Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Giải trí trực tuyến “đắt khách” nhờ Covid-19

Thậm chí, những sản phẩm cũ tưởng không còn khả năng thu hút người xem, cũng được hồi sinh ngoạn mục.

Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học và nhiều văn phòng tạm thời đóng cửa. Cũng vì thế, giải trí trực tuyến tại nhà trở thành nhu cầu “bức thiết” với nhiều người. Các gói kênh dịch vụ truyền hình lên ngôi trong mùa Covid-19, đáp ứng mong muốn giải trí của hàng triệu thị dân đang cách ly xã hội.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường đã cho chúng tôi nghỉ học được hơn 2 tháng. Ở nhà cả ngày không có việc gì làm nên tôi đã đăng kí mua các gói giải trí trực tuyến như Netflix, K+”, chị Nguyễn Thanh Nhàn, sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết.

Giống chị Nhàn, anh Đoàn Minh Thành, sống tại Lê Thanh Nghị, Hà Nội cho hay, hàng ngày anh ở nhà làm online, do thực hiện đúng quy định của nhà nước là hạn chế ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết nên anh thường xem các video ca nhạc và vlog trên Youtube và đăng ký mua thêm gói Netflix.

Trước khi đại dịch xảy ra, có thể thấy, với sự phổ biến của các dịch vụ truyền hình trực tuyến, người Việt đã ngày càng sẵn sàng chi tiền để được thưởng thức các nội dung chất lượng, có bản quyền. Các dịch vụ trả phí trở nên phổ biến hơn, phản ánh một xu hướng tiêu dùng mới.

Các nội dung thu hút nhất ở những kênh này là phim truyền hình, phim điện ảnh, chương trình giải trí, game show, truyền hình thực tế, thể thao….

Hiện tại, các dịch vụ xem trực tuyến tại nhà có giá từ vài nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng.

Theo đó, gói Fim+ chuẩn là 30.000 đồng/tháng, Fim+ cao cấp là 50.000 đồng/tháng, HBO Go là 79.000 đồng/tháng.

DANET hiện triển khai gói ngày, tuần và VIP lần lượt là 3.000 đồng, 10.000 đồng và 59.000 đồng/tháng. Đáng chú ý, so với mặt bằng thị trường, Netflix đang có giá khá cao, với các gói cước 180.000 đồng, 220.000 đồng và 260.000 đồng/tháng.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me về nghiên cứu dịch vụ truyền hình trực tuyến (video streaming) tại thị trường Việt Nam vào tháng 2-2020 trên 676 người đang sinh sống tại Việt Nam (trong đó có 202 người biết đến các dịch vụ xem truyền hình trực tuyến) trong độ tuổi 20-49, cũng đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý.

Theo đó, tần suất sử dụng truyền hình trực tuyến tăng lên do có đến 78% người được khảo sát giảm ra ngoài vui chơi.

Trong top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến tại Việt Nam hiện nay gồm: FPT Play, Netflix, K+, VTV Cab On và Zing TV.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, điện thoại thông minh (76%) và tivi thông minh (73%) là những thiết bị được sử dụng nhiều nhất. Có đến 97% người dùng xem video tại nhà. Thứ tự yêu thích các chủ đề: Phim dài tập/phim lẻ (60%), Âm nhạc (50%) và Chương trình giải trí/Trò chơi truyền hình/Chương trình thực tế (48%).

Những con số nói trên cho thấy, dù là miễn phí hay trả phí, xu hướng giải trí trực tuyến tại Việt Nam vốn đã có những tăng trưởng tích cực nay càng có nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ứng dụng giải trí hàng đầu nước ta hiện nay là POPS đã đạt được lượng truy cập tăng vọt trong tháng 3/2020. Kênh Youtube của POPS tăng trưởng 22% trong nửa đầu tháng 3/2020 và tăng trưởng 40% trong nửa cuối tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ từ bà Trương Tú Ngân, Giám đốc truyền thông của POPS, lượng lượt xem YouTube của POPS tăng vọt hơn 22% cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến nay, các nội dung thiếu nhi trên kênh POPS Kids và các nội dung giải trí dành cho học sinh trung học trên kênh POPS Anime có sự tăng trưởng gần 200%.

“Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020 có sự tăng trưởng vượt trội của hình thức livestream với lượng thời gian xem tăng lên 300%, trong đó tập trung ở các nội dung giải trí dành cho trẻ, các livestream sự kiện tin tức thực tế từ các kênh truyền thông và các livestream giao lưu với người hâm mộ từ các nghệ sĩ”, bà Ngân cho biết thêm.

Những sản phẩm cũ tưởng không còn khả năng thu hút người xem, cũng được hồi sinh ngoạn mục. Đặc biệt, hình thức livestream của nghệ sĩ tăng 300% người theo dõi và tương tác.

Ngoài ra, bà Ngân cũng nhấn mạnh, nếu trước đây vào các ngày nghỉ, lượng người xem cao hơn ngày thường thì khoảng thời gian này, hầu như các ngày trong tuần đều có lượt xem cao bằng nhau.

Một nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến khác là Keeng cũng đạt được những kết quả ngoài tưởng tượng.

Dù các ứng dụng giải trí trực tuyến không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, thì những kênh Youtube cá nhân vẫn là đắc thắng trong thời Covid-19. YouTube quy định một kênh cá nhân chỉ có thể bật tính năng kiếm tiền khi đã đủ 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký.

Và ngay khi trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội thì hàng loạt kênh cá nhân trên Youtube cũng vẫn được dịp hốt bạc.

Theo Social Blade, một chuyên trang phân tích các kênh YouTube, thì thu nhập của những kênh “hot” ở Việt Nam trong mùa Covid-19 có thể thu nhập đến hàng trăm ngàn USD. Ví dụ, kênh cá nhân của Sơn Tùng M-TP, kênh cá nhân của Hậu Hoàng, hoặc kênh cá nhân của Bà Tân Vlog.

Theo CafeF