Ngược lại với không khí trầm lắng của thị trường chứng khoán, kênh mua bán doanh nghiệp và các dự án đầu tư vẫn tiếp tục ghi nhận những giao dịch rất đáng chú ý.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐTNN là 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn ĐTNN qua kênh góp vốn, mua cổ phần là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các NĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,15 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư đăng ký…
Điển hình trên thị trường bất động sản, mới đây Tập đoàn bất động sản Singapore Keppel Land bất chợt công bố thương vụ mua lại 60% lợi ích tại 3 lô đất, tổng diện tích 6,2 tại Nhà Bè từ tay của Phú Long. Giá trị giao dịch M&A này lên đến 1.304 tỷ đồng. Theo quy hoạch hiện hữu, 3 lô đất sẽ được phép phát triển khoảng 2.400 căn hộ cao cấp, đi kèm với 14.650 m2 diện tích phân khu thương mại. Tổng chi phí phát triển các dự án này (bao gồm cả chi phí đất) rơi vào tầm 7.400 tỷ đồng, đóng góp thêm một điểm nhấn vào diện mạo khu Nam.
Một thương vụ M&A khác là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) bất ngờ công bố chuyển nhượng thêm một phần lợi ích trong dự án để thu về 1.120 tỷ đồng. Với số tiền thu về, áp lực tiền mặt của CII đã giảm hẳn và công ty dự kiến sẽ hủy đợt phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng đã lên kế hoạch từ trước.
Một cách lặng lẽ, Hưng Thịnh Corp. đã thâu tóm lại một dự án đang triển khai của Công ty Đức Khải tại quận 7 và đổi tên thành Q7 Boulevard. Dự án có tổng cộng khoảng 1.000 căn hộ (bao gồm cả phân khu nhà ở xã hội), dự kiến sẽ sớm được giới thiệu ra thị trường.
Trên thị trường bán lẻ, một thương vụ chuyển nhượng gây nhiều bất ngờ là Saigon Coop thâu tóm lại toàn bộ chuỗi siêu thị Auchan (Pháp). Đây là một bước đi nhằm củng cố thêm cho vị trí dẫn đầu của Saigon Coop. Đồng thời nó cũng cho thấy ngày càng nhiều các nhà bán lẻ trong nước có đủ tiềm lực để dẫn dắt cuộc chơi và cạnh tranh sòng phẳng với các nhà bán lẻ ngoại như Central Group, Emart hay Aeon.
Theo ông Desmond Sim – Trưởng bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á của hãng CBRE, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại khu vực này đang chứng kiến sự tăng trưởng trên tất cả các phân khúc bất động sản. “Đó giống như một con rồng đang thức giấc”, ông Sim chia sẻ.
Là một trong những quốc gia được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam mang đến cơ hội kinh doanh thuận lợi cho ngành hạ tầng cảng biển và logistics.
Đó là động lực để Tập đoàn Sumitomo (Nhật) mua lại 10% cổ phần của Công ty cổ phần Gemadept. Theo tờ Nikkei Asia Review, Gemadept hiện sở hữu 6 cảng, xử lý 1,7 triệu container và chiếm hơn 10% thị phần ở Việt Nam. Còn Sumitomo đang quản lý 3 khu công nghiệp ở ngoại thành Hà Nội và một cơ sở logistics ở quốc gia Đông Nam Á này. Như vậy thông qua thương vụ trên, Sumitomo muốn xây dựng một hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Trên lĩnh vực sản xuất xi măng, nhà đầu tư đến từ Malaysia là YTL Cement đã bất ngờ vượt qua hàng loạt các đối thủ khác từ Indonesia và Thái Lan để trở thành cổ đông chiến lược của Công ty xi măng Fico Tây Ninh – một trong những thương hiệu xi măng nổi tiếng nhất tại thị trường phía Nam.
Công nghệ cũng là lĩnh vực chứng kiến một số thương vụ đầu tư đáng chú ý. Đơn cử mới đây Quỹ VinCapital rót gần 4 triệu USD vào nền tảng tư vấn bất động sản bằng công nghệ cao Rever. Hay như thương vụ Dentsu Aegis Network mua lại Ambient Digital Vietnam – đơn vị cung cấp các dịch vụ truyền thông kỹ thuật số độc lập hàng đầu trong nước. Sau khi mua lại, Ambient Digital Vietnam sẽ được đổi tên thành iProspect Vietnam. Một dẫn chứng nữa chính là thương vụ huy động vốn thành công của nền tảng du lịch trực tuyến Vntrip từ Jubilee Capital Management, một quỹ đầu tư mạo hiểm xuyên biên giới Asean-Trung Quốc…
Một lĩnh vực khác dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới là du lịch nghỉ dưỡng khi khá nhiều các nhà đầu tư săn tìm các resort, khách sạn 4-5 sao tại các trung tâm kinh tế và các địa phương có tiềm năng lớn về du lịch giải trí như Phú Quốc, Hội An, Đà Nẵng, Bình Thuận, Cam Ranh, Bà Rịa- Vũng Tàu.
“Chúng tôi thấy một sự đột biến trong việc mua lại bất động sản tại các điểm đến nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Rất nhiều các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí Nhật Bản đang mua bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam”, ông Mark Hoplamazian – CEO của Tập đoàn Hyatt nhận định trên CNBC.
Theo Vietnam Finance and Business