Trong chuyến đi thăm Hà Lan theo đoàn báo chí, chúng tôi được văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan giới thiệu một nữ doanh nhân tên Nguyễn Thị Thanh Huyền, người đã góp nhiều công sức để đưa hàng Việt Nam vào thị trường nước này.
Những container nước mắm đầu tiên
Chị Thanh Huyền nhập cư vào Hà Lan vào đầu những năm 2000, thời điểm mà các kệ siêu thị nước này vẫn vắng bóng hàng Việt.
Những ngày đầu đặt chân lên “vùng đất thấp” giữa trời Âu, chị Huyền xin vào làm cho một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm. Công việc khởi đầu là… pha trà, photocopy.
Sau ba tuần quen việc, bằng vốn bản ngữ ít ỏi, chị mạnh dạn đề xuất với người chủ về việc mang thực phẩm Việt vào Hà Lan. Bởi vì theo chị quan sát, người Việt tại Hà Lan dù có thèm hương vị quê nhà cũng chỉ có thể mua gia vị Thái Lan, Trung Quốc để thay thế.
Nhớ lại câu chuyện gần 20 năm trước, chị Huyền nói rằng đó là một đề xuất hết sức táo bạo mặc dù may mắn được sếp đồng ý và tin tưởng giao cho toàn quyền triển khai.
Vào năm 2001, có rất ít sản phẩm ngoại nhập nhận giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng ở Hà Lan. Bản thân chị cũng chưa thông thuộc các quy định tiêu chuẩn thực phẩm nhập khẩu nên phải tìm hiểu thông tin gián tiếp thông qua các loại thực phẩm đã được nhập vào những thị trường khó tính như Nhật và Đức.
Ngoài ra, chị phải nhờ cậy người quen ở Thụy Điển, Mỹ để tìm hiểu nguồn hàng từ Việt Nam. Cuối cùng, chị đã chọn ra được nước mắm Thanh Hà (Phú Quốc) làm sản phẩm thí điểm đầu tiên và chỉ dám nhập một container lẻ trị giá 60.000 USD. Từ khi doanh nghiệp trong nước biết đến chị nhiều hơn, họ bắt đầu mang mặt hàng của mình đến giới thiệu.
Tuy nhiên, chị nhận thấy các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường nhưng lại rất sợ các thủ tục khai thuế, hải quan theo tiêu chuẩn của châu Âu. Chị Huyền không ngại khó, đã chủ động dịch các quy chuẩn kỹ thuật của nước sở tại và đưa cho bạn hàng trong nước.
Trao đổi với chúng tôi, chị Huyền nói thêm : “Hàng Việt ở Hà Lan cũng phải chịu sự cạnh tranh của hàng Thái Lan. Mặt hàng của chúng ta kém đa dạng hơn và bao bì chưa đạt chuẩn. Đặc biệt, các loại bao đựng bún trong nước thường làm từ các túi ni lông thiết kế rất đơn điệu mà còn dễ bị bung vỡ trong lúc vận chuyển. Hoặc doanh nghiệp chỉ xem việc hướng dẫn sử dụng trên bao bì các sản phẩm là chuyện nhỏ, trong khi hàng Thái Lan tuân thủ rất kỹ”.
Để hàng mình nhập về bán chạy hơn, chị Huyền phải nghiên cứu các mặt hàng sẵn có trên thị trường rồi tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước từ khâu thiết kế bao bì để thu hút khách hàng, giúp doanh nghiệp Việt tuân thủ các quy tắc an toàn khi nhập vào thị trường châu Âu.
Viết lại câu chuyện cho nước mắm Thanh Hà trên “vùng đất thấp” ở trời Âu
Năm 2013, chị Huyền đã làm đến vị trí Trưởng phòng mua hàng của công ty Hà Lan Beagley Coppermam, chuyên xuất nhập khẩu hàng thực phẩm châu Á trên 32 thị trường.
Nước mắm Thanh Hà từ một container thăm dò trị giá 60.000 USD đã được viết lại thành câu chuyện mới trên “vùng đất thấp” khi trở thành nhãn hàng độc quyền phân phối bởi công ty Beagley Coppermam.
Mặc dù công việc kinh doanh và sự nghiệp của chị Huyền đang lên cao nhưng con đường đưa hàng Việt Nam vào thị trường Hà Lan vẫn còn rất dài.
Tính đến nay, chị Huyền đưa vào Hà Lan nhiều mặt hàng bún, miến khô, bột, mì ăn liền và cà phê… nhưng không phải hàng nào cũng bán được. Theo lời kể của chị, hàng trong nước ghi đạt đủ các tiêu chuẩn, thế nhưng khi mang sang Hà Lan lại gặp trục trặc.
Một số thực phẩm như vậy khi lần đầu được xuất vào Hà Lan từ những container lẻ có thể qua mặt được hải quan Rotterdam. Nhưng nếu số lượng nhập ngày càng nhiều, hải quan sẽ bắt buộc thử mẫu.
Ngày trước, chị Huyền từng nhập rất nhiều loại mì trứng, mì khô nhưng hải quan nước bạn đã phát hiện các loại mì này dùng nhiều phẩm màu nhuộm quần áo nên buộc nhà nhập khẩu hủy bỏ và cấm nhập. Ngay cả những nhãn hàng nổi tiếng trong nước cũng khó vượt qua kiểm soát hải quan.
Chị kể cho chúng tôi nghe về một trường hợp đáng tiếc vào đầu năm nay, vì tin tưởng một nhãn hàng thực phẩm nổi tiếng trong nước, chị đã tiến hành nhập khẩu sản phẩm. Cuối cùng, hải quan Hà Lan ngăn chặn tại cảng và bắt phải tiêu hủy, thiệt hại hết 20.000 EUR, chưa kể chi phí môi trường 4.000 EUR – 5.000EUR. Nguyên nhân là do nhãn hàng này dùng lượng chất bảo quản quá mức cho phép trong sản phẩm.
Theo chia sẻ của chị Huyền, các nhà nhập khẩu như Beagley Coppermam phải thanh toán trước khoảng 50-100% mới được nhận hàng từ Việt Nam. Khi xảy ra sự việc hủy hàng thì chỉ có một số doanh nghiệp trong nước chia sẻ 50% chi phí với công ty.
Từ đó, khách mua hàng của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài dần hình thành nếp nghĩ “người Việt lúc nào cũng muốn nắm đằng cán” nên nhận tiền rồi mới giao hàng. Do đó, các nhà nhập khẩu luôn phải chịu rủi ro không đến do chất lượng hàng nhập khẩu không đảm bảo.
Chị Huyền cho biết thêm, khi hợp tác với một số nước khác thì công ty chị không phải chịu rủi ro này một mình. Các công ty xuất khẩu nước khác có thể cho nhà nhập khẩu trả tiền sau từ đơn hàng thứ ba trở đi. Còn khi làm việc với nhà xuất khẩu trong nước thì Beagley Coppermam phải dựa vào hợp đồng bảo hiểm khi hủy hàng để lấy lại phần nào số vốn đã bỏ ra cho lô hàng mình đã mua đứt.
Thích nghi trên thương trường quốc tế
Để bán được hàng Việt, chị Huyền phải giữ cho giá cả ổn định, bởi vì một số mặt hàng vừa bán chạy tại Hà Lan thì nhà sản xuất trong nước rục rịch nâng giá lên.
“Họ thường lấy lý do giá xăng tăng, giá nguyên liệu tăng. Nhưng khách hàng ở từ một đất nước rất xa sẽ không cần quan tâm đến điều này”, chị Huyền nói.
Hàng năm, Beagley Coppermam nhập hàng triệu đô la thực phẩm từ Việt Nam nên chị vẫn mong giữ được nguồn hàng ổn định. Tuy nhiên, chị nhận thấy các doanh nghiệp trong nước đã có ý thức hơn trong việc xuất khẩu hàng của mình, đồng thời học cách thích nghi với các đòi hỏi của thị trường Hà Lan.
Nhìn lại quãng đường dài “đem chuông đi đánh xứ người”, chị Huyền cho rằng mình đã cùng học hỏi và chia sẻ rất nhiều với đồng hương ở xa quê. Sắp tới, chị sẽ về Việt Nam tìm thêm sản phẩm để đa dạng hóa nguồn cung và mong muốn hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp có chung tầm nhìn.
Đại sứ Việt Nam ở Hà Lan, bà Ngô Thị Hòa cho hay kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã đạt 8 tỉ đô la Mỹ vào 2018 và Việt Nam là nước xuất siêu. Hà Lan đã đầu tư vào 300 dự án ở Việt Nam với vốn đầu tư là 9,3 tỉ đô la. Nước này đang đóng vai trò trung chuyển hàng hóa Việt Nam sang các nước châu Âu.
Cũng theo đại sứ Ngô Thị Hòa, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền chỉ là một điển hình. Trong tương lai, sẽ có nhiều doanh nghiệp Hà Lan vào Việt Nam theo chương trình xúc tiến thương mại do chính phủ hai nước khởi xướng, nhất là tại thời điểm Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) trở thành hiện thực.
Phương Danh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế