Cho đến tận bây giờ, sau 12 năm, vẫn có rất nhiều người hỏi bà Thái Hương tại sao đang làm ngân hàng lại chuyển sang nông nghiệp – lĩnh vực mà về lý thuyết, Tập đoàn TH không có lợi thế hay kinh nghiệm gì. Câu hỏi này bà Thái Hương đã trả lời nhiều lần, nhưng tựu chung lại, nó nằm gọn trong triết lý của nhà sáng lập TH, đó là “True Happiness – Hạnh phúc đích thực”.
Chuyện ở Nga
“Khi học lớp 7, được đọc tác phẩm ‘Thép đã tôi thế đấy’ của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky, hình tượng nhân vật chính Pavel đã ăn sâu trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ đó là nền tảng hun đúc tôi trở thành một doanh nhân Thái Hương lúc nào cũng vững vàng, không bao giờ cảm thấy khó khăn, mà luôn cảm thấy con đường mình chọn là hạnh phúc”. Đó là những gì doanh nhân Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH chia sẻ khi quyết định đầu tư vào nước Nga.
Năm 2016, Tập đoàn TH đánh dấu một bước chuyển mình mới trên chặng đường phát triển khi công bố triển khai dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Nga. Dự án với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD đặt tham vọng đưa sữa tươi sạch mang thương hiệu TH chinh phục thị trường có mức độ tiêu thụ sữa hàng đầu châu Âu.
Kế hoạch của Tập đoàn TH được sự hậu thuẫn lớn từ cả Chính phủ Việt Nam và Nga. Tập đoàn đã được cấp một diện tích đất rộng lớn tới 50.000 ha tại 2 tỉnh Moscow và Kaluga. Cùng với việc cấp đất, Chính phủ Nga đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, đáng kể nhất là cam kết hoàn lại vốn trên tổng mức đầu tư nông nghiệp rất cao, từ 25 – 30%. Các khoản vay đầu tư cũng có lãi suất rất ưu đãi, với lãi suất đồng rúp cho vay để đưa dự án đi vào hoạt động được giảm từ 13% xuống còn 4%.
Mặc dù vậy, dự án gặp không ít khó khăn khi đi vào triển khai thực tế. Mùa đông tại Nga quá lạnh để phát triển các đàn bò sữa theo tiêu chuẩn của TH. Bản thân quỹ đất rộng lớn mà tập đoàn được cấp vốn là những nông trại, hợp tác xã cũ làm nông nghiệp không hiệu quả, bị bỏ hoang hàng chục năm, trở thành những cánh rừng hoang. Cùng với đó là những khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu do lệnh cấm vận từ phương Tây khiến có lúc dự án phải điều chỉnh tiến độ để phù hợp với tình hình mới.
Đối mặt với những trở ngại, bà Thái Hương và Tập đoàn TH vẫn kiên trì với những mục tiêu đề ra. Những cánh đồng hoang được Tập đoàn TH đầu tư máy móc nông nghiệp hiện đại, công suất lớn để khai hoang, cải tạo. Tháng 1/2018, TH đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 trang trại chăn nuôi bò sữa tại huyện Volokolamsk, tỉnh Moscow.
Dù có những khó khăn do lệnh cấm vận trong quan hệ thương mại Mỹ – Nga, TH vẫn nhập về Nga thành công hàng ngàn con bò sữa cao sản thuần chủng HF tốt nhất thế giới từ Mỹ. Đàn bò đã thích nghi với điều kiện sống, tăng trưởng rất tốt và sinh sản lứa thứ 3, nâng tổng đàn bò tại Moscow hiện nay lên hơn 2.000 con. Hiện tại đàn bò của TH tại Nga cho năng suất sữa trung bình khoảng 40 lít/con mỗi ngày, cao gấp 2,5 lần so với năng suất sữa trung bình tại các trang trại khác của Nga.
Vượt qua những trở ngại, TH hiện điều chỉnh kế hoạch xây dựng và từng bước triển khai đúng tiến độ dự án tại Moscow. Giai đoạn 2 trang trại Moscow dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2023. Ngay sau đó, trang trại chăn nuôi thứ 2 quy mô 6.000 con tại quận Shatura sẽ bắt đầu xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Tại tỉnh Kaluga, trang trại tại quận Ulyanovo quy mô 6.000 con sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 4/2022 và giai đoạn 2 một năm sau đó. Tiếp theo, trang trại tại quận Khvastovichi với quy mô tương đương cũng sẽ được bắt đầu xây dựng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.
Song song với đó, Tập đoàn TH cũng đang hoàn thành thiết kế Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại tỉnh Kaluga – giai đoạn 1 quy mô 500 tấn/ngày. Nhà máy bắt đầu xây dựng tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Giai đoạn 2 của nhà máy với công suất 1.000 tấn/ngày sẽ hoàn thành vào năm 2026. Cùng với xây dựng nhà máy, TH sẽ đẩy nhanh tiến trình chính thức ra mắt thương hiệu TH true MILK tại thị trường Nga.
Chuyên gia đối đầu với khắc nghiệt
Xây dựng trang trại tại Nga không phải lần đầu tiên bà Thái Hương và Tập đoàn TH phải giải quyết bài toán tự nhiên không thuận lợi. Năm 2009, khi Tập đoàn TH xây dựng tổ hợp chăn nuôi bò sữa công nghệ cao đầu tiên tại Cao nguyên Phủ Quỳ, (Nghĩa Đàn, Nghệ An) nhiều người cũng tỏ ra lo ngại về khả năng thành công của dự án. Khí hậu gió Lào nóng và khô của miền Trung không thích hợp để chăn nuôi bò sữa, đất đai cũng không phù hợp để trồng các loại cỏ và các loại thức ăn gia súc.
Song, những vấn đề đó đã được giải quyết bằng công thức mà bà Thái Hương gọi là “chìa khóa vàng” của nông nghiệp. Đó là: Trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt kết hợp khoa học quản trị, công nghệ đầu cuối, công nghệ 4.0 của thế giới.
Dự án chăn nuôi bò sữa ôn đới giữa miền trung gió Lào nắng cháy áp dụng những công nghệ hàng đầu như công nghệ quản lý kiểm soát đàn bò của Israel, công nghệ quản lý thú y của New Zealand, quản lý tài chính phần mềm SAP của Đức. Đàn bò sữa TH được ăn thức ăn sạch nhất, uống nước tinh khiết nhất, có thiết bị công nghệ phát hiện được bệnh trước 4 đến 7 ngày để cách ly, đảm bảo chất lượng đến từng giọt sữa, sạch và tinh túy nhất. Đó cũng là lý do mà tổng vốn dự án trang trại bò sữa của TH lên tới 1,2 tỷ USD, trở thành dự án lớn nhất Đông Nam Á từ trước đến nay.
Chỉ mất 14 tháng để dự án Nghệ An có những sản phẩm thương mại đầu tiên đến tay người tiêu dùng. TH từ một doanh nghiệp non trẻ nhanh chóng trở thành nhà sản xuất sữa tươi sạch lớn nhất Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thị phần của TH true MILK trong ngành hàng sữa nước chiếm khoảng 45%, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với tổng nhận biết của người tiêu dùng với thương hiệu là 100%.
Thành công ngay tại những vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất, TH tràn đầy tự tin làm “sống lại” những mảnh đất bị lãng quên, từ những nơi địa hình không thuận lợi cho tới những vùng đất ở nơi địa đầu Tổ quốc xa xôi.
Năm 2017, Tập đoàn khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Hà Giang. Từ đó đến nay, TH lần lượt khởi công các trang trại tại Thanh Hóa, Cao Bằng, Kon Tum, Phú Yên. Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, trang trại TH vẫn đi vào hoạt động với quy mô hàng nghìn con bò sữa.
Sang năm 2021, Tập đoàn TH tiếp tục khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao trên mảnh đất An Giang. Với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, khi đi vào vận hành, đây là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Những kế hoạch phát triển mới tại hàng loạt địa phương là bước tiếp theo trong lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH true MILK trải dài khắp đất nước của Tập đoàn TH. Mục tiêu tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân của TH đạt 400.000 con, giúp TH giữ vững vị thế doanh nghiệp đứng đầu trong phân khúc sữa tươi.
Hạnh phúc đích thực
Cho đến tận bây giờ, sau 12 năm, vẫn có rất nhiều người hỏi bà Thái Hương tại sao đang làm ngân hàng lại chuyển sang nông nghiệp – lĩnh vực mà về lý thuyết, Tập đoàn TH không có lợi thế hay kinh nghiệm gì. Câu hỏi này bà Thái Hương đã trả lời nhiều lần, nhưng tựu chung lại, lựa chọn của bà nằm gọn trong triết lý “True Happiness – Hạnh phúc đích thực”.
TH true MILK ra đời khi thị trường sữa Việt Nam cực kỳ khốc liệt và chưa minh bạch, với gần 500 nhãn mác, thật – giả lẫn lộn. Trong hoàn cảnh đó, TH đã chọn cho mình một con đường, trở thành đại dương xanh trong lòng biển đỏ.
Đến nay, những nỗ lực của TH không chỉ giúp tập đoàn ngày một phát triển, mà còn làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành sữa Việt Nam theo cách tích cực hơn. Tổng đàn bò sữa Việt Nam đã tăng từ 41.000 con năm 2001 lên hơn 335.000 con năm 2020. Tổng sản lượng sữa tươi sản xuất hàng năm tăng từ 64.000 tấn năm 2001 lên trên 1,1 triệu tấn năm 2020. Tỷ lệ sữa bột nhập khẩu từ 92% tại thời điểm sự cố Melamine được phát hiện năm 2008 đã giảm xuống chỉ còn 60% năm 2018.
Thành công của Tập đoàn TH đã thúc đẩy các doanh nghiệp cùng ngành nghề bắt đầu nhận ra sự tất yếu của con đường sữa tươi sạch, có cái nhìn để tái cấu trúc với xu thế, tạo ra sự cạnh tranh về sản phẩm “thật”, phát triển chăn nuôi và làm nông nghiệp công nghệ cao. Người tiêu dùng đã phân biệt giá trị thực sự của sữa tươi sạch và được hưởng thụ sản phẩm thực sự chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Sau khi mang lại hạnh phúc cho người tiêu dùng, bước tiến tiếp theo mà TH làm đó là mang lại hạnh phúc cho người nông dân. Tâm niệm khi làm nông nghiệp của bà Thái Hương là phải giúp người nông dân làm giàu nhờ con bò sữa, và quan trọng hơn, giúp họ cảm thấy “tự hào về đồng đất của họ, đồng đất đã làm ra những sản phẩm mà thế giới đã chấp nhận với yêu cầu, chuẩn mực khắt khe nhất”.
Vài năm gần đây, Tập đoàn TH đang tập trung phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao. Đây là mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt với thương hiệu Dalatmilk kể từ năm 2014. Tham gia vào hợp tác xã công nghệ cao, bà con nông dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại, được hỗ trợ về thú y, được hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.
Tại Kon Tum, với mô hình chăn nuôi liên kết với người nông dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao, dự án đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa theo mô hình này lên 20.000 con. Dự kiến sẽ có từ 2.000 đến 4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình.
Song song với mô hình liên kết chăn nuôi, những trang trại của TH còn kiến tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục ngàn lao động xung quanh các vùng dự án thông qua việc liên kết trồng – thu mua cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa cũng như thúc đẩy phát triển các ngành kinh doanh dịch vụ khác.
Quay trở lại nước Nga, sau 5 năm triển khai, các trang trại TH tại đây đang chứng kiến hàng trăm người dân tại tỉnh Moscow và Kaluga trước kia bỏ lên thành phố tìm kiếm việc làm, nay đã quay lại làm việc trên mảnh đất quê hương mình với đồng lương xứng đáng.Khi dự án hoàn thành và hoạt động hết công suất, số lao động được tạo việc làm sẽ lên tới hàng nghìn người. Tập đoàn TH cũng đang làm việc với tỉnh Kaluga để tham gia vào chương trình xây nhà cho cán bộ công nhân viên tại các vùng quê, giúp người lao động ổn định nơi ở, phát triển những vùng quê còn hẻo lánh của tỉnh. Điều này cũng thể hiện cam kết đầu tư lâu dài và có trách nhiệm của Tập đoàn TH với các địa phương.
Theo The Leader