Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Giữa “đại dịch sợ hãi” mà Covid-19 đã mang đến cho cả thế giới, đây là cách để bạn tự bảo vệ chính mình

Với những người có tiền sử mắc bệnh tâm lý, đây thực sự là giai đoạn khó khăn khi những thông tin tiêu cực liên tục ập đến.

Covid-19 không phải là đại dịch duy nhất mà cả thế giới này đang phải gánh chịu. Nó mang theo một dịch bệnh khác mang tên “dịch sợ hãi” – thứ khiến cả thế giới phải hoang mang, lo lắng, thậm chí có những hành vi kích động vượt quá mức cần thiết.

Tham khảo thêm Lý giải nguyên nhân Covid-19 khiến cả thế giới phải lo sợ: Khi virus mang đến “đại dịch sợ hãi” cho toàn cầu

Thực ra, lo lắng thì cũng tốt và có thể hiểu được, nhưng việc lo sợ quá mức thì không. Và đối với rất nhiều người trong chúng ta, sự sợ hãi mà các thông tin tiêu cực do virus mang lại có thể khiến tinh thần bạn chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là với những ai vốn đang có vấn đề về sức khỏe tâm lý.

Chẳng hạn, theo Nicky Lidbetter – chuyên gia từ tổ chức từ thiện Anxiety UK, nỗi sợ về việc mất kiểm soát và thiếu chắc chắn là các đặc điểm phổ biến nhất đối với những người mắc phải chứng rối loạn lo âu. Vậy nên, những người này cũng nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các thông tin tiêu cực trong giai đoạn này.

“Nỗi sợ thường có nguồn gốc từ sự lo lắng về những điều chưa rõ ràng, hoặc do phải chờ đợi chuyện xấu sẽ xảy ra kế tiếp – đó là những gì virus corona đã mang lại, ở quy mô lớn hơn.” – Rosie Weatherley, người phát ngôn của tổ chức từ thiện Mind tỏ ra đồng tình.

Vậy phải làm sao để có thể bảo vệ mình trước “đại dịch sợ hãi”?

Cẩn trọng với những gì bạn đọc được

Đối với Nick – một người mắc rối loạn lo âu sống cùng với 2 đứa con tại hạt Kent (Anh Quốc), việc đọc quá nhiều tin tức về virus corona đã khiến anh cảm thấy hoảng loạn.

“Khi cảm thấy lo lắng, tâm trí tôi có thể bị cuốn vào một vòng xoáy không lối thoát, và bắt đầu nghĩ về những hệ quả kinh hoàng sẽ xảy ra,” – Nick cho biết. Anh lo cho bố mẹ và những người quen đã lớn tuổi – nhóm phải chịu rủi ro lớn nhất.

“Thường thì khi lo lắng, tôi có thể tìm cách thoát ra. Nhưng giờ thì mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát,” – Nick chia sẻ.

Để giải quyết, Nick đã tránh xa các trang tin và mạng xã hội. Điều này giúp anh kiểm soát được căn bệnh của mình. Ngoài ra, anh một số lời khuyên từ các tổ chức như Anxiety UK cũng đã giúp ích rất nhiều, ví dụ như sau:

– Hãy giới hạn thời gian đọc và xem cả bản tin, nếu chúng không giúp tâm trạng của bạn tốt hơn. Tốt nhất, hãy tự đặt ra một khoảng thời gian nhất định để đọc tin tức trong ngày.

– Có rất nhiều thông tin sai lệch trôi nổi trên internet. Bởi vậy, hãy chỉ tin tưởng vào những thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, như của chính phủ cung cấp.

Alison (24 tuổi) sống tại Manchester cũng là một người mắc rối loạn lo âu. Cô cảm thấy bắt buộc phải cập nhật thông tin, nhưng đồng thời cô cũng hiểu rằng mạng xã hội chính là nguồn cơn khiến cô cảm thấy lo sợ.

“Khoảng 1 tháng trước, tôi bấm vào một hashtag trên mạng xã hội và nó đem lại rất nhiều thuyết âm mưu chưa được kiểm chứng. Chúng khiến tôi thực sự lo lắng, cảm thấy tuyệt vọng đến rơi nước mắt,” – cô cho biết.


Còn hiện tại, Alison đã cẩn thận hơn với những tài khoản thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, tránh bấm vào các hashtag liên quan. Cô cũng nỗ lực rất nhiều để hạn chế sử dụng mạng xã hội, thay vào đó là xem TV để có các bản tin xác thực, hoặc dành thời gian đọc sách.

Rửa tay khi cần thiết, nhưng đừng rửa quá nhiều

Từ khi dịch bệnh nổ ra, rửa tay bỗng trở thành một nỗi ám ảnh, đặc biệt là với những ai đang mắc phải OCD – hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Những bệnh nhân mắc OCD và các bệnh tâm lý tương tự bình thường đã bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ. Họ đã phải nỗ lực rất nhiều để hạn chế tần suất làm sạch mọi thứ, qua đó dần dần làm thuyên giảm triệu chứng bệnh. Còn giờ, khi cả xã hội cũng bị ám ảnh bởi việc rửa tay, bệnh nhân OCD có khả năng tái phát triệu chứng bệnh bất kỳ lúc nào.

“Thực sự rất khó khi mọi người đang bị ám ảnh bởi một thứ mà tôi đã luôn cố tránh” – Lily Bailey, một bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh OCD cho biết. “Khó lắm, bởi với tôi thì xà phòng và rửa tay giống như chất gây nghiện vậy.” 

Hơn nữa theo Baily, những người bị OCD khi cắt giảm được triệu chứng cũng đồng nghĩa với việc họ có thể ra ngoài và hòa nhập với cộng đồng. Còn giờ với lệnh tự cách ly, họ sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi, ngứa ngáy chân tay và rốt cục lại khiến bệnh tái phát.

“Khi bị buộc phải ở trong nhà, chúng tôi sẽ dễ cảm thấy buồn chán. Mà sự buồn chán có thể làm OCD tệ hơn,” – Bailey chia sẻ.

Vậy nên nếu phải tự cách ly, hãy chăm chỉ liên lạc với người thân và bạn bè – những người bạn thực sự quan tâm đến. Tạo cảm giác kết nối sẽ khiến nỗi buồn qua đi, giảm triệu chứng OCD, cũng như giúp bạn bớt cô đơn, trống trải.

Tránh để tinh thần kiệt quệ

Rất khó để biết khi nào dịch Covid-19 sẽ chấm dứt. Có thể là vài tuần, thậm chí hàng tháng.

Trong tình huống này, tổ chức Mind khuyên rằng tất cả chúng ta nên tăng cường tiếp xúc với ánh nắng và thiên nhiên mỗi khi có thể. Chăm chỉ tập thể dục, ăn uống đủ chất, tiếp nước đầy đủ, tránh để bản thân rơi vào trạng thái kiệt sức.

Theo Cafebiz