách hàng hay người được tư vấn sẽ không thích nghe.

Giao tiếp luôn là một bài toán khó nhưng chính nó lại là điều khiến chị hứng thú, vì chị tin năng lực của con người là không giới hạn. Chỉ cần tập trung suy nghĩ thì mình sẽ tìm ra cách truyền đạt sao cho người nghe vẫn tiếp nhận đúng thông tin mà không cảm thấy bị tổn thương hay khó chấp nhận. Nói thật, công việc này tiêu tốn khá nhiều neuron của chị (cười).

Cho đến thời điểm hiện tại chị vẫn giữ lấy giá trị cốt lõi này và sẽ không đánh đổi nó. Nếu có một cơ hội công việc lớn nhưng đổi lại chị phải từ bỏ những nguyên tắc của bản thân, đi ngược lại những giá trị mình đã xây dựng và theo đuổi thì chị sẽ từ chối ngay từ đầu.

“Chị chỉ có một giá trị cốt lõi duy nhất, đó là sự chính trực.”

Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ muốn khẳng định bản thân trong lĩnh vực nhân sự, giáo dục và đào tạo không?

Chân thành trong công việc

Dù bạn còn trẻ hay không còn trẻ, dù bạn làm ở bất cứ ngành nghề nào, hãy dồn hết tâm sức vào công việc mình làm. Đừng sợ bản thân sẽ thiệt thòi hay những đóng góp của mình không được công nhận. Những suy nghĩ ấy sẽ vô tình dập tắt nhiệt huyết của bạn. Cứ cho đi, và mọi đóng góp của bạn sẽ luôn được nhìn nhận.

Đồng ý rằng đôi khi sẽ có những bất công. Nhưng theo thời gian, thành quả công việc mới là thứ giúp bạn chứng minh bản thân mình.

Và để dấn thân không mệt mỏi, đầu tiên bạn phải đi trên con đường nghề nghiệp mà bạn yêu thích. Nhắm mắt lại, quên đi tác động từ gia đình, từ mọi người xung quanh, hay cả gánh nặng tiền bạc. Bạn thích làm gì nhất? Hãy theo đuổi nó đến cùng.

Cạnh tranh nhưng không đố kị

Trong công việc, sự cạnh tranh sẽ giúp bạn tiến bộ. Nhưng bạn phải tách bạch giữa sự cạnh tranh khỏi sự ganh đua và đố kị. Sự đố kị rất nguy hiểm. Nếu cạnh tranh giúp bạn nhìn nhận lại những thiếu sót của mình và tạo động lực để tiến về phía trước, thì đố kị lại ảnh hưởng đến cái nhìn khách quan của bạn trong công việc, ngăn cản bạn học thêm những điều hay từ người khác.

Bạn phải tạo cho mình một tinh thần và tư duy tích cực, đừng ghét ai cả. Và để sự cạnh tranh không trở thành đố kị thì bạn hãy chỉ nhìn nhận và đánh giá dựa trên sự việc, học những điểm hay và bỏ qua những điểm hạn chế. Đừng để những cảm xúc cá nhân xen vào khiến bạn phải so sánh mình với người khác.

“Trong công việc, sự cạnh tranh sẽ giúp bạn tiến bộ. Nhưng bạn phải tách bạch giữa sự cạnh tranh khỏi sự ganh đua và đố kị.”

Giao tiếp với cấp trên của bạn

Người lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc nhìn nhận và tạo điều kiện để bạn phát huy năng lực của mình. Một cấp trên biết nhìn người và đánh giá khách quan sẽ là nguồn động lực để bạn phấn đấu. Nếu có được một người cấp trên như thế là một điều may mắn. Nhưng nếu không có, hãy cho họ thời gian, và thẳng thắn giao tiếp để họ nhìn nhận khả năng làm việc của mình

Bạn phải biết cách giao tiếp khéo léo, tránh dùng những từ ngữ tiêu cực và bộc bạch theo hướng chất vấn ‘em đã cố gắng rất nhiều nhưng sao vẫn chưa được nhìn nhận xứng đáng?’ Sự trách móc của bạn sẽ khiến người đối diện vô thức dựng lên một bức tường để tự bảo vệ mình.

Thay vào đó hãy hỏi cách nhìn của họ về quá trình làm việc của bạn, cho họ thấy bạn rất chân thành và cầu thị. Khi người đối diện cảm thấy an toàn, họ sẽ sẵn sàng tiếp nhận những thông tin từ bạn. Có lẽ sau buổi trao đổi, cấp trên ấy sẽ chú ý hơn đến khả năng của bạn.

Hãy dùng sự chân thành và tôn trọng để nêu lên quan điểm của mình. Sau tất cả, nếu bạn vẫn thấy vẫn tồn tại sự bất công thì hãy tìm một môi trường mới. Ngoài kia có rất nhiều cơ hội nên đừng chôn chân tại một môi trường không thích hợp.

Tự dẫn dắt chính mình

Trong buổi đầu của sự nghiệp ai cũng muốn có một mentor (người dẫn dắt) như một bước đệm để phát triển tốt hơn. Chị cũng là mentor cho nhiều bạn trẻ, nhưng chị luôn nói với mọi người rằng chính bạn mới là người ‘cầm lái’, nhìn nhận mọi vấn đề và quyết định sẽ học hỏi những gì.

Mentor chỉ là người khai sáng tiềm năng của bạn và chia sẻ những kinh nghiệm họ có được sau nhiều năm. Nhưng mỗi người có một thế giới quan riêng, và chính bạn mới là người hiểu rõ bản thân nhất để lựa chọn tiếp thu những điều phù hợp với mình. Vậy nên hãy học hỏi bất cứ ai, miễn là họ có điều hay đáng để học hỏi.

Khi hướng dẫn và đưa ra lời khuyên, chị không mong đợi mọi người phải hoàn toàn làm theo nó. Mỗi quyết định đều cho ra một kết quả, có thể là hiệu quả, cũng có thể là hậu quả, nhưng không có đúng hay sai, vì mỗi phương án sẽ áp dụng tốt vào những bối cảnh khác. Quan trọng là bạn học được những gì qua trải nghiệm đó và có cái nhìn bao quát hơn để giải quyết những vấn đề sau.

Bạn luôn được tự do khi đưa ra quyết định, nhưng hãy học cách phân tích trước các lựa chọn và sống với quyết định của mình. Nếu đó là một sai lầm, đừng lẩn trốn mà hãy tìm cách giải quyết, qua những lần như vậy bạn sẽ trưởng thành và tự tin khẳng định mình hơn.

Theo Vietcetera