COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Tuy nhiên, nó cũng giúp loại hình kinh doanh trực tuyến (online) và thanh toán điện tử phát triển mạnh nhờ khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp ngành dịch vụ đã nắm bắt thời cơ, chủ động đổi mới sáng tạo, ứng biến kịp thời với tình hình mới, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Từ đó, đưa doanh nghiệp của mình phát triển.
Thúc đẩy các dịch vụ mới phát triển
Theo Bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, COVID-19 là một phép thử kiểm tra tốc độ đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Ngay cả Grab, một startup vốn tự hào lấy các giá trị đổi mới sáng tạo, công nghệ làm xương sống cũng xem đây là dịp kiểm chứng mình đã làm tốt công việc này hay chưa.
Trong mùa dịch COVID-19, siêu ứng dụng này đã tung ra hai dịch vụ mới GrabMart (đi chợ hộ) và Grab Assistant (dịch vụ mua hàng hộ và giao nhanh), những dịch vụ mà hãng tin rằng có thể đảm bảo hệ thống sống lâu dài trong điều kiện giãn cách xã hội và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dùng.
Mặc dù vậy, đại diện Grab cho biết vẫn không tránh khỏi những thiệt hại chung từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hơn 500 đối tác nhà hàng, quán ăn trên nền tảng này bị ảnh hưởng, sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, đối tác tài xế xe 4 bánh phải tạm ngừng hoạt động, lượng khách đi xe hai bánh cũng giảm mạnh.
Cũng theo bà Vân, sẽ có nhiều thay đổi trong lối sống xã hội ngay cả khi dịch COVID-19 đi qua. Do đó, các dịch vụ mới không chỉ ra đời vì hoàn cảnh bắt buộc, mà chúng sẽ trở thành xu hướng lâu dài với các cam kết chất lượng được xây dựng ngay từ đầu.
“Nhiều đối tác nhà hàng của chúng tôi thậm chí sắp chạm vào ngưỡng đóng cửa. Grab đang hỗ trợ quảng cáo, nhận diện truyền thông, khuyến mãi để các nhà hàng này vẫn hoạt động, có thể duy trì qua dịch. Chúng tôi vừa phê duyệt một khoản ngân sách mới giúp đảm bảo thu nhập cho đối tác tài xế”, bà Vân chia sẻ.
Tương tự, đại diện chuỗi The Coffee House cho biết, khi đóng cửa mảng bán hàng trực tiếp ở cửa hàng, cả hệ thống tập trung phát triển mảng bán hàng qua mạng – giao hàng tại nhà. Dù không tiết lộ con số cụ thể về đơn hàng, nhưng chỉ riêng thị trường Hà Nội và TP. HCM, mảng bán hàng này đã tăng trưởng 30% doanh số trong 1 tháng qua.
Mới đây, một báo cáo về marketing online được Công ty CP Công nghệ Haravan công bố cho thấy, mặc dù đang giữa những ngày cách ly xã hội, nhưng một số ngành hàng đang có sự tăng trưởng khá, cá biệt có những ngành hàng, sản phẩm tăng với con số vài trăm phần trăm.
Ngoài việc website học trực tuyến tăng 4 – 5 lần, các sản phẩm – thiết bị nhà bếp, máy tập thể dục tại nhà tăng từ 25 – 46%; các sản phẩm giải trí tại nhà tăng 40%, riêng game online tăng trưởng 56%.
Đặc biệt, thống kê cho thấy sản phẩm đồ chơi trẻ em tăng tới 388%, và khủng nhất là sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng tới 200 lần trong tháng 3. Bán hàng online tăng trưởng ấn tượng kéo theo ngành giao hàng nhanh cũng có mức tăng doanh số lên đến 162 lần.
Thanh toán điện tử lên ngôi
Theo ông Nguyễn Bá Diệp – Phó chủ tịch, đồng sáng lập ví điện tử Momo, các giao dịch thanh toán qua ví Momo với các dịch vụ như mua đồ ăn mang về, đồ dùng thiết yếu, các siêu thị… tăng vọt tới vài trăm phần trăm về doanh thu so với trước tết.
Tuy nhiên, một số ngành hàng do ảnh hưởng của dịch như: xem phim, thanh toán vé máy bay, đặt phòng khách sạn, du lịch… đều bị ngưng giao dịch. Dù vậy, giai đoạn khó khăn này lại là “cơ hội vàng” cho thanh toán điện tử.
“Thanh toán online bây giờ lại là cứu cánh cho các doanh nghiệp, nếu muốn tiếp tục bán được cho khách hàng mùa dịch”, ông Diệp nói và cho biết lượng đối tác khách hàng chấp nhận thanh toán qua ví Momo đã tăng mạnh cùng với gia tăng sản lượng.
Nhiều siêu thị trước đây chưa từng nghĩ tới giao hàng tại nhà, nhưng hiện tại, hình thức người dân lên website của siêu thị đặt ứng dụng giao hàng tại nhà và thanh toán qua ví điện tử hay các ứng dụng ngân hàng đã tăng mạnh. Cũng theo người sáng lập ví Momo, dịch Covid-19 có thể xem là cú hích thay đổi hành vi tiêu dùng của nhiều người dân.
Tương tự ví Momo, các ví điện tử và ứng dụng thanh toán điện tử khác như VNPAY-QR, ZaloPay, VNPT Pay… cũng hoạt động khá hiệu quả trong mùa dịch.
Bà Trương Cẩm Thanh – Giám đốc ZaloPay cho biết: “ZaloPay ghi nhận tăng trưởng mạnh ở các giao dịch chuyển tiền, mua hàng. Nguyên nhân là khi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc thì nhu cầu mua sắm online tăng mạnh. Các đối tác khác như chuỗi các cửa hàng bán đồ ăn, thực phẩm, siêu thị… thay vì bán hàng trực tiếp cũng chuyển sang bán hàng online. Hiện tại, ZaloPay ghi nhận sự tăng trưởng ước đạt 36%”.
Còn theo số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Canh Tý đến giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ 2019.
Bên cạnh đó, ngoài hình thức thanh toán qua ví điện tử, internet banking… các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT-VinaPhone, MobiFone đều đã sẵn sàng gia nhập thị trường mobile money, thanh toán qua điện thoại.
Theo Enternews.vn