Trước bối cảnh đại dịch Covid-19, những thanh thiếu niên ở khu vực Đông Nam Á – thị trường năng động bậc nhất thế giới – đã thể hiện khả năng thích nghi nhanh chóng, hứa hẹn tạo ra những xu hướng tiêu dùng, đầu tư mới trong tương lai.
Vừa qua, nhóm chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Đông Nam Á đã thực hiện khảo sát trên 68.574 thanh thiếu niên (từ 15 – 35 tuổi) về sự thay đổi hành vi trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và những lệnh cách ly xã hội được thực hiện.
Giới trẻ ASEAN: thích ứng tốt, ham học hỏi
Các lệnh giãn cách xã hội khiến các công cụ công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là đối với người trẻ. Theo khảo sát, 87% thanh thiếu niên cho biết họ tăng cường sử dụng công cụ kỹ thuật số, trong đó 42% sử dụng thêm ít nhất một ứng dụng trước đây chưa từng thử.
Bên cạnh mạng xã hội, ví điện tử hay các ứng dụng mua sắm, giáo dục trực tuyến cũng chứng kiến mức độ sử dụng gia tăng đột biến ở người trẻ Đông Nam Á.
Trong khi các học sinh, sinh viên bắt buộc phải tiếp tục chương trình học qua nền tảng trực tuyến thì có tới 38% nhân viên trẻ tuổi sử dụng phương tiện này như một kênh nâng cao kiến thức, kỹ năng công việc và cuộc sống – theo tinh thần “học, học nữa, học mãi”.
Nền kinh tế ảm đạm khiến đa số người lao động bị tụt giảm mức thu nhập. Trong tình cảnh đó, giới trẻ ở khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới này đã bắt đầu chú ý hơn tới việc quản lý tài chính cá nhân.
Theo khảo sát, không chỉ hạn chế chi tiêu không cần thiết, có tới 31% thanh niên đã tìm kiếm các phương án gia tăng và đa dạng hóa nguồn thu nhập, thông qua các việc làm thêm qua mạng, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, đầu tư vào chứng khoán hay các mô hình kinh doanh mới.
Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo bổ sung thêm, xu hướng này đặc biệt đúng với nhóm doanh nhân trẻ từ 26 – 35 tuổi.
Khó khăn của người trẻ
Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, đặc biệt là tại Indonesia và Philippines đã khiến toàn xã hội rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là đối với nhóm người lao động trẻ tuổi chưa có sự đa dạng và ổn định về nguồn thu nhập.
Khảo sát của WEF chỉ ra rằng 19% giới trẻ Đông Nam Á đang phải gánh chịu những áp lực về tài chính. Bên cạnh những biện pháp như vay ngân hàng hay chờ đợi sự hỗ trợ từ phía chính phủ, nhiều bạn trẻ cho biết đã phải sử dụng đến phương án huy động vốn không chính thức, từ vay của bạn bè, người thân cho tới cả vay nóng với lãi suất cao.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa thực sự phát triển đồng bộ ở khu vực này cũng là nguyên nhân gây ra khó khăn cho người trẻ, khi có tới 69% người khảo sát cho biết họ cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng các công cụ trực tuyến để học tập và làm việc, chủ yếu do chất lượng đường truyền thiếu ổn định, chưa tương xứng với chi phí bỏ ra.
Hình thức làm việc, học tập trực tuyến cũng không dễ dàng để tiếp cận nhóm học sinh, sinh viên ở vùng sâu vùng xa và lao động trẻ trình độ dưới đại học.
Triển vọng thị trường Đông Nam Á hậu Covid-19
Ông Santitarn Sathirathai, chuyên gia kinh tế của WEF nhận định, sự thay đổi trong hành vi của giới trẻ khu vực Đông Nam Á sẽ tạo ra những tác động to lớn tới việc tái định hình thị trường này trong tương lai tới.
Theo đó, thế hệ trẻ với tinh thần cầu tiến, sức sáng tạo cùng khả năng thích ứng tốt sẽ đưa khu vực Đông Nam Á trở nên năng động và có tiềm năng phát triển vượt bậc về kinh tế, tạo nền tảng cho sự bùng nổ công nghệ và sản xuất chất lượng cao.
Phong trào làm việc tại nhà, làm việc tự do (freelance) cũng được dự đoán sẽ tiếp tục lên ngôi trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các công ty tiếp cận dễ hơn với nguồn nhân lực chất lượng, tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất lao động.
Thực tế, sức trẻ chính là một trong những lợi thế hàng đầu của nền kinh tế Đông Nam Á, đã được kiểm chứng thông qua sự trỗi dậy của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á. Trong thời kỳ kinh tế bị tổn thương nặng nề, nhiều dự án khởi nghiệp về công nghệ ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục nhận được nguồn vốn đầu tư khổng lồ.
Tuy nhiên, ông Joo-Ok Lee, Trưởng ban Châu Á Thái Bình Dương của WEF nhận xét, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa thực sự đáp ứng được triển vọng của giới trẻ chính là cản trở lớn nhất cho công cuộc phục hồi kinh tế và bứt phá sau khủng hoảng của các nước Đông Nam Á nói chung.
Từ đó, nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo đề xuất chính phủ các nước Đông Nam Á cần phải tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như giáo dục đào tạo chất lượng cao, bên cạnh việc tăng cường chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đầu tư, đổi mới sáng tạo.
Theo TheLEADER