Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

GIC đã thoái vốn khỏi công ty sở hữu VinMart?

Credit Suisse AG chi nhánh Singapore và Ardolis Investment, đại diện cho quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore – GIC đã không còn sở hữu cổ phần tại Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.

Ngày cấp thay đổi đăng ký kinh doanh là 12/2/2020. Hiện, VCM vẫn có vốn điều lệ là 6.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của VCM không ghi nhận sự tham gia của cổ đông nước ngoài. Trước đó, tỷ lệ vốn nước ngoài tại VCM đạt 16,26%.

Thương vụ của GIC vào tháng 9/2019 đã định giá hệ thống Vincommerce lên đến hơn 3 tỷ USD.

Vào đầu tháng 8/2019, Vingroup đã tách Vincommerce thành hai công ty mới là Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và Thương mại P&S và Công ty Cổ phần Phát triển thương mại dịch vụ Adayroi.

Cùng với việc chia tách, Vingroup cũng thành lập VCM để gián tiếp nắm giữ cổ phần trong VinCommerce.

Sau tái cấu trúc, VCM sở hữu 100% vốn Vincommerce và là công ty mẹ của hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart +.

Đến tháng 9/2019, thông qua công ty con là Ardolis Investment, GIC đã chính thức sở hữu 9,75% vốn tại VCM, trong khi Credit Suisse chi nhánh Singapore sở hữu 6,5%.

Tại thời điểm đó, GIC cũng tuyên bố dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư rót 500 triệu USD vào VCM.

Theo thông tin chúng tôi có được, GIC – thông qua công ty con Ardolis Investment – cùng chi nhánh Singapore của Credit Suisse đã mua hơn 104,66 triệu cổ phần phổ thông, tương ứng với 16,26% cổ phần của VCM. Trong đó, Ardolis nắm giữ 9,76% và Credit Suisse nắm giữ 6,5%. Ardolis Investment hiện cũng trực tiếp sở hữu 5,64% cổ phần của Masan Group.

Nếu như toàn bộ 500 triệu USD đã được giải ngân đổi lấy 16,26% cổ phần thì GIC đã định giá VCM ở mức 3,08 tỷ USD.

Sau giao dịch trên, Vingroup vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 64,3% cổ phần của VCM. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12/2019, do thay đổi chiến lược kinh doanh, Vingroup đã tuyên bố rút khỏi mảng bán lẻ, chuyển giao lại hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ cùng VinEco (tất cả đều thuộc sở hữu của công ty VCM) sang cho Masan Group.

Theo đó, tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang nhận 83,74% cổ phần phổ thông của VCM. Ngoài ra, Masan sẽ phát hành quyền chọn được nhận cổ phần tại một công ty con mới thành lập cho Vingroup. Công ty mới này sẽ sở hữu cổ phần và vận hành VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.

Sau sáp nhập, Masan thành lập ra một công ty tiêu dùng, theo Masan là lớn nhất Việt Nam. Masan là cổ đông nắm 70% của công ty mới.

Hiện, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đã trực tiếp đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce.

Với việc Masan Group mới chỉ tiếp quản 83,74% cổ phần của VCM thì tại thời điểm cuối năm 2019, nhóm GIC/Credit Suisse vẫn nắm giữ 16,26% cổ phần còn lại.

Tuy nhiên cập nhật trên hệ thống đăng ký kinh doanh thì đến ngày 12/2/2020, cả GIC và Credit Suisse đều đã không còn nắm giữ cổ phần tại VCM. Hiện vẫn chưa rõ là nhóm nhà đầu tư này đã thoái vốn hoàn toàn hay chuyển đổi cổ phần sang pháp nhân mới.

Theo Enternews.vn