Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Khởi nghiệp và bài toán thương hiệu 100 năm

Khởi nghiệp từ số không hay trên nền tảng thành công cũ đều không dễ dàng khi cùng một lúc phải giải rất nhiều bài toán khó như nguồn nhân lực, gọi vốn, phát triển bền vững…

Lời chia sẻ mang tính hiệu triệu của TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đánh giá về sức lan toả từ chương trình CEO Forum của CLB CEO – Chìa khoá thành công thực hiện trong suốt 15 năm qua, đã thực sự chạm và trái tim mỗi doanh nhân trước những vấn nạn khủng khiếp của môi trường sống đang bị tổn thương nghiêm trọng và những cạnh tranh khốc liệt trong thời đại số.

Ông Lộc nhìn nhận, chưa bao giờ vai trò của doanh nhân lại được xác định rõ như hiện nay. Góp phần vào sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, phải kể đến vai trò của CLB CEO Chìa khoá thành công với chương trình CEO Forum, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp bền bỉ và có sức sống nhất trong nhiều năm qua, thúc đẩy xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thắp lửa, dẫn dắt cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam. 

Bắt đầu từ thông điệp: “Làm giàu không khó”, đó là con đường thứ nhất với một đất nước không có truyền thống kinh doanh, nhằm thúc đẩy tinh thần làm giàu. Làm giàu một cách nhân văn, bền vững thì khó hơn rất nhiều, đó là chinh phục con đường thứ hai.

“Tôi rất tâm đắc với thông điệp ‘Phát triển bền vững trong thời đại số’ được đưa ra tại CEO Forum 2019. Chúng ta đang sống trong thế giới ảo, đỉnh cao của thế giới thật. Muốn thành công trong thế giới ảo, phải làm ăn với một tình yêu rất thật, để có thể bền vững trong tương lai.

Chủ đề chạm vào đúng tinh thần doanh nghiệp, cần khởi nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số. Thế giới kết nối hiện không còn ranh giới, bản thân mỗi doanh nghiệp phải trở thành một tiểu vũ trụ, không có còn đường nào khác là phát triển bền vững và chuyển đổi số. Đó chính là giấy thông hành để chúng ta bước vào thị trường”, ông Lộc khẳng định.

Ba chìa khóa – Khởi nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số

Chủ tịch VCCI cũng lưu ý rằng, thời gian qua, từ nhà quản lý đến doanh nghiệp và cả truyền thông đều nói quá nhiều về bền vững nhưng lại quá ít mô hình phát triển bền vững. Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) tiên phong với mô hình xử lý rác thải nhựa, kết nối các doanh nghiệp dẫn đầu trong nhiều ngành khác nhau. 

“Tôi rất mong chương trình sẽ góp phần lan toả những mô hình công nghệ, tiêu chuẩn, lý thuyết phát triển bền vững mà doanh nghiệp có thể thực thi được, đến được các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đó là hướng đi quan trọng. Phát triển bền vững phải ở trong tim mỗi doanh nghiệp mới hy vọng có được những thương hiệu 100 năm”, ông Lộc nói.

Thứ hai, theo ông Lộc là tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, sợi dây xuyên suốt trong hoạt động của doanh nghiệp, bước vào kỷ nguyên siêu kết nối, để biến những giọt nước li ti thành biển cả. Đó là bản chất của thế giới ngày nay. Chuyển đổi số nhấn mạnh đến tính người, tính nhân văn của thế giới này chứ không chỉ là công nghệ. 

Vậy những startup từ số không có nên nhắm đến tiêu chí bền vững ngay từ đầu? Khi nào thì có thể “gả bán” cho các nhà đầu tư cá mập? Về nhân sự cốt cán, làm thế nào để họ không trở thành đối thủ của mình? Những câu hỏi này đã được các doanh nhân lý giải trong sự kiện CEO chìa khoá thành công – CEO Forum 2019 vừa tổ chức tại TP. HCM dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Sáng lập và điều hành một doanh nghiệp xã hội, ông Huỳnh Hạnh Phúc – Chủ tịch HĐQT Teach For Vietnam chia sẻ, ý tưởng chỉ là phần nhỏ, thực thi mới là quan trọng, giúp cho ý tưởng tròn đầy hơn. Khác biệt giữa một doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp bình thường là làm sao vừa kiếm được doanh thu vừa hoàn thành trách nhiệm cộng đồng. Muốn làm được điều đó phải tìm đúng người đầu tư có cùng tầm nhìn. 

“Thách thức đầu tiên với một doanh nghiệp giáo dục phi lợi nhuận là nguồn vốn, ban đầu phải huy động từ gia đình, bạn bè thân thiết, khi phát triển đến một mức nào đó rồi mới huy động được của các quỹ. Nhân lực giỏi thường chạy về thành phố hết, làm sao để nhà đầu tư tin đây là một sự đầu tư xứng đáng? Làm sao một bạn trẻ từ thành phố chịu đến vùng xa xôi làm việc? Tôi đã mất rất nhiều thời gian để giải các bài toán đó”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, muốn giải bài toán nguồn nhân lực, phải xuất phát từ tư duy chủ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là vườn ươm các lãnh đạo. Ở công ty, ông Phúc áp dụng 3 giá trị: Mục tiêu cao cả để mỗi nhân viên cảm thấy tự hào; Mang trọn vẹn cái tôi tại nhà đến công sở khiến họ rất thoải mái, hạnh phúc; Tính tự quản trị, tự ra định hướng tốt nhất trong vai trò của mình. 

Ông Huỳnh Hạnh Phúc – Chủ tịch HĐQT Teach For Vietnam (Ảnh: Báo dầu tư)

“Tôi không ngại khi các nhân sự chủ chốt muốn có sự nghiệp riêng, bởi càng có người lan toả giá trị của doanh nghiệp mình thì càng thành công hơn. Tôi xây dựng hệ sinh thái chứ không xây dựng một đế chế, sẵn sàng coi họ là đồng sự và có thể gọi vốn từ bên ngoài để đạt sứ mệnh”, ông Phúc khẳng định.

Về bài toán nguồn vốn, Chủ tịch Teach For Vietnam cho rằng, với một doanh nghiệp nhỏ, những ngày đầu không nhiều tiền, kế toán thuê ngoài, dưới 10 người có thể làm vậy được. Nhưng khi quy mô đã lên 60 người thì phải xây hệ thống, nhờ tư vấn xây dựng KPI. 

Ví dụ như việc để tuyển dụng CEO cho Teach For Vietnam với mức lương khoảng 25 ngàn USD, công ty đã dùng trí tuệ nhân tạo để tìm ra người đó. Tuy nhiên dùng trí tuệ nhân tạo giảm thời gian tìm kiếm xuống còn 1 tháng nhưng 10 người chọn ra khi phỏng vấn lại thấy không phù hợp. 

“Theo tôi không nên đầu tư quá lớn cho trí tuệ nhân tạo mà dữ liệu không phù hợp, nên thuê ngoài để có dữ liệu tốt hơn, hiệu quả hơn, quan trọng là làm sao giữ bí mật công ty”, ông Phúc cho biết.

Ở một góc nhìn khác, với một startup trong lĩnh vực công nghệ, khi mà hành lang luật pháp chưa rõ ràng, dù có thể tận dụng cơ hội làm giàu nhưng với ông Trần Thanh Hải, nhà sáng lập kiêm CEO BeGroup lại luôn xác định hướng đến sự phát triển bền vững ngay từ đầu. 

Ông Hải chia sẻ: “Ứng dụng gọi xe Be bắt đầu từ phát triển bền vững. Nền kinh tế chia sẻ đang đặt ra vấn đề không bền vững, ví dụ như các ứng dụng gọi xe hiện nay không bảo đảm về chế độ bảo hiểm cho người lao động. Ngay bản thân chúng tôi cũng đấu tranh rất nhiều để làm sao xây dựng được hình ảnh, lý tưởng của mình, cùng với cơ quan quản lý hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp startup về công nghệ.

Nhà sáng lập kiêm CEO BeGroup Trần Thanh Hải (Ảnh: Thanh niên)

Tôi có duyên làm những thứ mà luật chưa có, giống như làm game trước đây, giờ làm dịch vụ gọi xe, khi khung pháp lý chưa rõ ràng. Tất nhiên là làm những gì luật không cấm nhưng phải nhìn ra những vùng xám, vùng cấm, để thận trọng hơn. Dĩ nhiên, trong suốt quá trình đó, phải sống chết với ý tưởng, phải suy nghĩ nhiều về nó mới tìm ra được một ý tưởng tốt. Nhưng tôi không tin vào sức mạnh của ý tưởng, hơn 75% đầu tư cho con người. Nếu có đội ngũ tốt sẽ làm được rất nhiều thứ.

Tôi bắt đầu từ số không nên rất sợ thiếu vốn. Hãy bắt đầu từ niềm tin vào chính mình, nếu không thuyết phục được chính mình thì làm sao thuyết phục được người thân, bạn bè, càng không thể thuyết phục nhà đầu tư. Nếu có sản phẩm thực sự tốt, có đội ngũ tốt thì chắc chắn vốn không phải là vấn đề”.

Theo CEO BeGroup, đi gọi vốn mà đặt vấn đề hơn thiệt là sai, phải coi nó là cơ hội. Nếu gọi vốn được sẽ củng cố niềm tin của chính tập thể, rằng việc mình làm là đúng, biết được việc đang làm đáng giá bao nhiêu tiền. 

Có 4 nguyên tắc để gọi vốn thành công: Có tin vào những gì mình làm không; Phải thể hiện cho nhân viên thấy niềm tin đó; Hoàn toàn có thể vận hành ý tưởng đó; Có thể trình bày với các đầu tư để kêu gọi tài chính. Quan trọng hơn cả trong gọi vốn là phải làm sao để người đối diện hiểu được câu chuyện của mình. 

Chỉ trong thời gian ngắn, BeGroup có nhiều người tài về, ai cũng có sân riêng còn lãnh đạo như ông Hải ví von chỉ “giống như cu ly”, phải trao quyền cho họ, làm sao để họ có được môi trường làm việc tốt nhất, giống như những đầu máy, để họ tự chạy. 

“Mỗi tháng tôi mời các trưởng nhóm dẫn đầu ngồi với nhau một giờ, chia sẻ mọi thứ. Họ đến với mình vì những mục tiêu hơn cả tiền, họ ở lại vì được sống hạnh phúc chứ không phải vì bạn. Tuyển người thông minh mà chỉ cho họ phải làm gì thì tốn công vô ích. Làm trong lĩnh vực công nghệ, đào tạo các bạn lên trở thành người tốt nhất, mạnh nhất, thay vì đối thủ, họ trở thành đối tác của hệ sinh thái. Tạo điều kiện cho họ khởi nghiệp trong chính doanh nghiệp của mình thay vì đi ra ngoài”, ông Hải cho biết.

Về hệ thống quản lý, BeGroup dùng chiến lược bình dân hoá hệ thống, quan trọng là thái độ làm việc hướng đến kết quả. Nhận đầu việc mà không đạt, kể cả vì lý do khách quan thì vẫn phải loại nếu không họ sẽ không học được tại sao bị loại. Không tính được các rủi ro đó cũng là một loại năng lực, là bài học để không lặp lại điều đó trong tương lai.

Startup từ nền tảng thành công cũ liệu có dễ dàng?

Ông Lý Qúi Trung, CEO tập đoàn AKA chia sẻ tâm tư của một người đã thành danh với Phở 24, nay bắt tay vào lĩnh vực nội thất hoàn toàn mới và cũng đầy thách thức, phải mất 5 năm chỉ để suy nghĩ.

Ông Lý Qúi Trung, CEO tập đoàn AKA (Ảnh: CafeF)

“Là người khởi nghiệp từ số không với Phở 24, sau đó tiếp tục làm kinh doanh khác, tôi nghĩ startup đi từ zero lãng mạn lắm, bắt đầu đi từ trái tim, từ cái mình yêu nhất. Còn startup thứ hai sẽ đi từ lý trí nhiều hơn, thấy cái gì thị trường cần thì làm, kết nối sự cân bằng giữa lý trí và con tim.

Khi nhảy qua lĩnh vực nội thất, tôi muốn thử cái mới, thấy rất tiềm năng, phần trái tim chừng 30-40%, về hiệu quả chiếm nhiều hơn, phải có sự tính toán kỹ càng hơn. Hồi đầu khởi nghiệp lúc nào tôi cũng nghĩ mình làm ẩm thực, nhưng cách nghĩ đó sai. Tôi mất 5 năm để suy nghĩ câu hỏi đó. 

Sau khi bán Phở 24, tôi không biết mình phải làm gì, vì cái gì cũng nhỏ hơn quy mô cũ, vì mình gắn với nó quá chặt. Sau khi suy nghĩ, hiểu mình hơn, tôi thấy mình không phải chỉ làm ẩm thực, mà đam mê làm những gì mới hơn, lớn hơn mỗi ngày, để thoả sức đam mê.

Ngày nào tôi cũng có ý tưởng mới, nhưng để có ý tưởng tốt, mình phải thai nghén với nó, có bầu với nó đủ 9 tháng 10 ngày thì nó mới chín mùi, còn ý tưởng làm ngay thì rủi ro rất lớn”. 

Chia sẻ lời khuyên với các startup, ông Trung lưu ý, trước khi có nhà đầu tư cá mập, startup cần kêu gọi người thân, bạn bè, đặc biệt các nhà đầu tư thiên thần. Doanh nghiệp dù lớn dù nhỏ, muốn lớn hơn phải quản trị bằng hệ thống, kể cả doanh nghiệp gia đình. Trong rất nhiều thứ phải chuẩn bị thì nên chuẩn bị con người trước để có thể đi tới tương lai. 

Một startup sau 3 năm không thành công mà cũng không thấy có tương lai, ánh sáng nào cuối đường hầm thì không có gì lấn cấn cả, phải đóng cửa nó. Chuyện kết liễu nó quan trọng không kém so với mình bắt đầu. 

“Tôi từng đóng cửa thường xuyên những cửa hàng khi mình thấy nó không có lời. Nhiều bạn startup thất bại nhưng vẫn kéo xác chết đó đi xa vì sĩ diện khiến thiệt hại cả về tài chính lẫn cơ hội. Chẳng có gì xấu nếu mình đóng cửa doanh nghiệp hoặc phải tiếp tục nó với một cách khác thông minh hơn”, ông Trung nói.

Về phương diện gọi vốn, theo vị CEO Tập đoàn AKA, những startup bắt đầu từ số không vấp phải rất nhiều khó khăn khi gọi vốn, bị nhà đầu tư o ép rất nhiều. Vậy phải làm sao để nhà đầu tư không ăn hiếp startup? 

Thứ nhất, nếu ý tưởng kinh doanh còn sớm quá mà tiếp cận nhà đầu tư trước sau gì cũng bị ăn hiếp, ý tưởng đó phải chín mùi. Thứ hai phải làm “bài tập ở nhà” cho tốt. Startup có điểm dở do mình non trẻ, do không làm bài tập ở nhà. Đây là điều nhiều người khởi nghiệm phạm phải.

Người bán lúc nào cũng muốn bán giá cao, người mua lại muốn mua giá thấp. Việt Nam hiện đã có nhiều công ty tư vấn. Cách định giá từng ngành đã có công thức. Chủ doanh nghiệp thì phải có cách định giá của mình, sau đó nhờ công ty tư vấn chuyên nghiệp. Nếu họ định giá thấp hơn thì không ổn, phải tìm nhà tư vấn khác để so sánh thêm. Nếu không hiểu cách định giá doanh nghiệp, nghe người khác sẽ rất bối rối, do đó phải có khái niệm để khi nghe tư vấn không bị rối. 

Với nhân viên giỏi, nhiều công ty áp dụng chính sách biến họ thành đồng sở hữu công ty, thứ hai giúp họ bành trướng thương hiệu của mình sang những thành phố khác, tỉnh khác. Quan trọng là phải làm sao để những người giỏi trở thành đồng sự, hoặc mở chi nhánh cho họ làm chủ, đem theo thương hiệu của mình đi xa, để né bớt đối thủ cạnh tranh?

Là một doanh nghiệp đã thành công, khi startup một lĩnh vực hoàn toàn mới, thất bại đầu tiên với bà Vũ Ngọc Hương, CEO Venus lại chính là quá tự tin.

Bà Vũ Ngọc Hương, CEO Venus (Ảnh: Báo dầu tư)

“Cái bẫy đầu tiên với tôi là mình quá tự tin, cứ nghĩ đã thành công, có thể thành công tiếp, và tôi đã phải ngừng startup đó, dù không khó về nguồn vốn. Nó không chết nhưng mình không thể quản trị được nhân viên. Tôi bỏ bê gia đình, chăm lo con cái chểnh mảng. Con tôi thấy mẹ đầu bù tóc rối hỏi tại sao mẹ lại vất vả như thế làm gì? Tôi mang bầu đứa con tiếp theo, rồi sanh non… Rõ ràng đừng làm cái gì khi nó đóng cửa với mình, có thể vẫn giữ nó trong tim, đến lúc nào đó có điều kiện thì làm tiếp nhưng đừng quá cay cú với nó”, bà Hương chia sẻ. 

Theo vị nữ doanh nhân này, dù startup trên nền tảng đã có, huy động vốn là cần thiết vì đã kinh doanh không có nghĩa cứ đem tiền trong két ra làm. Nhưng làm sao sau khi huy động vốn, đừng cảm thấy đáng tiếc, vì bị ăn hiếp hoặc bị bán rẻ quá? Muốn thế ngay từ đầu phải xác định rõ ràng phần nào nên thương mại hoá, phần nào không thương mại hoá. Gọi vốn quá cao sẽ không gặp được nhà đầu tư, gọi quá thấp thì rất dễ bị nhà đầu tư nuốt trọn, phải chịu thiệt thòi. Trong vai trò nhà kinh doanh, phải nghĩ tới làm sao cho bền vững thì cơ hội xem xét đầu tư sẽ đến tốt hơn.

Để giữ người tài, bà Hương luôn cho nhóm dẫn đầu cùng hoạt động, chia sẻ các giá trị cùng nhau. Tuy nhiên có người sẽ không thoả mãn, muốn ra khởi nghiệp. Đối với những trường hợp này, bà Hương cho rằng, không hề có vấn đề, hãy cố gắng coi họ không phải đối thủ. 

“Trong điều hành, tôi tôn trọng việc ai nấy làm, người đứng đầu phải điều phối được mối quan hệ giữa những người tài đó. 

Văn hoá doanh nghiệp rất quan trọng, người đi làm phải từ lợi ích của họ, không chỉ là tiền. Về hệ thống quản lý, ban đầu công ty nhỏ, mình tự làm, đến lúc phát triển phải nhờ công ty chuyên nghiệp tạo dựng hệ thống, đào tạo con người để vận hành hệ thống đó. Nguyên tắc chung là mỗi cá nhân chỉ cần quan tâm tới việc mình làm thôi”, CEO Venus khẳng định. 

Ở góc độ của một nhà đầu tư cá mập, khi startup một lĩnh vực hoàn toàn mới là chăm sóc sức khoẻ, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty đầu tư Xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) cho rằng, khi startup khó nhất là chọn đúng người, giao đúng việc.

Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom (Ảnh: Cafebiz)

Theo ông Việt, đối với doanh nghiệp, khi thấy thị trường cần cái gì sẽ đầu tư, chỉ cần giao đúng người, chọn đúng việc. Đầu tiên ông làm thuỷ điện, phát triển nhà ở, thấy vấn đề chăm sóc sức khoẻ là cơ hội lớn nhưng rủi ro cao. Bất động sản y tế lại khác, người khác sợ thì cũng chính là cơ hội của mình. 

“Để khởi nghiệp phải có chút bay bổng. Tôi quyết định làm chăm sóc sức khoẻ, bởi thế mạnh cốt lõi của tôi là làm dự án rất nhanh, chứ không phải dựa vào người khác hoàn toàn. Doanh nghiệp làm y tế nên là một doanh nghiệp xã hội”, ông Việt nói.

Liên quan đến tài chính, làm cách nào startup có thể mở được các cánh cửa của nhà đầu tư, Shark Việt tiết lộ: “Phải tầm sư học đạo, tìm người cố vấn cho mình đã từng xông pha trận mạc. Tôi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam cũng là để giúp các bạn khởi nghiệp, để hạn chế các rủi ro. Người thông minh có thể không có nhiều tiền nhưng người nhiều tiền chắc chắn thông minh. Thuyết phục được họ bạn phải thành thật với chính mình trước đã. Cân bằng giữa lòng tham của mình và lòng tham của nhà đầu tư.

Xem qua các chương trình Shark Tank Việt Nam, nhiều bạn thắc mắc thấy đôi mắt tôi rất mơ màng! Tôi không tin con tim lắm, tôi tin vào cái đầu. Mình muốn giúp startup thì phải bằng trí tuệ, còn khi lên chương trình thấy tôi mơ màng, tôi muốn đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người thôi. Kinh doanh mà không đánh lạc hướng sẽ thất bại. Con người ai cũng cần may mắn, cái ta thiếu nhất là lòng tin. Thiếu lòng tin người trên nhìn vào người dưới và ngược lại, cứ nghĩ người ta đang lừa mình cái gì đó thì làm sao làm ăn lớn được”.

Làm doanh nhân, theo Shark Việt, thần kinh phải vững, chịu đựng đủ các loại bão mà một trong đó là vốn. Hãy nhìn vào túi mình xem phải chia sẻ cơ hội cho ai. Bây giờ nghề khách sạn, gọi xe đều theo mô hình kinh tế chia sẻ, hãy chia sẻ bát cơm của mình đi, bao giờ cũng phải nghĩ ngày mai doanh nghiệp mình có thể bị phá sản để từ đó mở lòng hơn với mọi người, với nhà đầu tư.

Về nhân sự, làm cách nào cho nhân viên không trở thành đối thủ của mình? Theo ông Việt, quan trọng nhất là xử thế. “Huy động nhân lực, giữ người là khó nhất. Giống như gọi vốn, phải đi giữa mong muốn của mình và của nhân viên. Lệch về mình thì mọi người không đi cùng nữa, lệch về nhân viên thì mất rất nhiều tiền. Người làm vua giỏi nhất là quản lý được những người giỏi, nếu 2 người cùng 1 lĩnh vực thì chia tách ra. 

Người tài cũng có điểm yếu, phải nhìn thật sâu vào họ để biết họ thích gì? Có người chiều về thích đi nhậu một tí, có người thích mỗi tuần ông chủ phải ngồi với mình một tí… Thuyền to sóng lớn, doanh nghiệp nào cũng cần nhân sự, phải biết cách giao khoán việc cho họ, tách họ ra. Ngoài việc làm kinh doanh, bạn phải hình thành một bộ phận nhân sự tốt nhất phù hợp quy mô doanh nghiệp. Khi bé đi đôi giày nhỏ, tìm người phù hợp, khi lớn tìm người giỏi hơn chút, quan trọng nhất vẫn phải là tình người”, Shark Việt nhấn mạnh.

Kim Yến

Theo The Leader