Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Chàng trai Indonesia bỏ học Harvard, sáng lập startup kỳ lân Traveloka: Nếu xây dựng dịch vụ tốt, chạm đáy “nỗi đau” của khách hàng, họ sẽ tự tìm đến bạn!

Ferry Unardi là người đồng sáng lập Traveloka – startup “kỳ lân” (được định giá trên 1 tỷ USD) đã và đang thay đổi cách thức hoạt động của ngành du lịch của Indonesia và nhiều nơi trên thế giới.

Tuổi trẻ gắn liền với khoa học máy tính

Ferry Unardi sinh ngày 16/1/1988 tại Padang, Indonesia. Anh tốt nghiệp đại học ngành Khoa học máy tính năm 2008.

Ferry từng nói: “Tôi không coi bản thân là doanh nhân mà là một kỹ sư nhiều hơn”. Tâm trí của anh tập trung nhiều vào những con số và logic, hơn là hoạt động kinh doanh như hầu hết các doanh nhân khác. Thành lập công ty có lẽ là điều mà anh ít nghĩ đến nhất ở thời điểm đó.

Mặc dù vậy, ý nghĩ trên chỉ tồn tại được 3 năm sau khi Ferry làm việc tại Microsoft. Với tư cách là kỹ sư phần mềm cho gã khổng lồ công nghệ, anh nhận ra rằng mình có thể không phải là kỹ sư xuất sắc nhất và quyết định xem xét các cơ hội khác.

Một lần, Ferry còn đến Trung Quốc và dành 6 tháng tại đó để học ngôn ngữ địa phương. Anh phát hiện ra ngành công nghiệp Internet ở đất nước tỷ dân đã phát triển hơn nhiều so với Indonesia và bị ấn tượng bởi những công ty hàng đầu như Alibaba.

Ý tưởng về Traveloka

Khi ở Mỹ, chàng sinh viên Ferry sống ở Boston và sau đó anh chuyển đến Seatlle để làm việc cho Microsoft. Thời gian rảnh, anh thường về thăm nhà ở Padang. Mặc dù vậy, trải nghiệm của anh ngày càng trở nên tồi tệ vì gặp nhiều khó khăn trong việc đặt chuyến bay về nhà. Khi vấn đề này lặp đi lặp lại liên tục, kỹ sư 23 tuổi quyết định bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu “khoảng thời gian căng thẳng nhất” cuộc đời.

Trước khi thành lập Traveloka, Ferry Unardi chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh và cũng không biết cách điều hành công ty. Vì vậy, anh đã “lùi một bước để tiến nhiều bước” bằng cách học MBA (Thạc sỹ quản trị kinh doanh) tại Đại học Harvard. Kế hoạch của anh là lấy bằng MBA để có kinh nghiệm quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ sau một học kỳ, Ferry đã phải hủy bỏ dự định đó.

Khi được hỏi tại sao lại quyết tâm bỏ học trường kinh doanh nổi tiếng nhất thế giới, Ferry trả lời: “Tôi nghĩ đó là định mệnh. Sau khi học ở Harvard, tôi cảm thấy đây không phải cách tốt nhất để phát triển. Khi phát hiện ra cơ hội kinh doanh tiềm năng, tôi nhận thấy mình có thể tạo ra sự thay đổi và đã hợp tác cùng Derianto và Albert để xây dựng Traveloka. Thời điểm đó, ngành bán vé điện tử đang tạo ra sức hút mới ở Indonesia với việc nhiều công ty nhận được vốn đầu tư.

Tôi biết đây là một quyết định rủi ro cao nhưng tôi nhớ đã từng nói với đồng nghiệp của mình rằng: “‘Chúng ta mới 23 tuổi, đủ trẻ để mắc sai lầm và không có thời điểm nào gọi là thời điểm tốt cả. Nếu không tham gia vào thị trường lúc này, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội’. Tôi vẫn còn nhớ phản ứng nghi ngờ của mọi người khi tôi quyết định bỏ dở việc học nhưng tôi biết đây là việc cần phải làm”.

Ban đầu, Traveloka chỉ là nền tảng tìm kiếm và tổng hợp chuyến bay.

Đồng sáng lập Traveloka

Traveloka được thành lập năm 2012. Ferry Unardi, Derianto Kusuma và Albert là 3 nhà đồng sáng lập công ty. Ban đầu, Traveloka chỉ đơn thuần là một công cụ tìm kiếm để so sánh giá vé máy bay với dữ liệu lấy từ các trang web khác. Tóm lại, đây chỉ là nền tảng tìm kiếm và tổng hợp chuyến bay.

Lý do Traveloka được tạo ra rất đơn giản: 3 người đồng sáng lập đều là kỹ sư, họ làm những gì mình thích và làm tốt nhất. Họ tập hợp tất cả lại để xem điều gì sẽ xảy ra. Thời gian đầu, họ chỉ dựa vào chính mình mà không có bất kỳ tổ chức hay nhà đầu tư nào hậu thuẫn. Sau 6 tháng, trang web Traveloka được đưa vào hoạt động thử nghiệm. Thế nhưng thị trường muốn nhiều hơn như vậy!

Traveloka giúp việc du lịch tự túc thuận tiện hơn.

Ferry cho biết: “Không lâu sau, chúng tôi nhận ra vấn đề không chỉ là việc tìm kiếm các chuyến bay mà còn về giao dịch. Trong khi vé điện tử ở Indonesia vừa mới nở rộ, khách hàng thường xuyên cảm thấy không hài lòng với giao dịch trực tuyến bởi họ không thích phải thực hiện quá nhiều bước khác nhau trong nhiều dịch vụ khác nhau để hoàn tất quá trình mua hàng của mình”.

Và đây chính là điểm mà Traveloka có thể tận dụng.

Tháng 11/2012, Traveloka tuyên bố nhận tài trợ từ East Ventures. Nhờ khoản vốn này, công ty đã biến thành một trang web thương mại để đặt chuyến bay. Tất nhiên, các nhà đồng sáng lập phải chấp nhận mạo hiểm bởi khi đó, Traveloka không còn đơn thuần là một trang web so sánh mà liên quan đến giao dịch của các bên.

Ban đầu, Ferry thừa nhận rằng không hãng hàng không nào muốn trở thành đối tác của họ. Dù vậy, nhóm của anh vẫn không bỏ cuộc và tìm cách để tăng lượng truy cập trang web. Mục đích của các nhà sáng lập là có chỗ đứng vững chắc trước khi bán bất cứ thứ gì trên thị trường.

Thành công bước đầu

Theo thời gian, cùng nhiều tính năng bổ sung và lưu lượng truy cập ấn tượng, Traveloka cuối cùng đã trở thành startup du lịch trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á và kiểm soát phần lớn việc đặt vé du lịch online tại Indonesia.

Hiện Traveloka có hơn 2.000 nhân viên và cung cấp dịch vụ tại nhiều quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore. Bắt đầu chỉ đơn thuần là nền tảng đặt vé máy bay, giờ đây Traveloka đã có hơn 10 sản phẩm về lĩnh vực du lịch và lối sống. Lưu lượng truy cập ứng dụng này đạt hàng chục triệu lượt mỗi tháng.

Một nhóm nhân viên của Traveloka.

Traveloka nhận được 5% lợi nhuận cho mỗi giao dịch được thực hiện trên trang web của mình. Cuối tháng trước, Traveloka đã tiết lộ kế hoạch huy động 500 triệu USD trong vòng gọi vốn mới, nếu thành công, nó sẽ nâng mức định giá của công ty lên 4,5 tỷ USD.

Chia sẻ về thành công của công ty, Ferry cho biết: “Nếu xây dựng dịch vụ tốt, mọi người sẽ tìm đến bạn! Tôi tin rằng chúng ta không nên tạo ra một dịch vụ mà người dùng chỉ tìm được vài tính năng yêu thích mà thay vào đó, hãy tìm cách khiến họ yêu thích toàn bộ dịch vụ. Đây là triết lý kinh doanh của Traveloka. Chúng tôi tập trung vào việc nắm bắt và hiểu nhu cầu của khách hàng. Tất cả các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi đều dựa trên “nỗi đau” của họ”.

Duni

Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp