Sau 5 năm từ bỏ vị trí giảng viên đại học bao người mơ ước để lấn sân sang lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ, CEO trẻ Nguyễn Quang Đức kể lại hành trình gian nan đó với triết lý: Những công việc xuất phát từ tâm thì lúc nào cũng thành công!
Nói về những ngày đầu lấn sân sang sự nghiệp kinh doanh, CEO 8X nhớ lại, cũng như con sâu được thoát khỏi cái “kén” của sự ổn định, anh lúc đó như một chiến sĩ hừng hực khí thế ra chiến trường đương đầu với chông gai phía trước.
Ít ai nghĩ được Anh Nguyễn Quang Đức – CEO của một hệ thống học viện ngôn ngữ lớn lại từng là một người giảng viên ngành kỹ thuật, không có một chút gì liên quan đến ngoại ngữ, hay kinh tế.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, xung quanh xóm làng không nhiều người có điều kiện để đi học. Thấu hiểu được sự vất vả của gia đình và mọi người, chàng trai ấy đã quyết tâm học hành giỏi giang để sau này trở thành người có ích cho xã hội, đỡ đần bố mẹ, giúp đỡ quê hương.
Tháng 9/2009 ở tuổi 23 vừa tốt nghiệp Đại học, rất nhanh chóng anh được bổ nhiệm làm giảng viên tại trường với thành tích học tập đáng nể. Vậy là ước mơ đã trở thành sự thật.
“Năm 23 tuổi khi đã trở thành một người giảng viên ngành kỹ thuật, tôi tự hứa sẽ cống hiến hết sức mình cho nền giáo dục Việt Nam. Ở cái thời lúc bấy giờ, nghề giáo được tôn trọng bậc nhất, bố mẹ, họ hàng tôi cũng được hàng xóm yêu quý hơn.”
Anh hồi tưởng lại.
Ròng rã suốt 5 năm cống hiến cho nghề trồng người, chàng trai 8X lúc ấy đang có một cuộc sống nhiều người mơ ước: Gia đình nhỏ, bố mẹ, sự tôn trọng mọi người, thu nhập dư dả.
“Điều khiến tôi trăn trở và quyết định chia tay trường đại học là vì hàng năm chứng kiến nhiều lứa sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành. Nhu cầu thị trường thì nhiều chứ, nhưng cái sinh viên chúng tôi thiếu đó là ngoại ngữ.” Anh chia sẻ.
Chính sự dằn vặt đó đã thôi thúc anh đi tìm giải pháp việc làm cho chính sinh viên của anh nói riêng và sinh viên ra trường nói chung.
Cuộc gặp gỡ định mệnh với những người cùng chung lý tưởng
Đang trong giai đoạn trăn trở với trăm ngàn những suy tư về việc làm cho sinh viên của mình, anh đã có may mắn gặp được những người có tâm có tầm nhất trong lĩnh vực đào tạo và cung ứng nhân lực ở Việt Nam. Sau những cuộc trao đổi đầy hứng khởi về tương lai phát triển nguồn nhân lực ở nước nhà, anh đã tìm thấy được những con người cùng chung mục đích cùng chung chí hướng. Tự nhủ rằng cơ hội chỉ đến với ta vài lần trong đời, anh đã đưa ra quyết định lớn nhất cuộc đời mình: Từ bỏ con đường giảng viên đại học ở tuổi 28.
Mặc kệ sự phản đối từ phía gia đình, sự tiếc nuối từ họ hàng, làng xóm. Anh nhất định phải thay đổi!
“Thoát ra khỏi lũy tre làng là điều mà không ai dám nghĩ lúc bấy giờ, nhưng tôi phải làm vì tương lai sinh viên của tôi” Anh chia sẻ.
Bước vào nghề mới – từ một thầy giáo kỹ thuật, anh trở thành Giám đốc điều hành của một trung tâm ngoại ngữ với quy mô nhỏ lẻ. Thời gian đầu có những hôm 10 giờ mới bắt đầu từ trung tâm về nhà. Đói, mệt nhưng mà thấy yêu nghề lắm. Vì mỗi học sinh lựa chọn con đường mình dồn bao tâm huyết xây dựng nên là coi như cánh cửa tương lai rộng mở thật sự.
“Tôi làm nghề cung ứng nhân lực không phải nghề tuyển sinh, mục đích cuối cùng của tôi là tạo ra công ăn việc làm cho học sinh của tôi sau này bằng chính những gì Việt Nam đang thiếu – đó là ngoại ngữ” Anh khẳng định.
Bằng năng lực của mình tại nơi làm mới, anh nhanh chóng có chỗ đứng, niềm tin của học viên về đào tạo ngoại ngữ để lập nghiệp. Thứ ngoại ngữ anh hướng tới không phải là tiếng Anh nữa, đó là tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung.
Trả lời cho câu hỏi vì sao lại lựa chọn tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, anh chỉ ra rằng: “Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc là 3 đất nước có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, vốn đầu tư nhiều nhất. Nếu sớm học 3 thứ tiếng đó thì cơ hội việc làm cho sinh viên là rất lớn”.
Những ngày đầu cùng đồng đội ra thành lập Hệ thống học viện ngôn ngữ là những ngày gian khổ nhất cũng là những ngày đáng nhớ nhất.
“Lúc đó chúng tôi có 2 người, phải đi ngồi nhờ văn phòng của một tập đoàn trên đường Trần Quốc Hoàn.. Bài toán tìm địa điểm để nhân viên làm việc và học viên học cũng thật đau đầu. Hết sự cố này đến sự cố khác. Học viên lúc đó phải học nhờ ở Trường cán bộ hội nông dân. Trời nóng bức mà không có điều hòa, đèn thì hỏng. Nhìn anh em làm việc trong môi trường thiếu thốn đã khiến tôi phải nhanh chóng tìm địa điểm hợp lý cho học sinh học, mà còn thoải mái cho anh em làm việc. Sau hơn 5 tháng với đủ thứ trớ trêu, chúng tôi cũng đã có được ngôi nhà 5 tầng khang trang bây giờ. Mừng lắm.”
Bây giờ đây, với mỗi lứa học sinh tốt nghiệp tại Hệ thống học viện ngôn ngữ của anh, anh vẫn nói với đồng đội của mình phải “Đồng hành trọn vẹn” với từng học sinh. Theo sát học sinh cho đến khi lập nghiệp thành công.
Năm 2019, Hệ thống học viện ngôn ngữ của anh đã phủ sóng cả nước Việt Nam với hơn 40 phân viện với tổng giá trị lên đến vài triệu đô, đào tạo ra hàng ngàn học sinh mỗi năm. Và luôn luôn được phụ huynh và học sinh khắp đất nước tin tưởng.
Câu chuyện của Nguyễn Quang Đức đã truyền động lực cho rất nhiều người, đặc biệt anh là nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp, học sinh phấn đấu không ngừng với những lý tưởng lớn. Chỉ cần bạn muốn và dám làm, việc làm của bạn có giá trị đối với xã hội. Thì chắc chắn bạn sẽ thành công.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế